Kỳ thi THPT Quốc gia: Trường dồi dào nguồn tuyển, HS dễ chọn nghề

GD&TĐ – Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của lãnh đạo các trường đại học.

Nhiều ý kiến cho rằng, với phương án này học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn cho nghề nghiệp của mình, việc tuyển sinh của các trường đại học cũng sẽ dễ dàng hơn.

PGS.TS Phạm Văn Chương – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam: Học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn cho nghề nghiệp

Với phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như Bộ GD & ĐT vừa công bố, tôi cho rằng đây là một phương án tích cực có nhiều ưu điểm.

Thứ nhất là giảm tải về áp lực học tập cho học sinh và giảm chi phí cho người dân; Thứ hai là, thông qua cách tổ chức thi, bước đầu đã hình thành sự phân luồng/ hướng nghiệp cho học sinh; cuối cùng là học sinh sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn cho tương lai của mình.

Còn đối với các trường đại học, ngoài các môn thi bắt buộc có thể chủ động bố trí thi các môn tự chọn phù hợp với ngành nghề đào tạo. Ví dụ những trường thiên về cơ khí, chế tạo có thể lựa chọn các môn Vật lý, Hóa học, các trường chuyên ngành y có thể lựa chọn môn Sinh học…

Có thể nói, phương án của kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT đưa ra đã chạm đúng tâm tư nguyện vọng của nhiều học sinh và các thầy, cô giáo. Tôi tin rằng, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng hài lòng với phương án này bởi nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn.

Mặt khác, với phương án mà Bộ công bố sẽ tạo động lực để các trường tự vươn lên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để có thể tuyển sinh được các học sinh giỏi.

Tuy nhiên, tôi cũng xin đề xuất một vài ý kiến sau: Bộ GD&ĐT cùng với các trường ĐH, CĐ cần sớm công bố chỉ tiêu, kế hoạch tuyển sinh và các môn thi tự chọn vào đầu mỗi năm học chứ không phải là kể từ 1/1 hằng năm để các em học sinh lựa chọn và định hướng học tập cũng như là nghề nghiệp sau này.

Kế hoạch tuyển sinh của các trường cũng phải thay đổi sao cho phù hợp với sự biến động của thí sinh ảo, các trường có thể tuyển sinh 2-3 đợt/năm (nhất là các trường chưa có thứ hạng cao) vì khi đã có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh có quyền lựa chọn vào nhiều trường (có môn tự chọn giống nhau) và khi đó các trường sẽ bị động về số lượng khi tuyển sinh;

Ngoài ra, phải giám sát chặt chẽ khâu coi thi, chấm thi.

 

PGS.TS Vũ Phán – Phó hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Phương Đông: Thuận lợi hơn cho các trường đại học tốp dưới

Tôi đồng tình với phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Ngoài những ưu điểm thuận mà Bộ cũng như là các phương tiện thông tin đại chúng đã phân tích, tôi cho rằng phương án này cũng rất có lợi cho các trường đại học thuộc top dưới trong việc tuyển sinh sinh viên vào trường.

Đây có thể coi là chìa khóa để các trường tốp dưới tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh như những năm vừa qua.

Tôi cũng mong rằng, ở kỳ thi này, Bộ cũng nên nghiên cứu xem xét cách ra để đảm bảo tính phân loại học lực của các thí sinh. Để những thí sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt được điểm 5/môn đủ điểm đỗ tốt nghiệp. 

Vì vậy theo tôi, Bộ nên ra đề theo hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014, không nên thay đổi đột ngột gây bất lợi cho các thí sinh, nhất là thí sinh thuộc vùng sâu, vùng xa.

Minh Phong (ghi)

Đường dẫn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-truong-doi-dao-nguon-tuyen-hs-de-chon-nghe-314462-v.html