Tái thiết không gian xanh cho Hà Nội “Những mảng màu cần được nối lại”

Giữa những khu phố chật chội, những con đường ngày một đông và bầu không khí đô thị luôn hối hả, không gian xanh trở thành nhu cầu ngày càng thiết yếu của người dân Hà Nội – không chỉ để sống khỏe, mà để sống sâu, sống kết nối hơn với thiên nhiên và với chính mình. Nhưng hành trình phủ xanh thành phố không đơn giản, khi mà cây xanh đôi lúc chỉ là phần “bổ sung” sau cùng trong bản vẽ quy hoạch.

Có những buổi chiều, người ta chỉ mong tìm một khoảng lặng dưới tán cây trong công viên, nơi tiếng ve gọi hè khẽ ngân trên cành, và gió đủ mát để dịu lại nhịp sống đang vội vã. Ở Hà Nội, thành phố đang không ngừng vươn cao với những tòa nhà, những đại lộ mới mở, nhu cầu ấy càng trở nên thiết tha: được sống giữa những mảng xanh, được thở trong lành, được nhìn thấy cây và trời nhiều hơn là bê tông và khói bụi.

Không xanh không chỉ là những mảng cỏ cây. Đó còn là nơi con người kết nối với tự nhiên, với nhau, với chính mình. Là công viên cho trẻ em vui chơi an toàn, là hàng cây bên đường để người lớn đi bộ không thấy mệt hay những người lao động tìm chỗ nghỉ giữa trưa hè oi nóng, là khoảng trời xanh thoáng đãng bên cửa sổ mỗi sớm mai thức dậy.

Nhưng liệu trong nhịp phát triển đô thị đang ngày một nhanh, không gian xanh của Hà Nội có còn giữ được vai trò ấy? Chúng ta đang quy hoạch một thành phố để sống hay một thành phố để ở?

Bài viết này là hành trình đi tìm câu trả lời ấy, nhẹ nhàng nhưng không kém phần cấp thiết về hiện trạng và tương lai của không gian xanh đô thị Hà Nội. Không phải để chỉ ra những điều chưa được, mà để cùng nhìn về một hướng: làm sao để Hà Nội hôm nay và mai sau vẫn là nơi đáng sống, là nơi con người được sống xanh, sống khỏe và sống gần với thiên nhiên hơn.

Không gian xanh, đó là những công viên, hồ nước, vườn cây, hay đơn giản là hàng cây trên vỉa hè, vốn là một phần không thể thiếu trong cấu trúc của một đô thị bền vững. Nhưng ở Hà Nội, những mảng xanh ấy đang ngày càng trở nên ít đi hay nói cách khác là bị thu hẹp lại trong dòng chảy phát triển không ngừng.

Theo thống kê từ các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ đất dành cho không gian xanh công cộng ở khu vực nội thành Hà Nội còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, tại nhiều quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, diện tích cây xanh trên đầu người chỉ dao động từ 0,5 đến 1m², trong khi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này nên đạt ít nhất 9m²/người.

Dẫu biết rằng mỗi đô thị có đặc thù riêng, song những con số ấy vẫn khiến ta phải suy ngẫm. Bởi giữa những tòa nhà cao tầng mọc lên từng ngày, đâu đó vẫn còn nhiều khu dân cư thiếu công viên, thiếu bóng râm, và thiếu cả không gian để người già đi dạo hay cho trẻ con chạy nhảy vui chơi.

Bản đồ phân bổ không gian xanh đô thị Hà Nội được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu môi trường đô thị cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực. Trong khi các khu đô thị mới như Ciputra, Mỹ Đình, Gamuda hay Ecopark được đầu tư với mật độ cây xanh tương đối cao, thì các khu phố cổ, khu dân cư lâu đời có thể nói là đang bị “bỏ quên” trong quá trình phủ xanh đô thị.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), “không gian xanh ở Hà Nội phân bố thiếu đồng đều, nhiều khu vực trung tâm có mật độ dân cư cao nhưng lại rất thiếu cây xanh, trong khi các khu đô thị mới lại có điều kiện tốt hơn nhờ quy hoạch bài bản từ đầu.” Ông cũng nhấn mạnh rằng để phát triển không gian xanh bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể và quản lý đô thị thường nhật.

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp; Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, không chỉ thành phố Hà Nội, mà đô thị nào cũng vậy, khi đề cập đến không gian xanh đô thị nên hiểu đó là một hệ thống các loại hình không gian xanh có sự liên kết hữu cơ với nhau và tạo thành một cấu trúc nhất định, phù hợp với đặc điểm của điều kiện tự nhiên và yêu cầu phát triển phát triển của đô thị.

Làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống không gian xanh đô thị sẽ phát huy được các chức năng của không gian xanh đô thị về cải thiện tiểu khí hậu, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm úng ngập, hạn chế hoả hoạn, tiết kiệm năng lượng, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, hình thành nơi nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khoẻ, tăng tính thẩm mỹ đô thị.

Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đang từng bước cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ của không gian xanh đô thị, nhưng đó mới chỉ đang ở giai đoạn bước đầu. Để hệ thống không gian xanh đô thị Hà Nội phát triển bền vững và phát huy tốt tác dụng, cần có những nghiên cứu sâu hơn về cấu trúc, dịch vụ môi trường, cảnh quan.

Điều đáng quý là trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực: cải tạo công viên Thống Nhất, mở rộng không gian quanh hồ Tây, triển khai dự án trồng thêm hàng vạn cây xanh dọc các trục đường chính.

TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá đây là những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn mang tính cục bộ: “Phát triển đô thị xanh không thể dừng lại ở vài công viên hay trồng thêm hàng cây. Cần một chiến lược tổng thể, có tính kết nối, từ đó không gian xanh trở thành một phần sống động trong cơ thể thành phố.”

Thực tế cho thấy, phần lớn không gian xanh công cộng vẫn tập trung chủ yếu ở các khu vực ven đô hoặc trong các dự án bất động sản tư nhân, thay vì trải đều khắp thành phố – nơi mà nhu cầu sống xanh của người dân là phổ biến.

GS.Peter Newman – chuyên gia về đô thị bền vững tại Đại học Curtin (Úc), người từng tham gia xây dựng chính sách phát triển đô thị xanh cho nhiều thành phố châu Á, từng chia sẻ: “Không gian xanh đô thị không nên là món quà xa xỉ cho những khu vực cao cấp. Đó là quyền cơ bản của cư dân thành phố, quyền được tiếp cận thiên nhiên một cách công bằng và hàng ngày.”

Tư duy ấy, nếu được lồng ghép vào trong các chiến lược quy hoạch đô thị, sẽ giúp các thành phố như Hà Nội tiến gần hơn đến hình mẫu đô thị tương lai nhân văn và bền vững.

Bức tranh không gian xanh Hà Nội hôm nay là một bản phối có phần đứt gãy, xen giữa những mảng màu trong lành là khoảng trống còn bỏ ngỏ.

Nhưng cũng chính từ thực tế ấy, ta nhận ra một điều: cơ hội để cải thiện và bù đắp vẫn còn rất lớn, nếu như quy hoạch đô thị biết lắng nghe nhu cầu thật sự của con người – những người đang sống và sẽ sống trong thành phố này.

PGS.TS Đặng Văn Hà cho rằng: “Công tác quy hoạch hệ thống không gian xanh cần thực hiện từ giai đoạn quy hoạch chung cho đến quy hoạch chi tiết các phân khu, cần ưu tiên vấn đề cân bằng sinh thái, sự liên thông và bán kính phục vụ đối với cộng đồng dân cư đô thị, cần vận dụng tốt lý luận của lĩnh vực sinh thái cảnh quan trong quy hoạch và thiết kế”.

Để một đô thị thực sự trở nên “xanh” không chỉ cần những hàng cây mới trồng, mà cần một tư duy quy hoạch sâu xa, thống nhất và bền vững. Trong câu chuyện phát triển không gian xanh ở Hà Nội, những nỗ lực là có thật, nhưng con đường từ bản vẽ đến thực tế lại không hề bằng phẳng.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Không gian xanh đôi khi vẫn bị coi là phần “bổ sung” thay vì là nền tảng trong thiết kế đô thị.

PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, từng chia sẻ rằng: “Cây xanh phải được đưa vào quy hoạch ngay từ đầu như một cấu phần thiết yếu, chứ không phải để ‘vá vào’ sau khi các khối bê tông đã định hình.”

Thực tế cho thấy, nhiều đồ án quy hoạch vẫn chưa xác định rõ ràng chỉ tiêu đất dành cho cây xanh và không gian công cộng. Thậm chí, trong một số dự án, tỷ lệ đất dành cho hạ tầng xanh còn bị “co lại” để nhường chỗ cho thương mại, dịch vụ, hoặc chung cư cao tầng.

KTS Trần Ngọc Chính nhận định: “Nếu tiếp tục phát triển đô thị theo hướng tận dụng tối đa diện tích để xây dựng mà quên đi yếu tố môi trường, Hà Nội sẽ phải trả giá bằng chính chất lượng sống của người dân.”

Một vấn đề khác không kém phần nan giải là sự phân tán trong quản lý. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh hiện đang nằm ở nhiều đơn vị khác nhau, dẫn đến chồng chéo và thiếu liên kết. Điều này khiến cho công tác bảo trì, cải tạo hay mở rộng không gian xanh gặp khó khăn, đặc biệt là trong khu vực nội đô vốn đã chật chội và đông đúc.

Cũng không thể không nhắc tới thách thức từ nhận thức cộng đồng. Dù nhu cầu sống xanh ngày một rõ ràng, nhưng trong thực tế, các hành vi ứng xử với cây xanh từ lấn chiếm vỉa hè, chặt cây tự phát, đến xả rác ra công viên vẫn diễn ra khá phổ biến. Sự thay đổi, vì vậy, không thể chỉ đến từ trên xuống, mà còn cần được nuôi dưỡng từ chính những người dân đô thị.

Nhưng điều đáng mừng là, trong bức tranh có phần chồng chéo ấy, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy Hà Nội đang dần điều chỉnh hướng đi.

Những quy định mới yêu cầu các dự án đô thị phải dành tỷ lệ diện tích hợp lý cho cây xanh, những mô hình quy hoạch tích hợp không gian xanh vào trường học, bệnh viện, khu dân cư… đang được thí điểm.

Đó là những bước đầu tiên, nhỏ thôi, nhưng nếu được duy trì kiên định, sẽ là nền móng cho một đô thị xanh không chỉ trên giấy tờ, mà hiện hữu trong từng nhịp sống thường nhật.

Dù còn nhiều thách thức, hành trình phủ xanh đô thị Hà Nội không thiếu những tín hiệu tích cực. Những năm gần đây, tư duy quy hoạch đã dần thay đổi, từ chỗ xem không gian xanh là phần “trang trí” nay đã coi đó là trục xương sống cho sự phát triển bền vững. Trong lòng thành phố chật chội này, nhiều hạt mầm hy vọng đã được gieo và đang lớn dần lên từng ngày.

Các khu đô thị mới như Ecopark, Vinhomes Smart City hay Starlake Tây Hồ Tây là những ví dụ tiêu biểu cho hướng phát triển đô thị tích hợp không gian xanh một cách bài bản và thực chất.

Tại Ecopark – khu đô thị nằm ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km – hơn 100ha trong tổng diện tích gần 500ha được dành riêng cho cây xanh và mặt nước. Không gian nơi đây không chỉ là cảnh quan mà còn là hệ sinh thái sống động, với hồ Thiên Nga rộng tới 50ha, hơn một triệu cây xanh và các tuyến phố xanh rợp bóng mát.

Vinhomes Smart City ở phía Tây Hà Nội cũng mang đến một hình mẫu đáng chú ý với mật độ xây dựng chỉ khoảng 14,7%, nổi bật với bộ ba công viên liên hoàn rộng tới 16,3ha. Trong đó, công viên Zen mang đậm phong cách Nhật Bản, công viên Central Park tập trung các hoạt động thể thao, và Sportia Park trở thành không gian rèn luyện thể chất cho cộng đồng cư dân hiện đại.

Còn tại Starlake Tây Hồ Tây, không gian xanh chiếm tới hơn 80% tổng diện tích. Các công viên, hồ điều hòa, tuyến đường ven cây xanh và tổ hợp kiến trúc thấp tầng đã tạo nên một tổng thể hài hòa giữa nhịp sống đô thị và thiên nhiên.

Tuy nhiên, không gian xanh không chỉ tồn tại trong những khu đô thị cao cấp. Nhiều mô hình cộng đồng tự khởi xướng cũng đã xuất hiện ở các khu dân cư cũ, nơi người dân tự tay trồng hoa, dọn rác, sơn sửa hàng rào và biến những lối đi nhỏ thành “ngõ xanh”. Ý tưởng “mái nhà xanh” và “vườn trên cao” cũng đang được nhắc đến nhiều hơn trong giới kiến trúc và quy hoạch. Bằng cách tận dụng chính phần mái của các tòa nhà làm nơi trồng cây, không gian xanh có thể được mở rộng theo chiều đứng, một giải pháp sáng tạo cho bài toán thiếu đất ở khu vực nội đô. Dù quy mô còn nhỏ, nhưng đó là minh chứng sinh động cho nhu cầu rất thật rằng không gian xanh là điều bất kỳ ai cũng mong muốn được sẻ chia, không phân biệt điều kiện sống.

Trong lĩnh vực quy hoạch, các chuyên gia đã bắt đầu đề xuất mô hình “hành lang xanh” – một hệ sinh thái kết nối liên hoàn các công viên, hồ nước, vườn cây từ khu trung tâm đến vùng ven. Mô hình này không chỉ giúp tăng cường mật độ cây xanh đô thị mà còn tạo hành lang lưu thông không khí, góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt, đồng thời duy trì sự đa dạng sinh học giữa lòng thành phố.

Bên cạnh đó, một số quận tại Hà Nội đã ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ không gian xanh, phân tích hiện trạng cây xanh theo khu vực, và từ đó đề xuất các điểm nóng cần cải tạo hoặc phủ xanh thêm. Đây là những bước đi thiết thực, cho thấy quy hoạch đô thị ngày càng có xu hướng dựa trên dữ liệu thực tế và tầm nhìn bền vững.

Có thể nói, những mô hình và hướng đi mới ấy dù còn rời rạc và mang tính thí điểm, vẫn cho thấy tiềm năng rất lớn. Quan trọng hơn cả, chúng mở ra một tầm nhìn rằng Hà Nội có thể là một thành phố xanh hơn, nếu từng sáng kiến nhỏ lẻ được kết nối lại thành một chiến lược tổng thể, có sự tham gia của chính quyền, cộng đồng và những người làm nghề quy hoạch mang tinh thần trách nhiệm với tương lai.

Việc xây dựng một thành phố xanh không thể là câu chuyện riêng của các nhà quy hoạch hay các chủ đầu tư bất động sản. Đó là hành trình cần sự chung tay từ chính quyền, giới chuyên môn và đặc biệt là cộng đồng cư dân – những người đang sống và gắn bó từng ngày với thành phố này.

Trước hết, cần đặt không gian xanh vào trung tâm của tư duy quy hoạch. Các chỉ tiêu về diện tích cây xanh trên đầu người, mật độ không gian xanh công cộng cần được đưa vào như yếu tố bắt buộc trong thiết kế đô thị mới. Không gian xanh không nên là “phần thừa” sau khi đã tính toán hết diện tích xây dựng, mà cần được định vị như một “nền móng” từ khi hình thành ý tưởng quy hoạch.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch và cảnh quan đô thị, ông Hà chỉ ra những rào cản khiến không gian xanh không nhiều khi không được đặt đúng vai trò: “Trong quy hoạch đôi khi vẫn nặng về mang tính hình thức và định tính, trong quy hoạch mới chỉ đề cập đến một vài chỉ tiêu về diện tích không gian xanh vì thế chất lượng phục vụ còn kém.

Hơn nữa, trong quy hoạch hệ thống không gian xanh đô thị đang thiếu sự liên kết liên ngành nên hiệu quả phương án quy hoạch chưa cao. Thí dụ, khi quy hoạch, thiết kế một hành lang xanh hoặc một công viên mới, thường chúng ta chỉ đề cập đến công năng sử dụng của cộng đồng, rất ít đề cập đến đa dạng sinh học, đa dạng về cảnh quan, đa dạng về cấu trúc và cân bằng sinh thái”.

Một điểm nghẽn lớn hiện nay là sự phân mảnh trong quản lý cây xanh và hạ tầng xanh giữa các cơ quan chức năng. Việc phân công, phân cấp rõ ràng hơn cùng với cơ chế giám sát minh bạch và linh hoạt sẽ giúp quá trình bảo trì, phát triển và mở rộng không gian xanh diễn ra hiệu quả hơn. Những mô hình quản lý công tư hoặc cộng đồng tham gia cũng nên được nghiên cứu áp dụng linh hoạt theo từng địa phương.

Ở cấp độ vi mô, chính quyền đô thị có thể hỗ trợ các sáng kiến tự quản không gian xanh từ cư dân như vườn hoa khu phố, bồn cây tự chăm, hoặc dự án “ngõ xanh nhà sạch”. Đây không chỉ là giải pháp bền vững, mà còn là cách để gắn kết cộng đồng, tạo nên ý thức gìn giữ và yêu quý cây xanh từ những điều nhỏ bé nhất.

Hơn nữa, bản đồ không gian xanh, công cụ GIS, cảm biến chất lượng không khí – tất cả những giải pháp công nghệ đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Hà Nội hoàn toàn có thể ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào việc đo đạc, giám sát và dự báo các vùng cần ưu tiên phủ xanh – từ đó đưa ra quyết định quy hoạch có căn cứ hơn, minh bạch hơn.

Nhìn ra thế giới, hành trình xanh hóa đô thị không phải là điều mới mẻ. Nhiều thành phố trên thế giới từng phải đối mặt với bài toán tương tự như Hà Nội, nhưng đã tìm được hướng đi hiệu quả nhờ quy hoạch nhất quán và tầm nhìn dài hạn.

Singapore, từ một đô thị công nghiệp hóa khô cứng, đã trở thành biểu tượng của “thành phố trong vườn” với các mô hình vườn thẳng đứng, công viên trên cao, và quy định nghiêm ngặt về không gian xanh trong các dự án xây dựng. Chính phủ nước này yêu cầu các khu đô thị mới phải dành tối thiểu 45% diện tích cho cây xanh và mặt nước – một tỷ lệ đáng mơ ước.

Seoul (Hàn Quốc) gây tiếng vang toàn cầu khi tháo dỡ hoàn toàn một đường cao tốc bê tông để khôi phục dòng suối Cheonggyecheon, biến nơi từng là “vết sẹo giao thông” thành công viên công cộng dài hơn 11km, nơi cư dân có thể dạo chơi, thư giãn giữa trung tâm thành phố.

Hay như Copenhagen (Đan Mạch), đô thị này không chỉ đầu tư vào hệ thống công viên và cây xanh, mà còn tích hợp không gian xanh vào hệ thống thoát nước mưa, phòng chống biến đổi khí hậu, một cách làm rất sáng tạo, vừa sinh thái vừa bền vững.

Những thành phố ấy không đi lên từ những bản vẽ đẹp, mà từ quyết tâm hành động vì sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống lâu dài. Và đó cũng là điều mà Hà Nội có thể học hỏi để từng bước biến khát vọng đô thị xanh thành hiện thực gần gũi và khả thi.

Nói về vấn đề này, PGS. TS Đặng Văn Hà bày tỏ: “Trên thế giới có nhiều đô thị chúng ta có thể học tập, nhưng mấu chốt ở đây là cần xem xét về yếu tố lịch sử phát triển đô thị, tính chất phát triển đô thị, điều kiện cảnh quan và môi trường tự nhiên của đô thị đó để chúng ta có thể nghiên cứu học hỏi những cái hay, cái tốt của họ, tránh lặp lại những sai lầm. Ở Singapore đã phát động phong trào phủ xanh đất nước từ cách đây hơn 50 năm và đến nay đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về phát triển không gian xanh đô thị chúng ta nên học hỏi”.

Điều quan trọng ở đây, để các dự án xanh thực chất có cơ hội phát triển, chính quyền cần đưa ra các chính sách ưu đãi rõ ràng như miễn giảm thuế đất, hỗ trợ hạ tầng hoặc đánh giá công trình xanh trong hồ sơ cấp phép xây dựng. Điều này sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư hướng đến mục tiêu bền vững, thay vì chỉ chú trọng vào lợi nhuận ngắn hạn.

Có thể, một đô thị xanh không đến từ một quyết định lớn, mà bắt đầu từ những điều rất nhỏ: một hàng cây được giữ lại trong bản thiết kế, một mái nhà được phủ xanh bằng hoa cỏ, hay một góc phố được người dân tự tay chăm chút mỗi ngày. Từ những hành động ấy, ước mơ về một thành phố xanh dần hiện hình không ồn ào, nhưng bền bỉ.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội và cũng là trách nhiệm để làm mới mình bằng những chiến lược phát triển bền vững, trong đó không gian xanh không chỉ là yếu tố trang trí mà là nền tảng cho một đô thị đáng sống. Những bài học từ hiện trạng, từ các mô hình tiêu biểu, từ cả thành công và thất bại… đều là chất liệu quý để thành phố nhìn lại và bước tiếp.

Quy hoạch một đô thị xanh là công việc của nhiều năm, có khi cả một thế hệ. Nhưng gieo một ước mơ xanh, bắt đầu từ hôm nay, thì chưa bao giờ là quá muộn. Chúng ta, những người đang sống trong thành phố này, có quyền và có khả năng góp phần kiến tạo nên một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn, tử tế hơn với con người và với thiên nhiên.

Và biết đâu, một ngày không xa, khi nhìn từ trên cao xuống Hà Nội, người ta sẽ không chỉ thấy những mái nhà chen chúc, mà còn thấy những dòng sông cây xanh mát len lỏi qua từng khu phố. Một thành phố không chỉ sống, mà còn biết thở bằng màu xanh dịu dàng, bền vững và đầy hy vọng.

Tài liệu tham khảo:

– Xây dựng bản đồ phân bố không gian xanh đô thị và ước tính số tín chỉ các-bon tại khu vực nội thành Hà Nội ngày 31/10/2024 – Tạp chí Môi trường

– Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh (ashui.com)

– Phát triển đô thị xanh từ những dự án bất động sản xanh thực chất (PGS. TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên – Viện trưởng Viện Đô thị Xanh Việt Nam – Giảng viên Đại học Kiến trúc).

Bài: Anh Quân

Ảnh: VGP, VNA, Giang Trịnh

Nguồn: Tapchivietnamhuongsac.vn