Sinh viên Thiết kế có thể tự tìm việc làm

KTĐT – Thiết kế nội thất là ngành học có kiến thức tổng hợp, bao hàm nội dung khá rộng, từ lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc… đến khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu.

Bởi vậy, người học cần có nền tảng kiến thức cả về tự nhiên và xã hội.

Theo TS Lý Tuấn Trường – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất, tại ĐH Lâm nghiệp, sinh viên (SV) học ngành Thiết kế nội thất sau khi ra trường sẽ làm thiết kế là chủ yếu. Họ trực tiếp tham gia các công đoạn từ xây dựng ý tưởng và thể hiện thiết kế không gian, thiết kế sản phẩm nội thất, thiết kế kỹ thuật, bóc tách chi tiết… đến thiết kế và giám sát thi công các công trình nội thất. Ngoài ra, làm công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến thiết kế nội thất.

Ảnh minh họa

Thông qua những thông tin tuyển dụng của các công ty gửi về cho Viện cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành Thiết kế nội thất tương đối lớn. Hầu hết SV ra trường đều có thể tự tìm được việc làm phù hợp. Một số SV năm thứ ba, thứ tư cũng đã được các công ty thiết kế nội thất tuyển dụng vào làm ngoài giờ theo thời gian thỏa thuận.Với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, mức độ phát triển nhanh chóng của các khu đô thị như hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo tổng hợp của VietnamWorks, 6 tháng đầu năm 2015, nhóm ngành Kiến trúc và thiết kế nội thất có nhu cầu nhân lực tăng trưởng nhanh nhất với mức 98% (gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái).
Hiện nay, khu vực miền Bắc có khoảng 7 trường đào tạo ngành Thiết kế nội thất ở bậc ĐH. Mỗi trường đều có nền tảng và thế mạnh riêng. Chẳng hạn, ĐH Mỹ thuật công nghiệp nghiêng về mỹ thuật; ĐH Kiến trúc Hà Nội lấy kiến trúc làm cơ bản; thì thế mạnh đặc thù của ĐH Lâm nghiệp chính là khoa học kỹ thuật, khả năng thiết kế thi công, chuyên sâu về thiết kế và chế tạo các sản phẩm nội thất.
Chương trình đào tạo ngành Thiết kế nội thất của ĐH Lâm nghiệp được thiết kế đáp ứng các mục tiêu. Cụ thể là, tăng cường kiến thức và kỹ năng thiết kế mỹ thuật; bổ trợ kiến thức về kiến trúc; phát huy hết thế mạnh đặc thù về thiết kế, sản xuất sản phẩm nội thất. Hệ thống giáo trình bài giảng được xây dựng phát triển trên nền tảng tham khảo từ một số trường ĐH tiên tiến trên thế giới; có nhiều kiến thức mới về khoa học thiết kế được bổ sung (thiết kế xanh, thiết kế bền vững…) và luôn được cập nhật kịp thời, bài bản.
Khó có thể nói chính xác về thu nhập của những người làm trong nghề này, song theo thông tin tuyển dụng gửi về Viện và một số cựu SV của trường, SV mới ra trường có thu nhập khoảng 5 – 10 triệu đồng/tháng. Với người đã có 3 năm kinh nghiệm trở lên, thu nhập 8 – 15 triệu đồng/tháng, thậm chí lên tới 25 – 30 triệu đồng/tháng…
Nói chung, mức thu nhập tùy theo năng lực và vị trí trách nhiệm của mỗi người. “Trong đợt tuyển sinh bổ sung năm nay, ngành Thiết kế nội thất của ĐH Lâm nghiệp tuyển 70 chỉ tiêu. Về điểm trúng tuyển, theo tôi, có lẽ sẽ ít có biến động so với điểm nhận hồ sơ (15,0 điểm)” – TS Lý Tuấn Trường cho biết.