Tham dự buổi tọa đàm có GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Hữu Dào – Trưởng khoa KT&QTKD; Đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp; Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và đông đảo các bạn sinh viên trong Khoa.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Hữu Dào – Trưởng khoa nhấn mạnh: Vấn đề khởi nghiệp – “startup” đang là đề tài nóng được các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên hết sức quan tâm. Với lòng nhiệt huyết, thông minh, có sức khỏe, có đam mê, tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ khoa KT&QTKD đang không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu trên cơ sở đó làm giàu cho bản thân, cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Hiện nay, theo quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chuẩn đầu ra của trình độ đại học, đa số các trường đại học đã quán triệt cần phải đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, để sinh viên có tố chất khởi nghiệp, có “kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác”, đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đào tạo của mỗi Nhà trường.
PGS.TS. Trần Hữu Dào – Trưởng khoa KT&QTKD phát biểu
Thầy Trưởng khoa nhấn mạnh: Khởi nghiệp không khi nào là muộn, các em có thể khởi nghiệp ngay còn khi trên ghế Nhà trường khi các em đã có đam mê cháy bỏng trong lĩnh vực nào đó. Theo tôi nghĩ: “Khởi nghiệp” là các bạn cứ làm đi, máu lửa, chọn lĩnh vực ít mạo hiểm, đầu tư ít, theo chiến thuật “bắn đạn nhỏ”, “góp gió thành bão” và có thất bại thì cũng được rất nhiều kinh nghiệm quý báu tạo nền tảng cho các công việc sau này. Hành trang quan trọng nhất cho các bạn theo tôi là tư duy, tư duy phát triển thì mới có sự đột phá. Các bạn đừng thần tượng một ai cả vì con người luôn bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Cho nên các bạn chỉ học được ở những người thầy, những thần tượng nào đó mà bạn ngưỡng mộ ở một mặt nào đó, còn bản thân bạn phải có tư duy độc đáo của riêng mình.
Tại buổi tọa đàm, các bạn sinh viên đã được giao lưu trực tiếp với đại diện các cơ quan, doanh nghiệp – những người đã thành công trong khởi nghiệp và được các khách mời chia sẻ những kinh nghiệm, hành trang cần thiết cho bản thân về hướng nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, kỹ thuật khởi nghiệp và nuôi nghiệp (quản trị kinh doanh). Để hướng nghiệp đúng, cần phải hiểu mình, hiểu nghề và thời điểm khởi nghiệp tốt nhất, đặc biệt cần hiểu rõ sở trường, đam mê và năng lực của bản thân.
Trong buổi giao lưu, các bạn sinh viên đã có rất nhiều câu hỏi cũng như những quan điểm của mình về các dự án Khởi nghiệp mà các bạn đã, đang và sẽ thực hiện. Buổi tọa đàm cũng góp phần giúp sinh viên có thể nhìn nhận cơ hội và thách thức đặt ra với mình trong cơ hội khởi nghiệp sau này.
Các bạn luôn luôn phải yêu cầu cao hơn những gì học được.
Các bạn phải học tập ở mọi nơi, mọi lúc, học nữa, học mãi.