Ngày 14/9/2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký quyết định số 3485/QĐ-BNN-TCCB về việc phê duyệt Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.
Ngày 11/9/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký quyết định số 2065/QĐ-BNN-TCCB về việc điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.
Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp trong thời gian tới, phóng viên website Trường ĐHLN đã có cuộc trao đổi với NGƯT.PGS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Nhà trường về một số nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển Nhà trường trong giai đoạn tới.
PGS.TS. Trần Văn Chứ trao đổi về Chiến lược phát triển Trường
– Xin Hiệu trưởng cho biết một số nội dung chính trong chiến lược phát triển trường Đại học Lâm nghiệp trong thời gian tới?
– Định hướng phát triển của Nhà trường giai đoạn 2006 – 2020 đã được cụ thể qua các nghị quyết của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và đặc biệt là Chiến lược phát triển Trường sửa đổi năm 2013 có nêu ra sứ mệnh:
– Trường ĐHLN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản và phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Trường cũng là trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ có uy tín cao về các lĩnh vực mỹ thuật và kiến trúc cảnh quan, kỹ thuật – công nghệ. Trường cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nguồn nhân lực lâm nghiệp của cả nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của nước nhà.
– Mục tiêu Chiến lược: Tạo ra bước phát triển đáng kể về chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế và thứ hạng của Trường, thông qua các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; tạo ra môi trường sáng tạo, chuyên nghiệp, đổi mới, văn hóa tri thức và tự do học thuật; góp phần tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nội dung chính của Chiến lược:
– Về đào tạo:
+ Tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; mở mới các ngành đào tạo song song với duy trì các ngành đào tạo truyền thống phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2020 và nhu cầu xã hội.
+ Phát triển ngành đào tạo chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao KHCN phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
+ Điều chỉnh quy mô đào tạo đến năm 2015 là 16.000 sinh viên quy đổi (tức là gần 20.000 HSSV các hệ và bậc). Đến năm 2020 tổng quy mô là 20.000 sinh viên quy đổi.
– Về tổ chức, bộ máy và nhân lực:
+ Nâng cấp Nhà trường thành Học viện lâm nghiệp. Thành lập các Viện nghiên cứu, đào tạo: Viện Công nghiệp gỗ, Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất, Viện Lâm nghiệp, Viện Kinh tế và Chính sách, hợp nhất Khoa Quản lý TNR&MT với Viện STR&MT thành Viện STR&MT. Thành lập Cơ sở 3 tại Tây nguyên, Nâng cấp Cơ sở 2 Trường ĐHLN thành Phân hiệu 2,… Thành lập các trung tâm trực thuộc trường.
+ Tập trung cho phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo yêu cầu Nghị quyết 14/CP về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học.
– Về Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế:
+ Nâng cao chất lượng, số lượng các đề tài/dự án nghiên cứu (phấn đấu 1 đề tài/5 giảng viên/năm, 100% các đề tài/ dự án được áp dụng).
+ Phát triển các đề tài/dự án quốc tế tại Trường. Liên kết trong đào tạo đại học và sau đại học với nhiều nước trên thế giới. 100% giảng viên làm việc độc lập bằng ngoại ngữ.
– Về cơ sở vật chất, tài chính:
+ Đầu tư cơ sở vật chất, tran thiết bị, dụng cụ, học liệu, học cụ phục vụ đào tạo, NCKH và cải thiện điều kiện làm việc cho CBVC, HSSV theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước tiệm cận phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
+ Xây dựng và trình cấp trên phê duyệt Dự án Đầu tư mở rộng trường giai đoạn 2015-2030.
+ Từng bước thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
– Hiệu trưởng có thể cho biết những giải pháp để đạt được những mục tiêu mà chiến lược Nhà trường đã đề ra?
– Để đáp ứng được mục tiêu nói trên, từng bước có thể hoà nhập bình đẳng với các trường trong khu vực và trên thế giới, Nhà trường đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách phát triển đến các giải pháp thực hiện. Theo tôi đi theo các nhóm như sau:
– Về đào tạo:
+ Phải định hướng ngay đào tạo gắn với mô hình nghiên cứu và đặc biệt theo hướng học viện. Phải luôn coi trọng chất lượng đào tạo và coi đó là thương hiệu của Đại học Lâm nghiệp. Chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy đối với từng ngành, cho từng trình độ phải được xem xét, đổi mới không ngừng để tương xứng với các trường trong khu vực và thế giới theo định hướng gắn lý thuyết vào thực hành, thích ứng với xã hội. Đưa một số chương trình đào tạo của các nước tiên tiến vào áp dụng giảng dạy cho một số ngành học.
+ Một trong những nguyên tắc quan trọng là coi trọng và phát triển tư duy của người học, tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp xã hội, tạo mọi điều kiện để HSSV được tiếp xúc với những bài giảng có chất lượng cao, trực tiếp tiếp xúc với tài liệu giáo trình tốt, tiếp xúc và sử dụng những trang thiết bị thực hành thực tập hiện đại và tham gia vào hoạt động thực tiễn của ngành, của xã hội và thế giới.
+ Để tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế và nâng cao trình độ, tin học, ngoại ngữ phải được coi là những yêu cầu bắt buộc là chìa khoá mở cửa vào thế giới khoa học hiện đại.
– Về tổ chức, bộ máy và nhân lực:
+ Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao vị thế của Nhà giáo trong Nhà trường và ngoài xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đầu ngành. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc đội ngũ giáo viên trẻ: Tuyển chọn từ các đối tượng: sinh viên giỏi, các cán bộ khoa học có năng lực đã qua công tác ở các cơ sở kinh tế – xã hội. Đổi mới phương thức, quy chế tuyển dụng khách quan, công bằng, có yếu tố cạnh tranh, đảm bảo chất lượng, ưu tiên tuyển chọn tiến sĩ. Có cơ chế chính sách thu hút nhiều chuyên gia giỏi ở trong nước, ngoài nước. Bổ sung nhanh đội ngũ cán bộ giảng dạy có năng lực và có kinh nghiệm. Sử dụng cơ chế hợp đồng dài hạn để tăng số lượng giảng viên nhằm mau chóng đảm bảo tỷ lệ số lượng. Đặc biệt là những giáo sư, phó giáo sư, nghiên cứu viên đã nghỉ hưu, có năng lực và sức khoẻ, có nguyện vọng tham gia giảng dạy nghiên cứu. Đào tạo các kỹ sư làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hành đủ số lượng, chất lượng cao và yên tâm với vị trí công tác. Đảm bảo thu nhập, chế độ đãi ngộ và các tiện nghi làm việc để cán bộ viên chức có thể toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp phát triển.
– Về Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế:
+ Phát triển khoa học công nghệ là một khâu trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường, trực tiếp thực hiện là đội ngũ cán bộ giảng dạy và các nhà nghiên cứu. Phát triển khoa học công nghệ để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy, để phục vụ giảng dạy, đào tạo ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn. Nâng cao vị thế, vai trò của Nhà trường và đội ngũ nhà giáo trong xã hội. Nâng cao năng lực của Nhà trường để tiếp cận thị trường khoa học công nghệ, chủ động phối hợp, hợp tác với các cộng đồng thế giới một cách bình đẳng.
+ Đổi mới các tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ và tài chính, phát huy sức mạnh nội lực để đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Ưu tiên lựa chọn bồi dưỡng cán bộ trẻ, có năng lực và nhiệt tình trong nghiên cứu khoa học, có phẩm chất tốt, trung thực. Quy hoạch lại đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu để cán bộ giảng dạy kiêm nghiên cứu ở các viện và cán bộ nghiên cứu kiêm giảng dạy ở các khoa.
+ Tăng cường hợp tác nghiên cứu ở trong Trường và hợp tác ở bên ngoài để giải quyết những vấn đề lớn của ngành. Lựa chọn một số lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ mang tầm chiến lược, những lĩnh vực mũi nhọn của ngành, những vấn đề có liên quan đến khu vực và toàn cầu (môi trường).
+ Thực hiện tốt việc liên kết giữa các khoa, viện, trung tâm, công ty ở trong trường để phát triển khoa học công nghệ, đào tạo, chuyển giao. Thành lập các viện nghiên cứu, trung tâm thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo, nghiên cứu và kiểm định chất lượng.
+ Liên danh, liên kết với các viện nghiên cứu khoa học công nghệ và doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh. Hợp tác quốc tế trong việc đấu thầu các đề tài nghiên cứu và triển khai nghiên cứu.
+ Có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nghiên cứu khoa học, kết hợp nghiên cứu khoa học với việc đào tạo sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ. Có cơ chế thành lập quỹ phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ.
– Được biết trong những năm trở lại đây lượng thí sinh đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào trường Đại học Lâm nghiệp tăng mạnh, xin hỏi PGS, việc mở rộng qui mô đào tạo có phải là mục tiêu chính của Nhà trường?
– Như phần đầu tôi đã nói trong Chiến lược đào tạo của Nhà trường là nâng cao quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống. Mỗi năm Nhà trường dự kiến tăng 10% quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Nhà trường vẫn là nâng cao chất lượng đào tạo. Với các ngành khó tuyển và truyền thống, sẽ đào tạo theo hướng chất lượng cao, liên kết đào tạo bằng tiếng Anh để thu hút thí sinh.
– Ngày 16/11/2014, Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương độc lập Hạng nhất, được biết sẽ có khoảng 20 nghìn khách về dự, xin hỏi PGS, với cương vị là Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, Ông muốn cho mọi người thấy được một trường Đại học Lâm nghiệp như thế nào?
– Trường thành lập năm 1964, đến nay Trường đã đào tạo cho đất nước khoảng 40 nghìn kỹ sư cử nhân, trên 1000 thạc sỹ và tiến sỹ. Có khoảng trên 500 cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích và trải qua nhiều biến động thăng trầm. Nhân Lễ kỷ niệm, đây là dịp mọi người tựu trường, thấy sự phát triển của Nhà trường về mọi mặt và gặp gỡ hàn huyên, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu muốn mọi người thấy rằng thế hệ hiện nay luôn đoàn kết, phấn đấu vì sự nghiệp chung, vì sự nghiệp ‘trồng cây, trồng người’, thấy một Nhà trường đã lớn mạnh và trở thành một trường đại học đầu ngành, có đầy đủ điều kiện cho đào tạo một thế hệ tri thức chất lượng cao. Và đặc biệt, thế hệ chúng tôi đã kế tiếp xứng đáng truyền thống của Trường Đại học Anh hùng mà các thế hệ trước đã dầy công vun đắp. Các thế hệ cha anh hãy tin tưởng vào lòng công tâm, sự nhiệt huyết và trí tuệ của chúng tôi. Lời kết xin chúng ta hãy luôn nhớ lời bài hát: Một đời người một rừng cây!
– Xin trân trọng cảm ơn Hiệu trưởng!