Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới

Ngày 30 tháng 1 năm 2023 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện quan điểm định hướng và ưu tiên phát triển CNSH như một ngành công nghiệp quan trọng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học, được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững;

Xây dựng nên công nghệ sinh học có nguồn lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; Công nghiệp sinh học đóng góp 10 – 15% vào GDP.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:

Một là: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới, nhận thức được việc phát triển và ứng dụng CNSH là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Hai là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Ba là: Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là: Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Năm là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.

Trước những nhiệm vụ và giải pháp mà Bộ chính trị đưa ra, ngành CNSH Lâm nghiệp của Trường Đại học Lâm nghiệp nhận thấy đây là cơ hội để ngành phát triển về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển các hướng nghiên cứu CNSH lâm nghiệp. Với truyền thống 18 năm đào tạo ngành CNSH, Trường Đại học Lâm nghiệp đã cung cấp nhiều kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ CNSH cho đất nước, rất nhiều cựu sinh viên đang làm việc tại các Viện nghiên cứu, Trung tâm và Công ty CNSH, giảng dạy tại các Trường đại học, trường Trung học phổ thông. Trong năm 2023, Nhà trường triển khai mở Chương trình đào tạo tiến sĩ CNSH để tiếp tục đào tạo những chuyên gia chất lượng cao về CNSH, phục vụ cho nhu cầu cũng như định hướng ưu tiên phát triển CNSH của đất nước.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra là: “Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vaccine và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm”.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNSH, Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh trong lĩnh vực CNSH lâm nghiệp để đóng góp vào nền kinh tế cả nước. Cụ thể đối với ngành CNSH lâm nghiệp có những định hướng phát triển như sau: Công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp; Giống cây lâm nghiệp biến đổi gen và ứng dụng vào sản xuất; Ứng dụng CNSH trong khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu, cây gỗ bản địa; Cơ sở dữ liệu ADN cho các loài động thực vật rừng và ứng dụng; Phát triển giống cây lâm nghiệp ứng dụng CNSH qui mô công nghiệp.

Hà Bích Hồng – Viện CNSH Lâm nghiệp