Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp: Hợp tác cùng phát triển

Trước những thành tựu ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản, nhiều chuyên gia nhận định: Hiện đang là thời điểm “cất cánh” hay “thời điểm vàng” của ngành lâm nghiệp. Do đó, việc phát huy tối đa sức mạnh nội lực để tập trung nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, giao lưu, mở rộng thị trường… sẽ là chất xúc tác giúp ngành lâm nghiệp vươn cao, vươn xa hơn. Chính vì vậy, ngày 17/08/2018, tại trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã diễn ra lễ lý kết thỏa thuận hợp tác giữ Tổng cục Lâm nghiệp và trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN), nhà trường hiện có 4 Khoa chuyên môn và 4 Viện đào tạo, nghiên cứu. Tổng số cán bộ viên chức là khoảng 1.015 cán bộ, trong đó có 06 Giáo sư, 36 Phó giáo sư, 137 Tiến sĩ, 483 Thạc sĩ phục vụ đào tạo khoảng 17.000 sinh viên và 1.500 học viên cao học, nghiên cứu sinh, trong đó có sinh viên, học viên từ các nước Lào, Campuchia, Nepal, Malaysia, Trung Quốc, Đức, Ghana,… Với đội ngũ cán bộ dày dặn kinh nghiệm, trong 5 năm gần đây, nhà trường đã và đang thực hiện hàng trăm nhiệm vụ và các dịch vụ khoa học công nghệ cho các cấp và các địa phương. Tuy nhiên, để việc đào tạo sát với nhu cầu thực tế, đồng thời, cũng là tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ của Trường tham gia sâu, rộng hơn các chương trình của ngành Lâm nghiệp thì việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa là đơn vị là hết sức cần thiết.

Thay mặt Tổng cục Lâm nghiệp, TS Nguyễn Quốc Trị khẳng định, việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường những năm qua là “cần, sát, đúng, trúng và đóng góp nhiều thành tựu cho lĩnh vực lâm nghiệp”. Do đó, việc triển khai ký kết hợp tác giữa 2 đơn vị là để cả hai khai thác thế mạnh, cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn. Mặt khác, việc hợp tác song phương sẽ là tiền đề để hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Tổng cục trưởng giao lãnh đạo các đơn vị phụ trách phối hợp triển khai hợp tác 6 nội dung cụ thể như sau: Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi chuyên gia; Hợp tác đề xuất, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường; Hợp tác xây dựng các văn bản, quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược; hợp tác triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững… và các đề án khác; Hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin, số liệu về lĩnh vực lâm nghiệp; Hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin, ấn phẩm, tư liệu, kết quả nghiên cứu và truyền thông…

Trước khi kết thúc buổi lễ, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị đã “đặt hàng” các nhà khoa học của Trường ĐHLN: “Cần nghiên cứu ra những giống cây lâm nghiệp mới, phát triển nhanh (rút ngắn chu kỳ kinh doanh). Bên cạnh đó là các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng để làm sao với hơn 3 triệu ha đất rừng sản xuất đó, chúng ta vẫn có thể đảm bảo đủ lượng gỗ cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu”./.

Nguồn: Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp