Trao đổi khoa học “Đo lượng Carbon rừng ngập mặn – Cơ hội và thách thức – Trường hợp rừng ngập mặn Vĩnh Châu”

Sáng ngày 09 tháng 11 năm 2024, tại Trường Đại học Lâm nghiệp, tổ chức hội thảo khoa học “Đo lường carbon rừng ngập mặn – Cơ hội và Thách thức: Trường hợp nghiên cứu tại rừng ngập mặn Vĩnh Châu,”

Nghiên cứu do Viện Sinh thái rừng và Môi trường thực hiện, nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của cộng đồng ven biển thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long – giai đoạn 1 do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BftW) tài trợ.

Nhà báo Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam – AFV mở đầu buổi trao đổi

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Cơ hội trong đo lường carbon tại rừng ngập mặn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, rừng ngập mặn được công nhận là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trong việc hấp thụ carbon và điều hòa khí hậu. Với khả năng lưu trữ lượng carbon gấp nhiều lần so với rừng trên cạn, các khu rừng ngập mặn như Vĩnh Châu đang là điểm sáng trong các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

NGƯT.GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghệp, phát biểu tại buổi trao đổi

Sự kiện có sự tham dự của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam – AFV, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Chi Cục kiểm lâm Sóc Trăng và các địa phương có rừng ngập mặn ở khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ cùng đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng và các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ rừng.

PGS.TS. Trần Quang Bảo, Cục trưởng cục Lâm nghiệp tham gia buổi trao đổi

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ về dự án tại buổi tọa đàm

Theo các chuyên gia, đo lường chính xác lượng carbon lưu trữ trong rừng ngập mặn là bước quan trọng để có thể đưa ra các chính sách bảo vệ và phục hồi rừng hiệu quả. Đây cũng là cơ hội lớn để Vĩnh Châu nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tham gia vào các dự án tín chỉ carbon quốc tế, từ đó góp phần tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho các cộng đồng địa phương.

Tọa đàm về đo lường carbon rừng ngập mặn

Tại buổi trao đổi, nghiên cứu do Viện Sinh thái rừng và Môi trường thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam – AFV, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cùng đối tác và cộng đồng thực hiện tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng trong 2 năm (11/2022 – 10/2024) cho thấy: Trong số 3 loài cây Bần, Mắm, Đước thì lượng tăng trưởng carbon bình quân hàng năm của Mắm là cao nhất với 8,06 tấn/ha, trong khi đó Bần là 6,93 tấn/ha và Đước là 5,32 tấn/ha. Trung bình tăng trưởng toàn khu vực là 6,77 tấn/ha/năm (tương đương 24.8 tấn CO2/ha/năm). Theo thị trường carbon tự nguyện hiện nay, mỗi tấn CO2 có giá dao động từ 5-10$, thì giá trị kinh tế của mỗi héc ta rừng có thể mang lại khoảng 124 – 248 $/năm.

ThS. Nguyễn Văn Thị chia sẻ về kết quả đo lường carbon tại Vĩnh Châu

Thách thức đối với việc đo lường carbon rừng ngập mặn

Tuy nhiên, việc đo lường carbon trong rừng ngập mặn không hề đơn giản và gặp phải nhiều thách thức. Rừng ngập mặn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều và thay đổi địa chất, điều này khiến cho việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và chi phí cùng với công nghệ hiện đại cũng như đội ngũ chuyên môn cao.

Ngoài ra, các hoạt động phát triển nông nghiệp và thủy sản có nguy cơ làm suy thoái rừng ngập mặn, gây tổn thất đáng kể đến trữ lượng carbon và chức năng sinh thái. Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cũng là một bài toán khó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương.

Phát triển rừng ngập mặn nhằm gia tăng lượng tích lũy carbon

Những bước tiếp theo

Buổi trao đổi đã khép lại với những kiến nghị về các giải pháp khoa học và chính sách để nâng cao hiệu quả của việc đo lường carbon và bảo tồn rừng ngập mặn. Các đại biểu nhất trí rằng cần thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào quá trình đo lường, nhưng cũng cần đơn giản hóa để có thể ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng khác nhau cũng như triển khai các dự án hợp tác quốc tế để bảo vệ hệ sinh thái quý giá này.

Buổi hội thảo “Đo lường carbon rừng ngập mặn – Cơ hội và Thách thức” đã mở ra hướng đi mới, khẳng định tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thể hiện cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu phát triển bền vững và “Net Zero” vào năm 2050.

Nguồn: Viện STR&MT