Mở rộng không gian tư duy sẽ mở rộng được không gian đào tạo

Ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng một số đơn vị thuộc Bộ đã thăm và làm việc tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu (ảnh: Trung Quân)

Tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã thông tin về công tác tuyển sinh và những định hướng của nhà trường trong thời gian tới.

Theo đó, năm 2023, nhà trường tuyển sinh 25 ngành bậc đại học. Để giúp sinh viên có điều kiện học tập, sinh hoạt thuận lợi nhất, bên cạnh việc thực hiện miễn, giảm từ 50-100% học phí cho từng đối tượng cụ thể theo quy định của Nhà nước, nhà trường còn kết nối với rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp triển khai các chương trình cấp học bổng cho thí sinh trúng tuyển vào các ngành bậc đại học của nhà trường. Có thể kể đến, học bổng từ Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam dành cho thí sinh trúng tuyển và nhập học các ngành lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ chế biến lâm sản.

Học bổng học kỳ doanh nghiệp dành cho sinh viên các ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kinh tế, kinh tế nông nghiệp, bất động sản, quản trị kinh doanh, kế toán, thiết kế nội thất, thú y…

Cũng theo ông Điển, nhà trường đã và đang triển khai công tác đào tạo theo phương châm “thực tiễn, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”; lồng ghép tinh thần khởi nghiệp, tư duy doanh nghiệp vào các hoạt động đào tạo của nhà trường.

Bên cạnh đó, để tạo không gian thuận lợi cho người học, nhà trường sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đa dạng hình thức, ngành nghề đào tạo; thiết kế, xây dựng lại cảnh quan, khuôn viên nhà trường; xây dựng đại học số Đại học Lâm nghiệp để phục vụ trước hết hoạt động đào tạo từ xa; xây dựng thư viện số, kết nối với thư viện số toàn quốc để tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh tiếp cận với kho tri thức của nhân loại…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng sách cho thư viện Trường Đại học Lâm nghiệp. (ảnh: Trung Quân).

Nhà trường đang xây dựng đề án tận dụng không gian rộng lớn của mình để hình thành một công viên thu nhỏ; xây dựng mô hình lâm nghiệp thông minh, vừa tạo môi trường để sinh viên thực nghiệm vừa có thể phát triển du lịch trải nghiệm. Đồng thời, hoàn thiện trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hàn Quốc; Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật chuyên về chế biến gỗ; phòng lab chuyên về giám định gỗ để phục vụ công tác đào tạo và các hoạt động khác.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đi con đường mới chắc chắn sẽ gặp nhiều chông gai, nhưng nếu giữ lối tư duy cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ quay trở lại lối mòn.

Trường Đại học Lâm nghiệp là một trường đa ngành, đa môn học. Tuy nhiên, không có môn học nào đứng độc lập mà có mối liên hệ mật thiết với các môn học khác. Do đó, nhà trường cần nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo trong đó tích hợp các nội dung về những ngành nghề, lĩnh vực liên quan với ngành lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường phải thấm nhuần triết lý “giáo dục phải lấy con người làm trung tâm”. Hiện nay, các trường mới dừng lại ở việc truyền đạt cho sinh viên tư duy khi ra trường sẽ đi làm thuê cho một doanh nghiệp, đơn vị nào đó. Tuy nhiên, trước những thay đổi, yêu cầu của xã hội thì nhà trường cũng cần trang bị cho các em tư duy khởi nghiệp, làm chủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong một thế giới thay đổi liên tục về tư duy, công nghệ thì việc đào sâu nghiên cứu một vấn đề sẽ trở nên khó khăn, khô khan hơn. Do đó, trước khi muốn đào sâu một vấn đề thì bản thân mỗi người phải được trang bị đa dạng, đầy đủ kiến thức.

“Muốn đào được một giếng sâu, trước tiên phải đào được miệng giếng thật rộng. Trước khi cho học sinh đào sâu nghiên cứu để trở thành những chuyên gia thì trước hết phải trang bị cho sinh viên kiến thức tổng hợp, tư duy logic”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên trái) tham quan Trường Đại học Lâm nghiệp (ảnh: Trung Quân)

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng lưu ý Trường Đại học Lâm nghiệp, khi mở rộng không gian tư duy sẽ mở rộng được không gian đào tạo. Người học sẽ tự mình tìm được niềm vui, niềm say mê trong một môi trường mở. Từ đó, sinh viên sẽ chủ động tìm đến nhà trường, công tác tuyển sinh cũng sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Phòng Công tác học sinh sinh viên phải giúp nhà trường tạo không gian mở bằng việc thường xuyên tương tác với gia đình sinh viên để gia đình hiểu rõ hơn về chương trình, nội dung con em mình đang theo học. Bên cạnh đó, xây dựng câu lạc bộ khởi nghiệp, đọc sách để sinh viên thỏa sức thể hiện mình, tạo niềm hứng khởi, động lực trong việc học.

“Nhà trường phải xem việc đào tạo tư duy khởi nghiệp cho sinh viên nông nghiệp không phải để quảng cáo, thu hút học sinh, mà là đào tạo cho đất nước lớp doanh nhân nông nghiệp mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trung Quân – Nongnghiep.vn

Nguồn: https://nongnghiep.vn/mo-rong-khong-gian-tu-duy-se-mo-rong-duoc-khong-gian-dao-tao-d357183.html?