Vượt qua nhiều dự án, nhóm sinh viên trường ĐH Lâm nghiệp đã giành giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup 2020) với dự án “Công ty cổ phần sản xuất và thương mại gỗ dừa CCF”.
Sàn gỗ được tạo ra từ thân cây dừa.
“Không muốn phụ thuộc quá nhiều vào rừng trồng”
Bạn Nguyễn Phúc Vinh cùng 3 thành viên Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Lý và Phạm Cao Ánh còn nguyên bất ngờ sau vài ngày dự án của nhóm giành giải thưởng.
Xuất phát điểm là sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp, những bạn trẻ này luôn muốn nghiên cứu về gỗ, tìm đến những giải pháp mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.
Nhận ra dừa là loại cây có diện tích trồng lớn, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu m3 phần thứ liệu, phế liệu cây dừa bỏ đi hoặc đưa vào sử dụng chưa đúng mục đích, nhóm bạn trẻ khẳng định nguồn nguyên liệu đưa vào sử dụng sản xuất vô cùng dồi dào và quyết tâm thực hiện dự án này.
“Ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang phải gánh chịu những thiên tai không mong muốn và một trong những nguyên nhân là bởi chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ rừng trồng. Chính vì vậy chúng em muốn tìm và thực hiện một giải pháp mới cải thiện tình trạng này”, Phúc Vinh cho biết.
Nguyễn Phúc Vinh cùng nhóm bạn trình bày ý tưởng của mình
Được biết, trên thị trường hiện nay chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm “ván sàn gỗ dừa” nên dự án của Phúc Vinh và các bạn có tính khả thi cao, trở thành điểm sáng nổi bật trong quá trình khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Nói về những ưu điểm của dự án, Phúc Vinh cho biết sản phẩm có cường độ cơ học cao, kỵ nước, chống vi sinh vật hại gỗ, màu sắc vân thớ tự nhiên. Thêm nữa, sản phẩm có khả năng chống trương nở rất tốt, chịu được các tác nhân khắc nghiệt của thời tiết, có thể sử dụng được ở trong nhà và ngoài trời.
Tính khả thi của dự án
Dự án sản xuất sàn gỗ từ thân cây dừa của nhóm bạn trẻ đã chuyển qua các doanh nghiệp kiểm tra về nhiều góc độ và đã đạt tiêu chuẩn đối với ván sàn. Chi phí thực hiện, giá bán được nhóm bạn trẻ tổng hợp và tính toán ra từ các số liệu khảo sát nên đảm bảo độ chính xác, chi tiết.
“Những chi phí về nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu,… đều được chúng em tính toán. Em cũng chắc chắn sản phẩm sẽ cạnh tranh được trên thị trường vì sản phẩm này không những có nhiều ưu điểm mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn”, Phúc Vinh nói.
Cũng theo lời Phúc Vinh, công nghệ biến tính của dự án hoàn toàn mới tại Việt Nam. Dự án muốn sử dụng các tác nhân vật lý, hoá học, sinh học,… tác động và làm thay đổi tính chất của gỗ dừa tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Đó cũng là một trong những lý do để dự án của nhóm bạn trẻ có cơ hội được đầu tư lớn.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm cũng gặp đôi chút khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công việc. Địa điểm thực hiện của nhóm cách xa với vùng có nguồn nguyên liệu nên mất nhiều thời gian di chuyển, khảo sát. Tuy nhiên, cả nhóm đều cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án với mong muốn có được một kết quả tốt nhất.
“Lúc thực hiện, nhóm cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng các thầy cố vấn. Em vẫn nhớ có những hôm làm sản phẩm tại xưởng của trường Đại học Lâm Nghiệp thầy trò phải thay nhau trực máy ép nhiệt, cùng ăn cơm hộp. Dự án hoàn thành đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ nhất”, Phúc Vinh kể lại.
Nhóm sinh viên “hô biến” thân cây dừa thành sàn sỗ đẹp tự nhiên.
Trong tương lai nhóm bạn trẻ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển dự án và chuyển giao công nghệ hiện đại để mang dự án đến gần hơn với cuộc sống thực tế.
Mai Phương