Biến đổi khí hậu (BĐKH) được xác định là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Việt Nam được xác định là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH toàn cầu gây ra.
Hưởng ứng Quyết định số 2139/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về BĐKH” ngày 05/12/2011; Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch Quốc gia thích ứng với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”. Được sự tài trợ của Đại sứ quán Hà Lan, ngày 06 tháng 01 năm 2021 Trường Đại học Thủy lợi đã phát động cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học về “Thích ứng với Biến Đổi Khí hậu” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ hội để sinh viên thể hiện nhận thức, chủ động đưa ra sáng kiến và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Góp phần đẩy mạnh thực hiện các hành động, sáng kiến và giải pháp tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu từ gia đình, trường học tới cộng đồng.
Trải qua các vòng thi, với sự tham gia của 27 đề tài, 92 sinh viên đến từ 07 trường Đại học và Học viện trên cả nước diễn ra từ ngày 30/6/2021 Hội đồng đã chấm và lựa chọn được 20 đề tài xuất sắc nhất trong đó Trường Đại học Lâm nghiệp vinh dự có 04 đề tài được lọt vào vòng Chung khảo cuộc thi.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải nhất: 25.000.000 đồng; 01 giải nhì: 15.000.000 đồng; 03 giải ba: 10.000.000 đồng.
Sau một ngày chấm thi công tâm của Ban Giám khảo nhóm sinh viên VCK16 với đề tài “Đề xuất giải pháp quản lý bền vững rừng trồng Keo thuần loài ở vùng đầu nguồn của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Bùi Xuân Dũng đã xuất sắc đạt giải nhất.
Tham gia sân chơi trí tuệ về lĩnh vực Biến đổi khí hậu Vnuf đã khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong việc phát triển ngành Lâm nghiệp góp phần quan trọng vào việc làm giảm thiểu phát thải khí CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp nhằm quản lý bền vững mô hình rừng trồng Keo thuần loài nói riêng và các mô hình rừng trồng thuần loài nói chung ở Việt Nam. Việc quản lý bền vững các mô hình rừng trồng thuần loài không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu mà còn giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu hiện nay.
Một số hình ảnh tại vòng Chung khảo cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học về “Thích ứng với Biến đổi khí hậu”
Ban tổ chức điều hành vòng chung khảo cuộc thi “Thích ứng với biến đổi khí hậu”
Các nhóm đã tự tin thuyết trình đúng thời gian quy định và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo.