Thủ khoa kép và dự định về quê hương lập thân, lập nghiệp

GD&TĐ – Nguyễn Đức Quỳnh – sinh viên ĐH Lâm nghiệp là một trong số 84 Thủ khoa được tuyên dương. Quỳnh còn là thủ khoa kép duy nhất của năm nay.

Thủ khoa Nguyễn Đức Quỳnh là thủ khoa kép duy nhất của năm nay

Giây phút được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chàng trai trẻ với vóc dáng cao to, khuôn mặt sáng ngời và nụ cười thường trực trên môi đã ghi dấu ấn trong tim của rất nhiều người.

Nguyễn Đức Quỳnh không chỉ là thủ khoa có bảng thành tích cao trong học tập, mà còn là thủ khoa kép đã từng được vinh danh khi đỗ điểm cao nhất vào trường ĐH Lâm nghiệp.

Giữ vững phong độ ấy, năm nào Quỳnh cũng nhận được giấy khen của nhà trường dành cho sinh viên tích cực trong học tập và hoạt động Đoàn thể.

Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ thì đều đã 60 tuổi, sức khỏe kém, lại đều làm nghề nông nên cuộc sống gia đình đều trông vào đồng ruộng.

Các anh chị của Quỳnh khi đi học đều phải kết hợp vừa đi làm vừa đi học để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống bớt đi nỗi nhọc nhằn cho cha mẹ. Nhờ những ảnh hưởng đó từ gia đình, chàng trai trẻ luôn tự hứa với bản thân phải nỗ lực không ngừng để vươn lên thoát nghèo.

“Trong giây phút được vinh danh tại văn miếu em nghĩ đến gia đình đặc biệt là mẹ em người luôn dành mọi sự hi sinh, gian khổ để động viên khích lệ em cố gắng có được ngày hôm nay” – Quỳnh chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm học tập của bản thân, Quỳnh cho rằng: Mỗi sinh viên cần lên lớp đầy đủ để lắng nghe bài giảng kết hợp với tìm hiểu thêm tài liệu. Cần phân bổ thời gian hợp lý giữa chơi, học và hoạt động tình nguyện để có thời gian cũng như tinh thần học tập tốt nhất.

Đặc biệt, cần tập trung cao độ trước mỗi kì thi và quan trọng nhất là học tất cả các môn học bằng một sự say mê, yêu thích thật sự sẽ tạo được hứng thú mỗi khi học tập hay nghiên cứu.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của thủ khoa kép có lẽ là những ngày tháng thực tập gian khổ của bọn em tại Vườn quốc gia Cát Bà khi cùng các bạn thực tập tại nơi thiếu thốn, công việc vất vả hàng ngày chỉ được ăn một bữa cơm tối lại phải đi bộ hàng chục cây số trong rừng để điều tra nghiên cứu ở đây.

Tuy vất vả nhưng tình cảm bạn bè cùng nhau vượt khó, gắn bó trở nên thân thiết trong những lúc khó khăn là điều vô cùng đáng nhớ mà đến giờ ai nấy cũng xúc động mỗi khi nhắc đến tên nhau.

Nói về những dự định của mình trong tương lai, Quỳnh háo hức chia sẻ rằng sẽ về quê hương Lai Châu để đem kiến thức mình học được góp phần xây dựng quê hương thêm xanh tươi, trù phú.

Dù chưa biết tại địa phương có những chính sách tạo điều kiện cho các thủ khoa hay không nhưng Nguyễn Đức Quỳnh vẫn tin rằng việc chọn lựa về quê để lập thân, lập nghiệp sẽ có ý nghĩa với nơi mà mình được sinh ra, lớn lên và tự hào.

Nguồn: Ngọc Trang – Báo Giáo dục & Thời đại