
Ban Tổ chức trao Giải Nhất cho nhóm sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp và các đội thi

Nhóm Dự án Trường Đại học Lâm nghiệp đạt Giải nhất tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 7 (SV.STARTUP lần thứ VII)
Trong những năm gần đây, khởi nghiệp không chỉ là xu thế của xã hội mà còn trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của Trường Đại học Lâm nghiệp. Năm học vừa qua, với sự quan tâm sâu sắc của Nhà trường cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo của sinh viên, phong trào khởi nghiệp đã có những bước tiến đột phá, trở thành một điểm sáng trong ngành giáo dục. Chỉ trong 2 ngày, 3 dự án của sinh viên VNUF đã xuất sắc gặt hái được những thành tích đột phá tại các cuộc thi khác nhau về Khởi nghiệp sinh viên.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) đã diễn ra từ 18/4/2025 đến ngày 20/4/2025 tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp phải có hệ sinh thái, và với tinh thần “thần tốc, tạo bạo, không có giới hạn trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phải tạo ra phong trào, tạo ra xu thế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp bằng nhiều hình thức và cơ chế chính sách khác nhau để đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mang lại lợi ích cho chính bản thân học sinh, sinh viên, cho gia đình và xã hội; từ thành quả của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tạo niềm tin, khí thế, động lực, nâng bước cho học sinh, sinh viên phát triển, góp phần phát triển đất nước.
Sau 2 tháng phát động cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 7 (SV.STARTUP lần thứ VII), Ban Tổ chức đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông. Sau vòng bán kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 125 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết theo các nhóm: Kinh doanh tạo tác động xã hội; Công nghiệp; Nông lâm ngư nghiệp; Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch; Dịch vụ, Tài chính ngân hàng. Tại Lễ bế mạc cuộc thi, có 05 giải Nhất khối sinh viên thuộc các lĩnh vực khác nhau đã được xướng tên và Trường Đại học Lâm nghiệp đã xuất sắc giành được giải nhất lĩnh vực Nông, Lâm, và Ngư nghiệp với dự án “Ứng dụng di động đánh giá nhanh lượng carbon tích luỹ trong rừng – CARBONet”. Dự án do sinh viên Trần Thị Chanh lớp K67 QLTNTN (CTTT), Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp thực hiện với sinh viên Hoàng Quang Minh lớp K69 PTKD (CTTT), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án được sự dẫn dắt của 02 cố vấn đến từ Khoa QLTNR&MT và Viện STR&MT – TS. Dương Thị Bích Ngọc và TS. Phạm Văn Duẩn.
Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với hàng triệu chủ rừng. Tuy nhiên, việc đánh giá lượng carbon tích lũy trong rừng vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt đối với các hộ gia đình và cộng đồng quản lý rừng nhỏ lẻ, do yêu cầu chuyên môn và kỹ thuật cao, thời gian và chi phí lớn.
Với mục tiêu hỗ trợ các chủ rừng ước tính nhanh và chính xác lượng carbon tích lũy, đơn giản hóa quy trình đánh giá carbon, và tạo điều kiện tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, CARBONet ra đời như một công cụ hữu ích và hiệu quả. Ứng dụng này đặc biệt phù hợp cho các chủ rừng nhỏ lẻ, ban quản lý rừng, và cơ quan nhà nước trong việc giám sát và quản lý tài nguyên carbon rừng. Xa hơn, CARBONet hướng đến việc mở rộng ứng dụng ra thị trường carbon của các khu rừng nhiệt đới trên toàn cầu. Đồng thời, ứng dụng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững cho cộng đồng thông qua cơ hội tiếp cận thị trường tín chỉ carbon.




Ban giám khảo, doanh nghiệp và sinh viên ghé thăm gian hàng của Trường Đại học Lâm nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP)
Bên cạnh đó, 02 dự án của Nhà trường là dự án Mận trái mùa Mộc Châu cũng vinh dự nhận giải Tiềm năng tại cuộc thi UEB Business Challenges mùa 7 do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức và dự án Smart Door – Cửa sổ thông minh đã lọt vào vòng đối đầu trực tiếp cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI năm học 2024 – 2025” do Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức.
Diễn ra vào ngày 20/4/2025 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Chung kết cuộc thi UEB Business Challenges Season 7 đã quy tụ hơn 900 sinh viên, chuyên gia, giảng viên và doanh nhân trong nước và quốc tế, đánh dấu hành trình hơn 6 tháng tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp đột phá. Sau gần một thập kỷ bền bỉ tổ chức, UEB Business Challenges – cuộc thi do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) khởi xướng – đã vươn lên trở thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo uy tín, kết nối hơn 2.160 tài năng trẻ đến từ hơn 100 trường đại học và 200 tổ chức trong và ngoài nước. Không chỉ dừng lại ở vai trò của một sân chơi học thuật, cuộc thi còn là bệ phóng thực tiễn cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp táo bạo: 10% trong tổng số 451 đội thi đã nhận được đầu tư, một đội đã chính thức thành lập doanh nghiệp và một số đội từng góp mặt tại vòng Chung kết của chương trình Shark Tank Việt Nam. Đồng hành cùng các đội thi là đội ngũ 28 mentor dày dạn kinh nghiệm, đến từ nhiều lĩnh vực then chốt như tài chính, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, bất động sản, giáo dục và marketing – tạo nên mạng lưới hỗ trợ toàn diện cho thế hệ khởi nghiệp trẻ. Vơi sự dẫn dắt tận tình của TS. Đặng Thị Hoa và TS. Hoàng Thị Hằng, 03 sinh viên và 01 học viên của Nhà trường là Phùng Thị Hải Khánh (K67B KTO), Bùi Chí Dũng (K67A KTO), Phạm Xuân Phú (K67 CNSH) và Phùng Văn Khả (chuyên ngành BVTV) đã đưa dự án Mận trái mùa Mộc Châu đạt được giải Tiềm năng của cuộc thi.
Mận là cây ăn quả chủ lực của huyện Mộc châu, sản lượng Mận được cung cấp chủ yếu vào chính vụ. Hiện tượng “Được mùa thì mất giá”, “Được giá thì mất mùa” đã gây nhiều khó khăn cho người dân. “Mận trái mùa Mộc Châu” được triển khai với mong muốn giảm bớt khó khăn, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả trồng Mận cho người dân vùng Tây Bắc nói chung và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói riêng. Dự án được phát triển từ kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên với việc tạo thêm Mận trái vụ sau khi kết thúc thu hoạch Mận chính vụ bằng cách thay đổi sinh lý cây trồng, kết hợp kỹ thuật tạo thảm đệm sinh học, hệ thống tưới nước và điều khiển ánh sáng tự động. Dự án đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, xóa tính mùa vụ của dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Mộc Châu.


Dự án Mận trái mùa Mộc Châu giành được giải Tiềm năng cuộc thi UEB Business Challenges mùa 7
Ngoài ra, dự án Smart Door – Cửa sổ thông minh do các sinh viên Lại Văn Minh, Nguyễn Hồng Sơn, Đinh Diệu Hương, Nguyễn Hữu Việt Anh, Nguyễn Văn Chiến thuộc lớp K67 HTTT thực hiện dưới sự hướng dẫn cuả TS. Trần Công Chi và ThS. Hoàng Việt Dũng – Giảng viên Khoa CĐ&CT cũng đã lọt vào vòng thi trực tiếp cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI do trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức.



Dự án Smart Door tham gia vòng thi trực tiếp cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI do trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức
Thành công các cuộc thi khởi nghiệp này không chỉ là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía sinh viên, sự tận tâm của người hướng dẫn khoa học mà còn là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Trường Đại học Lâm nghiệp trong việc gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Qua đó, Trường Đại học Lâm nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trường Đại học tiên phong trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, góp phần xây dựng thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”, có bản lĩnh, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập.
Nguồn: Phòng KH&CN