Sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam bảo vệ động vật hoang dã

Trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học – 22/5, tại Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, ngày 16/5, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với tổ chức Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ động vật hoang dã”.

Đến dự có ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học; Đại diện EVN, về phía Trường ĐH Lâm nghiệp có PGS.TS Nguyễn Thế Nhã – Chủ nhiệm Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, TS. Hoàng Văn Sâm – Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.

Đến dự còn có đại diện Ban Chấp hành Đoàn TN Tổng cục Môi trường, Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp và hơn 300 sinh viên của Khoa Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường.
Việt Nam có khoảng 10.500 loài động vật trên cạn; dưới biển có trên 7000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Trong thời gian gần đây, nhiều loài sinh vật mới đã được phát hiện, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của ĐDSH Việt Nam như Sao laCheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn,v.v…
Hiện nay, sự biến mất và suy giảm các loài do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã trở thành một vấn đề nóng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Các hành vi khai thác và tiêu thụ động vật hoang dã không bền vững, trái phép đã đẩy nhiều loài đến bờ tuyệt chủng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết để kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng này, chúng ta không chỉ cần đến một khung pháp lý chặt chẽ và mạnh mẽ, một lực lượng thực thi hiệu quả, một cơ chế quản lý toàn diện mà cần cả đến sự nỗ lực chung của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ như các bạn.
Các bạn sinh viên ở đây sẽ trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý tài nguyên và môi trường tương lai và nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, tài nguyên đa dạng sinh học sẽ trở thành nghĩa vụ của các bạn.
Tại buổi tọa đàm, các sinh viên được thảo luận về chủ đề về ĐVHD ở Việt Nam, xem các video clip những hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD, xem hài kịch “Một lần xuống phố” do các sinh viên của Trường biểu diễn. Cũng tại buổi tọa đàm Ban tổ chức còn trưng bày tài liệu, các bảng thông tin và các hiện vật về chủ đề tuyên truyền, bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam.