Phương pháp xử lý dữ liệu cũng như dữ liệu dùng để phân tích được cung cấp ở cuối bài viết. Nhóm tác giả đã tải dữ liệu, xử lý các lỗi về địa chỉ và tên các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có trong dữ liệu, trước khi thống kê và phân tích những khía cạnh mà các hệ thống dữ liệu khoa học như Scopus không cung cấp sẵn.
Trong năm 2019, tổng số công bố có địa chỉ từ Việt Nam đã đạt 12,307 công bố các loại. Trong đó, số lượng công bố của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam chiếm 90.3%, tương ứng với 11,118 công bố. Số còn lại đến từ các bệnh viện, các tổ chức nghiên cứu độc lập, các công ty, các trường cao đẳng, và một số ít các trường trung học.
Các loại hình công bố của Việt Nam được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019 gồm 11 loại: (1) article và article in press – bài báo; (2) conference paper – báo cáo hội nghị; (3) letter – bài báo ngắn dạng thư gửi tòa soạn; (4) review – bài tổng quan; (5) book – sách chuyên khảo; (6) book chapter – chương sách; (7) data paper – bài báo mô tả dữ liệu; (8) note – bài bình luận; (9) editorial – bài xã luận; (10) erratum – bản đính chính; (11) short survey – bản điều tra.
Phân tích năng suất:
Bảng 1. Top 50 cơ sở giáo dục đại học công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam năm 2019.
Top 50 cơ sở GDĐH có năng suất công bố tốt nhất năm 2019 được cho ở bảng 1. Với tốc độ tăng trưởng theo “cấp số nhân” những năm gần đây, trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục vượt qua Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để dẫn đầu các đơn vị có nhiều công bố nhất Việt Nam. Số lượng công bố ở tất cả các loại hình xuất bản của trường này trung bình gấp 2.3 lần đối với cả 3 đơn vị xếp sau.
Dữ liệu cũng cho thấy, có 4 cơ sở GDĐH đã đạt năng suất trên một nghìn bài trên năm, gồm:
– Trường ĐH Tôn Đức Thắng,
– Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam,
– ĐH Quốc gia TpHCM,
– Trường ĐH Duy Tân.
Top 10 cơ sở GDĐH có năng suất công bố tốt nhất cả nước năm 2019 gồm:
– 7 đại học công lập: trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TpHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Cần Thơ, và ĐH Thái Nguyên;
– 1 viện nghiên cứu trọng điểm: Viện Hàn lâm KH&CN VN;
– 2 trường đại học tư thục: trường ĐH Duy Tân và trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bên cạnh các cơ sở GDĐH kể trên, trong top 50 còn có một số đơn vị đáng chú ý: trường ĐH Phenikaa, trường ĐH Công nghệ Tp.HCM, trường ĐH Vinh, trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp VN,…
Phân tích rộng hơn cho thấy hiện có tất cả 256 đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu có đào tạo đại học và sau đại học có công bố quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, chỉ với 50 đơn vị đầu tiên số lượng công bố (10,673 công bố) đã chiếm 95.9% của tất cả các đơn vị còn lại (11,118 công bố).
Hình 1. Phân bố số lượng công bố quốc tế của các trường theo 27 lĩnh vực. Thứ tự các trường được sắp xếp theo tổng số lượng công bố các loại giảm dần. Màu càng đậm thể hiện số lượng càng nhiều, màu trắng tương ứng số công bố bằng 0.
Phân tích về phân bố lĩnh vực của các công bố quốc tế (hình 1) cho thấy phần lớn các cơ sở GDĐH tập trung nghiên cứu ở các lĩnh vực (theo thứ tự alphabet): Nông nghiệp và Sinh học – AGRI; Hóa sinh, Di truyền, Sinh học phân tử – BIOC; Kỹ thuật Hóa học – CENG; Hóa học – CHEM; Khoa học Máy tính – COMP; Khoa học Trái đất và Hành tinh – EART; Năng lượng – ENER; Kỹ thuật Công nghệ – ENGI; Khoa học Môi trường – ENVI; Khoa học Vật liệu – MATE; Toán học – MATH; Y học – MEDI; và Vật lý học – PHYS. Trong đó các lĩnh vực trọng điểm nhất của các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam là:
– Kỹ thuật Công nghệ,
– Vật lý,
– Khoa học Máy tính,
– Khoa học Vật liệu,
– Toán học.
Một số lĩnh vực cũng có lượng công bố tương đối nhưng chưa nhiều như: Kinh doanh, Quản trị và Kế toán – BUSI, Khoa học quyết định – DECI, Kinh tế – ECON, Các lĩnh vực liên ngành – MULT, Dược học – PHAR, và Khoa học Xã hội – SOCI. Trong khi đó các lĩnh vực còn lại có rất ít nghiên cứu, gồm các lĩnh vực Nghệ thuật & Nhân văn – ART, Nha khoa – DENT, Ngành nghề Y tế – HEAL, Miễn dịch và Vi trùng học – IMMU, Thần kinh học – NEUR, Điều dưỡng – NURS, Tâm lý học – PSY, và Thú y – VETE.
Phân tích trích dẫn:
Cho đến thời điểm dữ liệu được cập nhật lần cuối, tổng trích dẫn của tất cả các công bố từ Việt Nam đăng trong năm 2019 đã đạt 16,211 lần. Đối với 50 cơ sở GDĐH nói trên, tổng trích dẫn của tất cả các công bố là 14,357 lần, chiếm 88.6% trong tổng số. Xin lưu ý rằng tổng trích dẫn của 50 cơ sở GDĐH không phải là sự cộng gộp chỉ số trích dẫn của từng đơn vị, mà được xác định thông qua tổng trích dẫn của tất cả các bài báo có tên ít nhất một trong 50 đơn vị đó.
Bảng 2. Tổng trích dẫn các công bố năm 2019 của top 50 cơ sở GDĐH có năng suất tốt nhất Việt Nam. Giá trị “0” tương ứng đơn vị đã có công bố, nhưng chưa được trích dẫn. Ký hiệu “–” cho biết đơn vị không có công bố.
Dữ liệu ở bảng 2 cho thấy, tổng trích dẫn nhận được từ các công bố đăng trong năm 2019 của hai trường:
– Trường ĐH Tôn Đức Thắng,
– Trường ĐH Duy Tân
vượt trội so với các cơ sở giáo dục còn lại. Nếu xét đến vai trò của tác giả trên các công trình, có thể dễ dàng thấy một hiện tượng ở phần lớn các cơ sở giáo dục: đó là trích dẫn có được của các công bố đồng tác giả lớn hơn trích dẫn của các công bố tác giả chính. Chỉ trừ một số đơn vị có xu hướng ngược lại với khác biệt lớn, như trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, hay trường ĐH Giao thông Vận tải TpHCM.
Phân tích chất lượng công bố:
Định lượng chất lượng của công bố nói chung hay các bài báo nói riêng, luôn là một công việc rất khó khăn. Để đánh giá chính xác thì cần phải có chuyên gia cùng hoặc gần chuyên môn, và phải đọc từng công trình. Tuy nhiên, đây là việc làm bất khả thi khi làm việc trên tập dữ liệu bài báo lớn. Do vậy, phương pháp đánh giá trung gian qua chất lượng tạp chí đăng tải bài báo, là một cách làm được các tổ chức tài trợ khoa học, các quỹ nghiên cứu, hay các trường đại học thừa nhận rộng rãi hiện nay. Chất lượng và uy tín tạp chí càng cao, chắc chắn sẽ đòi hỏi chất lượng bản thảo gửi đăng cũng phải tương xứng.
Một chỉ số thường được nhắc tới khi đánh giá chất lượng tạp chí là Impact Factor (IF), được đưa ra bởi cơ sở dữ liệu khoa học Web of Science của hãng Clarivate. Mặc dù vậy, phân bố của chỉ số IF rất khác nhau giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau. Do vậy khó có thể sử dụng IF để đánh giá chất lượng tạp chí thuộc các lĩnh vực khác nhau, càng không thể sử dụng nó để đánh giá chất lượng công bố giữa các trường, đặc biệt giữa trường đa ngành và trường đơn ngành.
Thay vào đó, cần sử dụng xếp hạng của tạp chí trong từng lĩnh vực (quartile, hay Q). Xếp hạng này hiện cũng được các cơ quan tài trợ khoa học (như quỹ NAFOSTED) và các trường đại học sử dụng để đánh giá tương đối chất lượng công bố. Các cơ sở dữ liệu khoa học lớn như Web of Science hay Scopus đều có bảng xếp hạng cho các tạp chí mà họ chỉ mục. Lấy ví dụ Web of Science, các tạp chí thuộc cùng một lĩnh vực sẽ được xếp từ cao đến thấp theo chỉ số IF, và sẽ được chia thành 4 nhóm tạp chí với số lượng bằng nhau. Nhóm 25% tạp chí có chỉ số IF cao nhất gọi là hạng Q1, 25% tiếp theo là Q2; sau đó là Q3; và cuối cùng là Q4. Cách xếp hạng Q các tạp chí của Scopus cũng tương tự. Ở phân tích này, sẽ sử dụng hạng Q từ Scopus (Scimago Lab).
Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm công bố quốc tế, khả năng từ chối đăng bài của các tạp chí thuộc nhóm Q1 là khá cao. Điều đó nghĩa là công trình nghiên cứu có phẩm chất cao, có những phát hiện gây tác động lớn trong chuyên ngành, thì mới có cơ may được nhận đăng. Vì thế, những trường có nhiều công bố trên các tạp chí hạng Q1 hay Q2, đặc biệt những công bố do chính giảng viên của trường làm tác giả chính, thì cũng có thể nói rằng, nội lực nghiên cứu của trường phần nào được xác lập.
Bảng 3. Phân tích hạng tạp chí đăng tải các bài báo của các trường.
Bảng 3 phân tích số bài báo (article và article in press) của top 50 cơ sở GDĐH theo hạng Q của tạp chí đăng các bài báo đó, đồng thời xét đến vai trò của các tác giả trên bài báo. Thứ tự các trường được xếp theo tổng số các bài báo cho trong bảng 1. Ở đây xin lưu ý rằng, một tạp chí có thể được xếp vào nhiều lĩnh vực khác nhau do tính chất liên ngành trong khoa học. Vì vậy, cùng một tạp chí, nhưng có thể sẽ nhận hạng Q khác nhau, tùy theo lĩnh vực. Chẳng hạn, tạp chí Applied Sciences (ISSN: 2076-3417) nhận hạng Q1 trong lĩnh vực Engineering, Q2 trong lĩnh vực Materials Science, và Q3 trong lĩnh vực Computer Science, theo Scimago 2018. Do đó, để đơn giản, trong phân tích này sẽ chỉ giữ lại hạng Q nào tốt nhất trong số các hạng mà một tạp chí nhận được. Ngoài ra, có nhiều tạp chí đã vượt qua vòng đánh giá phẩm chất và được Scopus thu nhận, chỉ mục, và lưu trữ thông tin các bài báo nhưng chưa có hạng Q, thì sẽ không được đưa vào phân tích ở đây.
Từ Bảng 3 cho thấy phần lớn các cơ sở GDĐH đều có công bố trên các tạp chí hạng Q1-Q4, với tỉ trọng giảm dần từ Q1 đến Q4. Chỉ có một số ít trường không có bài báo tạp chí Q4 như: trường ĐH Đồng Tháp, trường ĐH Y tế Công cộng, trường ĐH Việt-Đức, hay trường ĐH Tây Nguyên. Với tỉ trọng như vậy, chứng tỏ các nghiên cứu của các trường ở Việt Nam có chất lượng tương đối tốt, khi phần lớn các công bố đăng trên tạp chí hạng Q1 hoặc Q2.
Phân tích sâu hơn về vai trò tác giả trên bài báo cho thấy một xu thế, đó là tỉ trọng bài báo có đồng tác giả lớn hơn bài báo có tác giả chính (tác giả liên lạc, tác giả đầu tiên, hoặc cùng cả 2 vai trò) ở phần lớn các cơ sở GDĐH, và cũng ở phần lớn các hạng tạp chí từ Q1 đến Q4. Mặc dù vậy, sự chênh lệch đó nhìn chung không lớn, ngoại trừ các cơ sở giáo dục như: trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường ĐH Đồng Tháp, trường ĐH Lạc Hồng, hay Viện Khoa học Nông nghiệp VN. Những cơ sở này có bài báo đồng tác giả lớn hơn vài lần bài báo có tác giả chính.
Riêng với trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhận định trên không còn đúng, khi số bài báo mà giảng viên của trường đóng vai trò tác giả chính lớn hơn gấp nhiều lần số bài báo đồng tác giả, ở tất cả các hạng tạp chí từ Q1-Q4. Đó là một “kỳ tích” trong bức tranh nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay.
Cảnh báo công bố trên các tạo chí “rởm” thuộc Scopus
Tạp chí ‘đội lốt khoa học’, hay gọi bằng cái tên dân dã hơn là ‘rởm’, là một vấn nạn trong thời đại ngày nay; thời đại mà kỹ nghệ máy tính phát triển vượt bậc. Có thể nói chỉ với một cái máy tính, một căn phòng và một người biết chút ít về máy tính là đã có thể tạo ra một tạp chí với quy trình xuất bản y hệt các tạp chí nổi tiếng; có thể đăng tải các bài báo khoa học khắp thế giới gửi về. Những tạp chí kiểu này không chỉ không giúp cho cá nhân nhà nghiên cứu phát triển sự nghiệp, mà còn có thể gây tổn hại đến uy tín và lãng phí nguồn lực của trường đại học nơi người đó làm việc, và rộng ra là Việt Nam.
Ông Jeffrey Beall, thủ thư một trường đại học tại Mỹ, đã tạo ra danh sách Beall’s List nổi tiếng tập hợp các nhà xuất bản ‘rởm’ và các tạp chí ‘rởm’. Danh sách này được các nhà nghiên cứu khắp thế giới đón nhận; giúp họ tránh đăng phải trên các tạp chí đó. Đường link dẫn tới danh sách đó là https://beallslist.net.
Điều đáng lo lắng là trong quá trình phân tích dữ liệu, nhóm tác giả đã nhận thấy rằng có nhiều tạp chí, nếu chiếu theo danh sách Beall’s list thì sẽ được coi là “rởm” đã có mặt trong Scopus; và nhiều trường của Việt Nam đã có bài báo gửi đăng trên đó. Đơn cử một số tạp chí: Biointerface Research in Applied Chemistry; Asian Journal of Chemistry; Journal of Electrical Engineering; International Journal of Learning, Teaching and Educational Research.
Thiết nghĩ các nhà nghiên cứu của các trường cần kiểm tra tạp chí có phải là ‘rởm’ không, hoặc tự trang bị kỹ năng nhận biết các tạp chí như vậy trước khi gửi bản thảo đi. Bên cạnh đó, các phòng quản lý khoa học của các trường cũng cần cập nhật và tập huấn cho cán bộ, giảng viên của trường mình được biết. Có vậy mới làm giảm được tình trạng vẩn đục khoa học mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo.
Nguồn: Tienphong.vn