Dù thời tiết tối 18/10 không thuận lợi với mưa nặng hạt kéo dài, song các thầy cô cùng hàng trăm sinh viên toàn khóa của khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường cùng một số sinh viên của các khoa khác đã đến tham gia chương trình. Thay mặt lãnh đạo khoa, PGS.TS. Bế Minh Châu – Phó chủ nhiệm khoa đã phát biểu cảm ơn sự hợp tác hiệu quả của Trung tâm Giáo dục môi trường.
Chương trình truyền thông đem lại cho các bạn sinh viên thêm hiểu biết về các loài tê giác trên thế giới, đặc biệt là mối liên hệ với tình trạng tiêu thụ sừng tê giác đang ngày càng nóng tại Việt Nam hiện nay chính bởi một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam vẫn còn mù quáng lầm tưởng về khả năng chữa bệnh thần kì của sừng tê giác. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trong nước gia tăng đã gián tiếp dẫn tới việc thảm sát tê giác ở Nam Phi. Qua buổi giao lưu, nói chuyện với đại diện ENV, các bạn sinh viên có cơ hội cùng chia sẻ ý kiến của mình về sự cần thiết của việc thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, góp phần bảo tồn loài tê giác. Sinh viên khoa Quản lý rừng và Môi trường, đặc biệt các bạn sinh viên K58 đã rất hào hứng khi được nghe buổi nói chuyện và chia sẻ của đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV. Với sự sôi nổi, nhiệt tình của các bạn sinh viên khi giao lưu quanh chủ đề bảo vệ động vật hoang dã đã cho thấy mối quan tâm đến thiên nhiên, môi trường của sinh viên khoa Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường. Thông điệp “Tê giác cần sừng để sống” đã được truyền tải và lan tỏa với sức cuốn hút mạnh mẽ tại buổi nói chuyện . Qua buổi nói chuyện của đại diện ENV, được theo dõi phim ngắn kết hợp cùng những hình ảnh sinh động về mối đe dọa mà những cá thể tê giác còn lại đang phải đối mặt từng ngày, các bạn sinh viên đã ý thức được trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã nói chung và bảo vệ loài tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng là trách nhiệm không chỉ của riêng ai . Điều này càng trở nên cấp thiết và đầy ý nghĩa bởi Việt Nam hiện bị coi là một trong những thị trường nóng nhất về tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới.
Thông điệp “Tê giác cần sừng để sống”, “hãy cứu lấy loài tê giác khi còn có thể” được truyền tải qua diễn đàn chính là hướng tới hành động “Nói KHÔNG với sừng tê giác“. Và mỗi cá nhân chúng ta hãy là một tuyên truyền viên từ chính hiểu biết và tấm lòng, ý thức của bản thân vì môi trường hôm nay và mai sau.
Cuối buổi nói chuyện là hoạt động ký cam kết “Nói Không với sừng tê giác” và trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng của các thầy cô trong khoa cùng đông đảo sinh viên. Buổi giao lưu khép lại với nhiều ý nghĩa tích cực. Một lần nữa có thể khẳng định, trách nhiệm của cộng đồng đối với thiên nhiên, môi trường cần làm từ những việc nhỏ nhất.
Một số hình ảnh tiêu biểu:
Cô Bế Minh Châu phát biểu
Sinh viên ký cam kết "Nói Không với sừng tê giác“
Chụp ảnh lưu niệm đại diện Trung tâm ENV và GFF