Đây là kết quả do hệ thống Vietnam Citation Gateway của GS Nguyễn Hữu Đức, TS Võ Đình Hiếu và NCS Phan Hải ở ĐH Quốc gia Hà Nội công bố 2 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên nhóm đánh giá theo chỉ số chỉ số ảnh hưởng (Impact factor – IF) và chỉ số H-index theo thông lệ quốc tế.
Xem công bố xếp hạng chỉ số ảnh hưởng của 83 tạp chí khoa học Việt Nam TẠI ĐÂY.
Chỉ số ảnh hưởng được tính thông qua số trích dẫn trong năm 2020 của bài báo xuất bản trong 5 năm (2015-2019).
Trong số 83 tạp chí xem xét đưa vào hệ thống Vcgate và được đánh giá, có 72 tạp chí có đã chỉ số ảnh hưởng, 42 tạp chí có IF > 0.1; 12 tạp chí có IF > 0,5 và 6 tạp chí có IF > 1,0.
Các trích dẫn được thu thập từ nguồn Google Scholar, thường là cao hơn tổng số trích dẫn từ nguồn Web of Science và Scopus.
Theo đó, tạp chí Journal of Science: Advanced Materials and Devices của ĐH Quốc gia Hà Nội có chỉ số ảnh hưởng cao nhất (IF = 5.921).
Xếp sau đó là tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn Lâm và Khoa học Việt Nam với IF = 3.474.
Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Hữu Đức – thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết, bên cạnh các tạp chí có yếu tố quốc tế, một số tạp chí khoa học của Việt Nam xuất bản hoàn toàn bằng nội lực, nhưng đã nhận được chỉ số IF rất đáng kích lệ.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, chất lượng các tạp chí của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, xa với nhóm cuối cùng Q4 của các tạp chí quốc tế.
Nhóm nghiên cứu gồm GS Nguyễn Hữu Đức, TS Võ Đình Hiếu và NCS Phan Hải ở ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, năm nay, Vcgate cũng công bố kết quả khảo sát chỉ số Hindex của các tạp chí. Chỉ số này đánh giá mức độ tích hợp giữa năng suất công bố (số công trình công bố) và chất lượng (số lần trích dẫn).
Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn Lâm và Khoa học Việt Nam có chỉ số cao nhất (Hindex = 53).
Thúy Nga – Vietnamnet.vn