Sự kiện ra mắt cuốn sách “Trường học hay Trường đời 3” và Tọa đàm “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” cùng diễn giả Lê Thẩm Dương

Sáng ngày 12/5/2022, Trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN) tổ chức Sự kiện ra mắt cuốn sách “Trường học hay Trường đời 3” và Toạ đàm “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” cùng diễn giả Lê Thẩm Dương. Sự kiện hướng tới chào mừng 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM) Trường Đại học Lâm nghiệp lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2022-2025.Sự kiện do báo Tiền Phong và Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức.

Tham dự chương trình về phía khách mời có: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội; Đại diện Ban Biên tập Báo Tiền phong, Báo Thanh niên; TS. Lê Xuân Sơn – Bí thư Đảng uỷ, tổng biên tập báo Tiền Phong; TS. Lê Thẩm Dương và các diễn giả tham gia giới thiệu cuốn sách

Về phía Trường ĐHLN có: PGS.TS. Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng; Ban Giám đốc Phân hiệu tại các tỉnh Đồng Nai và Gia Lai (online); Đại diện Trưởng các đơn vị trực thuộc Trường; Đại diện Ban Chấp hành Công Đoàn Trường, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Trường; Cán bộ viên chức, lao động hợp đồng và đông đảo học sinh, sinh viên (HSSV) quan tâm đến tham gia sự kiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đồng tác giả, chia sẻ: Sự kiện giúp các bạn sinh viên định hướng, hướng nghiệp để chọn ngành nghề, có kế hoạch học tập trong nhà trường tốt hơn đặc biệt chuẩn bị kỹ năng cần thiết sau này bước ra đời, tham gia vào thị trường lao động hoà nhập với xã hội tốt hơn trong thời đại mới. Mong muốn của nhóm tác giả như 2 câu thơ trong bài Thơ Tình Cho Bạn Trẻ (Xuân Quỳnh): “Mong rút ngắn dặm đường xa ngái. Để cho người tới đích bớt gian truân”.

TS. Lê Xuân Sơn – Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc sự kiện

Cuốn đặc san là sự quy tụ của 3 mảng nội dung:

Một là, hệ thống kiến thức về hướng nghiệp hiện đại nhất, được trình bày dễ hiểu bởi những cây viết uy tín, chuyên nghiệp, trong đó có tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh…

Hai là, cập nhật về xu hướng nghề nghiệp, việc làm trong tương lai gần từ những chuyên gia hàng đầu, bao gồm lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng về các ngành nghề “hot” mà các trường đang đào tạo và lãnh đạo các doanh nghiệp “số hóa” uy tín đang tuyển dụng nhiều nhân sự.

Ba là, trả lời câu hỏi quan trọng: Học sinh, sinh viên học gì và học như thế nào để vào đời thành công, giới thiệu một số “cẩm nang” của thủ khoa đầu ra các trường đại học thuộc tốp đầu Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Thầy Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Tiền phong; Ban tổ chức; TS. Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong đã chọn Trường ĐHLN là địa điểm ra mắt cuốn sánh “Trường học hay Trường đời 3”; cảm ơn TS. Lê Thẩm Dương đã dành thời gian về nói chuyện và chia sẻ với học sinh, sinh viên của trường ĐHLN.

Với chủ đề của cuốn sách về nghề nghiệp trong chuyển đổi số, Trường ĐHLN cũng mong muốn góp thêm một góc nhìn mới cho học sinh, sinh viên, các thế hệ của nhà trường một chủ đề, một định hướng để định hướng phát triển trở thành công dân toàn cầu. Sự kiện là tiền đề để trường ĐHLN cùng với Đoàn TN, Hội SV và báo Tiền phong trong công tác truyền thông, truyền những hình ảnh đẹp nhất của nhà trường, của sinh viên ĐHLN, truyền tình yêu về Lâm nghiệp, tình yêu về cây, tình yêu về môi trường đối với toàn bộ học sinh, sinh viên cũng như các bạn học sinh đang có mong muốn tham gia vào mái nhà chung của một ngôi trường anh hùng với 58 năm xây dựng và phát triển.

PGS.TS. Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng phát biểu tại sự kiện

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong tặng hoa cảm ơn đại diện các đồng tác giả đặc san “Trường học hay Trường đời 3”.

Trong phần hai của sự kiện là phần Toạ đàm “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” của TS. Lê Thẩm Dương rất bất ngờ bởi khung cảnh đẹp, thơ mộng và không khí trong lành của một ngôi trường ít có tại Việt Nam; cùng với đó là những thành tựu, với sứ mạng của Trường Đại học Lâm nghiệp đối với Ngành Lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Tại buổi tọa đàm TS. Lê Thẩm Dương kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tầm quan trọng tới bạn bè, người thân và xã hội biết hoạt động lâm nông nghiệp – một sứ mạng của dân tộc.

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ về “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” với HSSV – VNUF

Tại buổi toạ đàm TS. Lê Thẩm Dương đã có nhiều chia sẻ về “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” với học sinh, sinh viên toàn trường rất nhiều minh chứng cụ thể: (1) Thế nào là thời đại mới; (2) Giảng viên, sinh viên phải có tư duy toàn cầu, tư duy tăng thu sẽ tạo ra ý tưởng mới, cạnh tranh (tư tưởng tấn công, hành động); cần phải phát triển toàn diện: cách mạng mới, xuyên môn hoá; cần phẩm chất thay đổi, thay đổi tư duy, cách làm; (3) Sinh viên cần có khát vọng (ước mơ), mục tiêu và xây dựng niềm tin cho chính mình (tự kỷ ám thị). Điều kiện đủ: có chuyên môn tốt, thái độ tích cực, biết ơn, kiên nhẫn…, phát triển quan hệ đội nhóm, khả năng gây ảnh hưởng.

Một số hình ảnh tại sự kiện

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ về “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” với HSSV VNUF

Giảng viên, sinh viên trao đổi với TS. Lê Thẩm Dương tại buổi toạ đàm

Sinh viên hào hứng đón nhận đặc san “Trường học hay Trường đời 3”

TS. Lê Thẩm Dương ký tặng sách “Trường học hay Trường đời 3”

Hàng nghìn học sinh, sinh viên chăm chú tham dự chương trình.

TS. Lê Xuân Sơn; TS. Lê Thẩm Dương thăm rừng thực nghiệm của Trường ĐHLN

Chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện