MỘT VÀI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở BẬC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HIỆN NAY

ĐỔI MỚI là một hiện thực sinh động diễn ra ở Việt Nam trong vòng hơn hai mươi năm trở lại đây. Đó là một trào lưu rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới là một nhu cầu thiết yếu của thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, do đó đổi mới luôn được đặt ra là một công việc thường trực.

                                      

ĐỔI MỚI là một hiện thực sinh động diễn ra ở Việt Nam trong vòng hơn hai mươi năm trở lại đây. Đó là một trào lưu rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới là một nhu cầu thiết yếu của thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, do đó đổi mới luôn được đặt ra là một công việc thường trực.

Ngày nay, đất nước ta đang trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng mạnh mẽ; xu thế tiếp cận và bước đầu phát triển nền kinh tế tri thức; biến đổi và thích ứng trong xu thế hiện đại hóa và thông tin tin hóa; giao lưu và cọ xát với nhiều nền văn minh, văn hóa. Những xu thế đó đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trên mọi lĩnh vực, tất yếu dẫn đến phải có những đổi mới về công tác lý luận một cách thiết thực, đi vào chiều sâu, có hiệu quả trông thấy, có khả đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn sinh động.

Đề cập đến công tác lý luận là bàn đến nhiều vấn đề, bao gồm nghiên cứu tổng kết thực tiễn thành bài học lý luận, truyền thụ lý luận và sáng tạo lý luận. Ở trong các trường đại học cao đẳng, hoạt động chủ yếu là tuyên truyền lý luận, giảng dạy các môn lý luận chính trị (triết học, kinh tế chính trị học, lịch sử đảng cộng sản, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh). Đương nhiên, công việc đó lại gắn bó hữu cơ với hai công việc nghiên cứu tổng kết lý luận và sáng tạo đề xuất lý luận như đã nói trên. Để truyền thụ lý luận hiệu quả trong bối cảnh mới nhất thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, cao đẳng trong các môn học lý luận chính trị.

Thực tế, trong hàng chục năm qua, chúng ta đã không ít lần đặt vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, cao đẳng nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng, và chúng ta đã có nhiều động thái thể hiện rõ tinh thần đổi mới.

Về mức độ quan tâm, rõ ràng chúng ta đã có những quan tâm khá nghiêm túc, thể hiện qua các đề tài, đề án các cấp, các hội thảo khoa học hàng năm và đã có rất nhiều kỷ yếu xuất bản về vấn đề này.

Về nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên: đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao, được chuẩn hóa, được bồi dưỡng hàng năm, được có chế độ tham quan, thực tế, được có những quyền lợi vật chất phụ trợ…

Về nội dung chương trình đã thể hiện nhiều đổi mới về nội dung, rút gọn về khối lượng tri thức, kết cấu chặt chẽ hơn, gần đây là đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tích hợp các môn khoa học Mác- Lênin thành 3 môn cơ bản với tên gọi là lý luận chính trị.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị giảng dạy: vấn đề này đã được giải quyết khá nhiều như Đề án 494 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trang bị các phương tiện vật chất hiện đại…nhưng vì sao chất lượng giảng dạy chưa thực sự khá hơn. Và hiện nay, khi công nghệ cao đã được áp dụng vào giảng dạy nhưng thực sự chúng ta chưa đổi mới được bao nhiêu, đó vẫn chỉ là ứng dựng công nghệ cao vào giảng dạy, là phương tiện chứ không phải vấn đề nội dung cốt yếu của đổi mới.

Nhưng, tất cả những cố gắng đó chưa thể làm xoay chuyển tình hình và thực sự tiến trình đổi mới của chúng ta còn chậm. Trong đó có hai vấn đề là nội dung chương trình và phương pháp truyền đạt vẫn là vấn đề có tính chậm trễ lâu dài và vẫn đang được bàn thảo nhiều nhất.

Theo chúng tôi, để đổi mới phương pháp giảng dạy thì ba vấn đề: nội dung chương trình- gắn liền với trình độ giảng viên; thiết bị hỗ trợ giảng dạy – gắn liền với cơ sở vật chất của các trường và cách thức truyền đạt- gắn liền với nghiệp vụ sư phạm, những tố chất và phong cách sư phạm của người thầy.

Trong quá trình đổi mới ngày càng mạnh mẽ, hội nhập ngày càng sâu, kinh tế thị trường tri thức toàn cầu ngày càng phát triển thì những vấn đề trên đây càng cần được quan tâm và đi vào chiều sâu.

Về nội dung chương trình: phải đi vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm, phù hợp với xu thế thời đại, bám sát thực tiễn. Trên cơ sở đó, mạnh dạn bỏ đi những vấn đề không còn thích hợp với hiện thực đã thay đổi, đưa vào chương trình những vấn đề mới mẻ, thu hút sự quan tâm của sinh viên, học viên. Để học viên thấy được lợi ích thiết thực của việc học tập và nghiên cứu. Nên có những chuyên đề mang âm hưởng của tinh thần thời đại như ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận kinh tế tri thức, ứng xử trong toàn cầu hóa, đạo đức học môi trường sinh thái, …

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giảng dạy. Đổi mới trong bối cảnh hôm nay phải gắn với xu thế hiện đại hóa, thông tin hóa. Chúng ta không thể bằng những công cụ thủ công, dựa trên sức người là chính để truyền giảng mà nhất thiết phải tái hiện sinh động trên nhiều phương tiện khác nhau, kết hợp nghe, nói, đọc, viết, kích thích các giác quan và não bộ. Như sử dụng computer, projector, multi media, …

Vấn đề phương pháp truyền đạt giảng dạy.

Cần phải thấy được rằng, giảng dạy lý luận chính trị luôn luôn tồn tại những đặc thù, dị biệt so với những môn khoa học khác. Tính đặc thù đó được thể hiện trên mấy phương diện.

+ Nặng về tính lý thuyết, trừu tượng hóa cao.

Khoa học nào thì cũng bắt đầu từ một nền tảng lý thuyết nhất định nhưng tư duy hình thành lý luận nặng về tính tư biện trừu tượng nên kết quả của hoạt động tư duy đó bao giờ cũng là những lý thuyết khô khan và khó hiểu đối với tư duy non trẻ là học sinh, sinh viên. Các môn khoa học lý luận có thiên kinh vạn quyển, qua các thời kỳ khác nhau, được bồi đắp, mở rộng  nhiều hơn. Trong xu hướng truyền thông đa năng hôm nay thì số lượng các công trình xuất bản hàng năm là rất lớn.

+ Khó có thể trực quan, đơn giản hóa kiến thức bằng những công cụ thông thường.

Các môn lý luận chính trị xuất phát từ tính trừu tượng khái quát cao khác với những kiến thức phổ thông, khác với những khoa học định lượng…nên khó có thể mô tả bằng những công cụ trực quan, quy chiếu đơn giản nó. Ví dụ khái niệm vật chất là một khái niệm kinh điển nhưng theo triết học, vật chất là một khái niệm chỉ có thể định tính chứ không thể chỉ ra ngoại diên của nó vì nó rộng đến cùng cực. Do đó, bánh mỳ, hoa hồng, con người…không phải là vật chất mà là dạng vật chất, hay là tập hợp thuộc vào phạm trù vật chất. Thông thường trong tư duy của người học, thì những cái đó là vật chất, đôi khi còn quy chiếu giản đơn là, nếu đó không phải là vật chất thì đó là cái gì?

+ Tính khó kiểm chứng chân lý bằng thực nghiệm hoặc kiểm chứng trong một thời gian ngắn.

Chân lý là vấn đề của mọi khoa học. Song không phải khoa học nào cũng dễ dàng chỉ ra những chân lý. Và không dễ dàng gì cho người học nhận ra chân lý, nhất là đối với các môn lý luận chính trị.

Lý thuyết bắt nguồn từ thực tiễn, và lý thuyết sẽ quay trở lại thực tiễn. Nhưng đối với những vấn đề lớn, những phạm trù và chủ đề lớn, lý thuyết rất khó kiểm chứng trong thực tiễn. Ví dụ như vấn đề đấu tranh giai cấp, vấn đề này diễn ra âm ỉ, chìm khuất đằng sau hiện tượng không thể chỉ ra siêu hình bằng thực nghiệm; hoặc giả như vấn đề hình thái kinh tế xã hội. Trong thực tế, mỗi hình thái kinh tế xã hội có trường thời gian hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Nên khi giảng cho sinh viên: hình thái kinh tế này sẽ thay thế bằng hình thái kinh tế – xã hội khác, không đơn giản mọi người có thể thấy nó trong một sớm một chiều, cũng giống như người tu thiền không phải dễ gì người tu có thể thấy ngay lợi ích của Thiền trong một ngày, một tháng hay một năm. Đó là những vấn đề không đơn giản.

Tính khó kiểm chứng của chân lý này còn xuất phát từ một thực tế, bao giờ cũng tồn tại nhất định một khoảng cách giữa lý luận và hiện thực cuộc sống, điều này như đại thi hào Gớt (Đức) đã từng nói: mọi lý thuyết đều xám chỉ có cây đời là mãi xanh tươi. Lý luận thường là hướng tới những giá trị, những cái quy luật, tính quy luật ổn định, lâu dài, bản chất trong khi thực tiễn muôn hình muôn vẻ, đa sắc màu, đa cung cách. Nên khó có thể mà soi chiếu một cách máy móc những điều đã học vào thực tế cuộc sống. Vả lại, chân lý là cụ thể. Trong trường hợp này đúng, trong trường hợp kia sai, trong thời gian này đúng, thời gian khác lại chưa hẳn đã đúng. Đây là phần của vận dụng và sáng tạo của người học.

Tính giai cấp (tính chính trị, tính đảng):

Những khoa học về lý thuyết chính trị tất yếu mang tính giai cấp, đó là một cách nhìn của một tập đoàn người về thế giới, về cuộc sống nhân sinh của chính mình. Nên giữa các học thuyết lý luận có sự khác biệt, thậm chí xung đột nhau (như tư bản và xã hội chủ nghĩa). Những vấn đề lý luận chính trị chúng ta trình bày trên giảng đường đại học, cao đẳng Việt Nam là những vấn đề lý luận chính trị thuộc phạm trù xã hội chủ nghĩa, trên nền tảng quan điểm macxít-leninnit, hoặc được quy chiếu trên hệ quan điểm này. Đây là một đặc thù ở nước ta.

Chúng tôi nêu lên những tính chất trên đây để như là cơ sở để đi vào vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay. Bởi lẽ, đổi mới phương pháp giảng dạy đương nhiên vấn đề cốt lõi là xác định cách thức, nguyên tắc, là nghệ thuật trình giảng mới mẻ, hiệu quả hơn…nhưng vấn đề này lại có quan hệ chặt chẽ với tính chất đặc thù môn học. Do vậy, đổi mới theo chúng tôi là nhằm đáp ứng và giải quyết được những vấn đề đặc thù của môn học, chứ không vấn đề gì khác hơn. Từ đó, theo chúng tôi giảng viên các môn lý luận chính trị cần phải hội được được những yếu tố sau:

Khả năng chuyên gia: một người thầy lý luận chính trị, phải cố gắng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực lý luận chính trị thì mới có sức tạo niềm tin cho người học. Tránh tình trạng trên giảng đường hiện nay nhiều thầy cô tỏ ra lúng túng trước học viên, sinh viên về những vấn đề được hỏi thuộc phạm vi nội dung giảng dạy của mình. Tuy nhiên, lưu ý, chúng tôi nói chuyên gia, chứ không phải là bác học. Để làm được như vậy giảng viên phải chịu đọc, chịu suy nghĩ, chịu cập nhật thông tin, kể cả những thông tin trái chiều, để đối chiếu, so sánh…

Phẩm chất chuyên nghiệp cao: Mỗi người thầy, cô trước lúc làm giảng dạy phải được trang bị về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm một cách có bài bản. Do vậy, các trường phải cử những giảng viên vừa được tuyển dụng đi đào tạo về nghiệp vụ sư phạm tại các cơ sở sư phạm có uy tín của các đại học sư phạm, khoa sư phạm Đ.H Quốc gia…để giảng viên có tri thức kỹ năng từ đó cùng với quá trình giảng dạy sẽ hình thành phẩm chất chuyên nghiệp cao. Tất nhiên phẩm chất chuyên nghiệp này phải gắn với năng động, cởi mở tiếp nhận không sẽ rơi vào đóng kín, bảo thủ.

Khả năng khéo léo, nhạy bén: để giải quyết được những nội dung môn học này đòi hỏi giảng viên phải khéo léo giải quyết những vấn đề khô khan thành mềm dẻo, những vấn đề trừu tượng được đơn giản hóa, gắn kết lý luận với thực tiễn một cách sinh động. Khéo léo trong cách ứng xử những vấn đề thuộc ý thức hệ giai cấp, đối với người học sao cho người học không thấy bị áp đặt.

Phong thái cởi mở, phong cách dân chủ: khoa sư phạm học ngày nay, đề cao không khí làm việc cởi mở giữa thầy vào trò, dân chủ trong sinh hoạt học thuật, trong đối thoại, tạo không khí tin cậy giữa thầy và trò. Qua đó, sẽ kích thích học sinh, sinh viên người học, tiếp cận và chủ động giải quyết nhiều vấn đề của môn học.

Người giảng dạy có được những phẩm chất trên đây sẽ có khả năng đáp ứng những yêu cầu giảng dạy, thành công với công việc và nghề nghiệp của mình.  

Trên đây là những ý kiến nhỏ của chúng tôi với tư cách là những người tham gia nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Phạm vi vấn đề nói trên lớn hơn nhiều so với những cái mà chúng chúng tôi trình bày. Chúng tôi mong muốn rằng, bắt nhịp với sự nghiệp đổi mới của đất nước và xu thế của thế giới, việc đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị luôn được quan tâm đúng mức và thực sự có những chuyễn biến trông thấy trong một tương lai gần nhất.
 

                                      

 

Tài liệu tham khảo:

        Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, PGS. TS. Phạm Văn Năng (chủ biên): Công tác tư tưởng và giảng dạy lý luận trong trường đại học và cao đẳng hiện nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.