Sáng ngày 13/10/2020, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh Phạm Thị Ánh Hồng, chuyên ngành Kỹ thuật chế biến Lâm sản, mã số 9549001.
Hội đồng đánh giá luận án có mặt 07/07 thành viên theo quyết định số: 1485/QĐ-ĐHLN-ĐTSĐH ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, gồm:
Tên đề tài luận án “Nâng cao chất lượng trang sức bề mặt sản phẩm gỗ bằng sơn Polyurethane (PU) phân tán Nano TiO2”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Cao Quốc An và GS.TS Trần Văn Chứ.
Sau khi nghe Nghiên cứu sinh Phạm Thị Ánh Hồng trình bày tóm tắt kết quả luận án, 03 Uỷ viên Phản biện đã đọc bản nhận xét đánh giá Luận án. Tiếp sau đó, Thư ký Hội đồng đã đọc Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về bản tóm tắt của Luận án, các thành viên khác của Hội đồng và người tham dự tiếp tục đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung chuyên môn của Luận án.
Hội đồng đã thảo luận và thống nhất: Hình thức và Nội dung của Luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ, chuyên ngành: Kỹ thuật chế biến Lâm sản; mã số 9549001, với số phiếu tán thành là 07/07. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng – GS. TS. Hà Chu Chử đã đọc bản Quyết nghị của Hội đồng, theo đó đã nêu rõ được những kết quả chính, những đóng góp mới của Luận án cho khoa học và thực tiễn. Hội đồng đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cấp bằng tiến sĩ, chuyên ngành Kỹ thuật chế biến Lâm sản cho NCS Phạm Thị Ánh Hồng.
Những đóng góp về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về mặt học thuật:
Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống, khoa học về nâng cao chất lượng trang sức bề mặt sản phẩm gỗ bằng sơn PU-TiO2
Luận án đã sử dụng vật liệu nano TiO2 phân tán bằng dung môi Butyl acetate có bổ sung chất hoạt động bề mặt Las, sau đó phân tán vào sơn PU nhằm cải thiện chất lượng màng trang sức trên bề mặt gỗ như nâng cao khả năng chống tia UV, khả năng kháng hóa chất, nước và tăng khả năng chịu mài mòn, độ cứng của màng sơn,…;
Kết quả phổ hấp thụ UV-Vis của nano TiO2 trong dung môi phân tán và UV-Vis của sơn PU kết hợp với nano TiO2 là một trong những tính mới quan trọng của nghiên cứu;
Luận án đã xác định được nồng độ và thời gian phân tán nano TiO2 hợp lý để đưa vào sơn PU; xác định được áp suất và tốc độ di chuyển của súng phun để trang sức sơn PU-TiO2 lên bề mặt sản phẩm gỗ nhằm cải thiện chất lượng màng phủ,
Về mặt lý luận:
Kết quả nghiên cứu của Luận án góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ sở khoa học về công nghệ nâng cao chất lượng trang sức bề mặt sản phẩm gỗ bằng sơn PU kết hợp với vật liệu nano TiO2. Đây sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về công nghệ trang sức bề mặt gỗ và các công nghệ khác cho sản phẩm gỗ;
Các kết quả nghiên cứu sẽ mở ra hướng mới cho công nghệ trang sức bề mặt gỗ, đặc biệt là sơn phủ bằng chất phủ lỏng kết hợp với vật liệu nano
Những luận điểm mới rút ra từ kết quả nghiên cứu của luận án:
Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở cho việc lựa chọn các thông số công nghệ, quy trình, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng trang sức bề mặt sản phẩm gỗ bằng sơn PU kết hợp với vật liệu nano TiO2. Công nghệ này sẽ góp phần nâng cao giá trị sử dụng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ ở Việt Nam.
Một số hình ảnh buổi bảo vệ luận án
NCS Phạm Thị Ánh Hồng tự tin trình bày luận án
GS.TS Hà Chu Chử – Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi lễ
Hội đồng nhận xét đánh giá luận án của NCS
GS.TS Trần Văn Chứ – Người hướng dẫn khoa học tặng hoa chúc mừng NCS
Hội đồng chấm luận án chúc mừng NCS đã bảo vệ thành công luận án