Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về Giáo dục thể chất học đường

Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm hiểu nhiều nước về chính trị, đời sống, kinh tế, văn hóa trong đó có văn hóa thể chất, giáo dục trong đó có giáo dục thể chất, nhất là ở Liên Xô và Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu những giá trị tư tưởng, văn hóa của loài người nói chung và Chủ nghĩa Mác – Lênin nói riêng, trong đó có học thuyết giáo dục về con người phát triển toàn diện với những quan điểm, tư tưởng giáo dục và rèn luyện thể chất cũng như thực tiễn thể dục thể thao Xô Viết.

Bằng sự hiểu biết rất phong phú và việc làm cụ thể, Người đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Riêng những vận dụng sáng tạo của Người về giáo dục và rèn luyện thể chất thế hệ trẻ Việt Nam đã biểu hiện sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh về lĩnh vực này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới kiến lập một nền giáo dục quốc dân Việt Nam độc lập và dân chủ, “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em(1). Trong nền giáo dục ấy Hồ Chí Minh coi trọng tất cả các mặt đức, trí, thể , mỹ, cần phải coi trọng ở nhà trường các cấp. Giáo dục thể chất (GDTC) trong hệ thống giáo dục toàn diện chính là nhằm đảm bảo cho tuổi trẻ có sức khỏe để học tập tốt hơn, học lên cao hơn, tốt nghiệp ra trường có được bản lĩnh vững vàng, hoạt. động năng nổ và hiệu quả trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội mới.

Theo tư tường Hồ Chí Minh , tuổi trẻ như mùa xuân tươi đẹp, đầy sức sống, đang trưởng thành và phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn, trí tuệ. Việc giáo dục toàn diện đối với trẻ là vô cùng quan trọng, bởi vì quá trình trưởng thành và phát triển về mọi mặt thì đây là thời kỳ “trồng người” có hiệu quả nhất. Đừng vì cho rằng môn này cần thiết hơn phải dạy và học cho tốt, còn môn kia chưa cần thiết nên coi nhẹ việc dạy và học đối với độ tuổi thiếu nhi, khi đến tuổi trưởng thành các em sẽ thiếu và yếu đi một cái gì đó. Đạo đức, thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ nếu được dạy và học chu đáo, đầy đủ sẽ “ làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Mỗi trẻ em, mỗi thanh thiếu niên đều có những khả năng phát triển về mọi mặt, khi được quan tâm chăm sóc chu đáo vì thế việc học hành toàn diện là điều không có gì có thể thay thế được nhằm phát triển đầy đủ những năng khiếu của tuổi trẻ.

Về mặt thể chất của tuổi trẻ, nếu điều kiện sống bình thường không có sự xáo trộn, thiếu thốn đáng kể thì dưới 25 tuổi là một quá trình phát triển hoặc lớn lên theo quy luật tự nhiên, theo quy luật di chuyền. Trong quá trình ấy nếu để cho cơ thể phát triển một cách tự nhiên không có sự can thiệp của phương pháp vận động thể chất, rèn luyện thân thể, phát triển cân đối hài hòa thì từ tuổi 25 trở lên không còn khắc phục được nữa. Bởi đến tuổi 25 đã có sự hoàn thiện về thể chất trên tất cả các mặt như chiều cao, hệ xương, hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và các chức năng sinh lý khác. Từ tuổi 25 trở đi là giai đoạn củng cố duy trì cơ thể đã hoàn thiện. Cho nên thiếu nhi và thanh niên đang học tập trong nhà trường được tiếp nhận sự giáo dục thể chất một cách đầy đủ, đúng phương pháp và khoa học, không chỉ tăng cường về thể lực và chiều cao mà còn có thể hình thành và phát triển cân đối, hài hòa. Ngày nay thanh niên gái cũng như trai đều mong muốn tăng cường về thể trạng, chiều cao của cơ thể thì chính tập luyện thể thao là một trong những yếu tố cơ bản nhất để dạt được lòng mong muốn ấy. Theo các nhà khoa học trên thế giới, những yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng trưởng chiều cao của con người là: dinh dưỡng chiếm 32%, di chuyền 23%, tập luyện thể dục thể thao 20%, môi trường và tâm lí 25%. Các chuyên gia của các nước phát triển nghiên cứu và kết luận: tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lý sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao cơ thể, tăng hơn 2cm so với chiều cao người phát triển tự nhiên. Chiều cao của thân thể có quan hệ ảnh hưởng tới độ lớn (thể trạng) của con người. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng: con người cao thêm 5cm thì độ lớn của cơ thể tăng lên 10%, khối lượng tăng lên 16%. Như vậy tăng cường chiều cao của thân thể cũng đồng thời nâng cao tầm vóc con người.

Thực hiện giáo dục thể chất trong học đường tức là tác động đến sự vận động toàn thân của HSSV làm hầu hết các bộ phận của cơ thể đều tham gia vận động, kích thích sự hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hô hấp, tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, nâng cao những phẩm chất tinh thần, hình thành và phát triển các tố chất thể lực: nhanh, mạnh, bền bỉ, khéo léo, nâng cao tầm vóc con người (bao gồm chiều cao, độ lớn và khối lượng của cơ thể. Bác Hồ từng căn dặn các cháu thiếu nhi phải siêng năng rèn luyện thân thể cho cơ thể phát triển cân đối. Người cũng nhắc nhở thanh niên – sinh viên tích cực tập luyện thể dục, thể thao để có được thể chất khỏe đẹp, tinh thần mạnh mẽ.

Tuổi trẻ Việt Nam với tinh thần ham học và cầu tiến bộ, với kỳ vọng có học vấn cao, tinh thông chuyên môn, thành thạo tay nghề, giỏi ngoại ngữ để phụng sự đắc lực cho đất nước và nhân dân, mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình. Thông minh chỉ là một phần, tuổi trẻ muốn học tập tốt, năm vững chuyên môn, thành đạt trong cuộc đời, chủ yếu là “khổ học và khổ luyện”. Song điều đó phụ thuộc lớn vào yếu tố sức khỏe của bản thân tuổi trẻ. Nếu như cơ thể ốm yếu thì tinh thần u uất, thiếu sáng suốt, học tập thường nhanh chóng mệt mỏi, tiếp thu chậm. Những nếu cơ thể khỏe mạnh, tinh thần đầy đủ, minh mẫn thì không chỉ kích thích sự ham học, ham hiểu biết, học không biết chán, không thấy mệt mỏi, mà còn cho đầu óc thông thoáng, sáng suốt, tiếp thu nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu. Ở Nhật Bản, các nhà khoa học ở trường Đại học Nihoa Fukushi đã nghiên cứu những sinh viên trẻ, nếu thường xuyên học những môn thể dục thì không những giúp cơ thể phát triển hơn mà còn làm tăng trí nhớ rất nhiều.

Tuổi trẻ có sức khỏe tốt thì có rất nhiều ước vọng học tập để vươn tới tương lai , sự nghiệp, tiền đồ tươi đẹp của mình, ai mà sức khỏe yếu thì chỉ mong ước có được sức khỏe tốt “Khi ta mạnh khỏe thì có trăm ngàn điều ước, khi ốm đau mệt nhọc chỉ ước một điều có được sức khỏe” Tuổi trẻ có được sức khỏe tốt là có được báu vật của đời mình. Sức khỏe quan trọng như vậy đối với học tập và tương lai của tuổi trẻ, cho nên môn giáo dục thể chất học đường phải thực sự được coi trọng.

Ngay từ năm học 1946-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điến trường trung học Nguyễn Trãi Hà Nội. Người căn dặn “học sinh học tốt các môn văn hóa và thể dục”. Năm 1948, chủ tịch HCM gửi tặng báo Xung phong, tờ báo của thiếu nhi cứu quốc tỉnh Hải Dương bài thơ trong đó đề cập tới học tập và rèn luyện thể chất của các cháu.

Bác nhận được báo “Xung phong”

Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho

Các cháu nghe bác dặn dò

Phải biết yêu nước phải lo học hành

Siêng làm việc, siêng tập tành

Phải giữ kỷ luật là thành trò ngoan

Chủ tịch HCM rất coi trọng phong trào thi đua ái quốc do Đảng ta phát động năm 1948, trong cuộc kháng chiến chống pháp. Nội dung thi đua ái quốc trong các trường học hồi đó, theo tư thưởng của Bác Hồ, có cả thi đua Giáo dục thể chất: “Các trường phải thi đua giáo dục về trí dục, thể dục..

Đối với tuổi trẻ trong nhà trường quân đội, Hồ Chí Minh càng nhấn mạnh tới phong trào thi đua ái quốc trong học tập và rèn luyện sức khỏe. Ở các trường quân đội của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, việc rèn luyện sức khỏe là một nội dung bắt buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi học sinh trường trun học Lục quân Trần Quốc Tuấn, can dặn:

“Các cháu phải ra sức thi đua:

Luyện tập thân thể cho mạnh khỏe

Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo

Trau rồi tinh thần cho vững chắc

Hun đức đạo đức của người quân dân cách mạng cho vững vàng”.

Đối với trẻ trong nhà trường, ngoài việc cố gắng học tập, công tác, cần thiết tổ chức vui chơi lành mạnh với những trò chơi vận động, những môn thể dục thể thao tập thể. Vì nó là một nhu cầu không thể thiếu được của thiếu nhi và thanh niên. Bác dạy rằng: “Thanh niên cần phải chuyên tâm đi học, đi công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sinh hoạt của thanh niên. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thú vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”.

Khi đề cập đến giáo dục toàn diện, Hồ Chí Minh  đã chỉ ra những mặt cơ bản của giáo dục học đường. Đối với GDTC, để có hiệu quả tốt về sức khỏe, Người lưu ý đến cả biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng. Quan điểm Hồ Chí Minh  về vấn đề giáo dục toàn diện rất sát với thực tế và rất rõ ràng:

“Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.”

Người đặt thể lên hàng đầu là nói lên cái tiền đề của GDTC đối với tất cả các mặt. Còn đức dục Người xác định cuối là sự chọn vẹn của nhân cách con người, là yếu tố quý nhất của con người cần phải đạt được. Đó là bốn mặt của giáo dục cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất giáo dục và đào tạo con người phát triển toàn diện. Hồ Chí Minh  xác định những mặt giáo dục cơ bản trong đó các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân nước ta, thể hiện sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mac-Lênin về giáo dục con người phát triển toàn diện vào điều kiện xã hội cụ thể Việt Nam, học sinh, sinh viên Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và Thể chất (cung cấp)