Kết quả đoàn cán bộ Trường Đại học Lâm nghiệp sang thăm và làm việc tại Nhật Bản

Nhận lời mời của Viện Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara, Nhật Bản, đoàn công tác của trường Đại học Lâm nghiệp gồm bà Đỗ Thị Ngọc Bích (Phó trưởng phòng KHCN&HTQT) và ông Lê Xuân Phương (Giám đốc TT TNTH-Khoa biến lâm sản) đến công tác tại Nhật bản từ ngày 24-30/8/2013. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara, thăm trường Đại học Kyoto, Đại học Shizuoka và Đại học Tokyo.

1. Kết quả hợp tác về Bảo tồn gỗ khai quật với các chuyên gia Nhật của Viện Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Tokyo và Viện Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara (Nhật Bản)

           Trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” do quỹ tín thác UNESCO/Nhật Bản tài trợ cho UBND TP Hà Nội, Dr. Kouzuma thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara (Nhật Bản) đã tổ chức seminar tại Nhật Bản nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm tra, phân tích đánh giá chất lượng gỗ khảo cổ tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, cũng như báo cáo các kết quả bước đầu tẩm PEG và 1 số loại hóa chất khác cho 4 loại gỗ tứ thiết của Việt Nam nhằm tìm kiếm giải pháp bảo tồn lâu dài cho các hiện vật này. Hội thảo cũng tham luận về hiện trạng bảo quản các di vật này cũng như thảo luận các phát hiện mới về gỗ khảo cổ tại Việt Nam nhằm mở rộng nghiên cứu ra phạm vi toàn quốc. Trong dịp này, Dr. Kouzuma đã quyết định sẽ tặng Đại học Lâm nghiệp Việt Nam 01 thiết bị tẩm PEG thí nghiệm dùng để nghiên cứu phương pháp tẩm PEG cho gỗ khảo cổ ngập nước (Made in Japan), nhằm phục vụ công tác nghiên cứu tại trường. Hiện nay thiết bị đã có sẵn tại Nara và đang tìm nguồn kinh phí vận chuyển về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

2. Kết quả chuyến thăm và làm việc với Đại học Shizuoka, Nhật Bản

            – Đoàn đã thảo luận với GS. Mizunaga về chương trình trao đổi sinh viên đại học và sau đại học trong tháng 10 tại Shizuoka, đây là cơ hội cho các sinh viên của Đại học Lâm nghiệp sang tham dự các chương trình Seminar quốc tế tại Đại học Shizuoka.

            – Gặp mặt và trao đổi thân mật với GS. Noriko Matsuda, Trưởng phòng trao đổi học thuật, Trung tâm HTQT và GS. Shigehiro Suzuki, Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Trong quá trình trao đổi về Bảo tồn gỗ khai quật GS. Suzuki cho biết, trường Shizuoka hiện đang đề xuất với Bộ giáo dục Nhật bản dự án mới có tên gọi là “Target Asia project”, dự án này dự định sẽ thực hiện 5-6 năm. Trong phạm vi khuôn khổ của dự án, Shizuoka sẽ chọn 03 nước Đông Nam Á, trong đó sẽ chọn Đại học Lâm nghiệp làm đối tác cho dự án này tại Việt Nam.

            + Trong khuôn khổ giao lưu học thuật, thay mặt đoàn, Dr. Lê Xuân Phương đã có 1 bài trình bày giới thiệu về các loại gỗ phổ biến được sử dụng trong kiến trúc cổ ở Việt Nam cho sinh viên ngành chế biến gỗ của Đại học Shizuoka.

            + GS. Suzuki cũng nhận lời sẽ sang Việt Nam trong năm tới để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Lâm nghiệp và gửi lời hỏi thăm tới Phó Giáo sư Phạm Văn Chương và các vị lãnh đạo, đồng nghiệp tại Đại học Lâm nghiệp.

3. Kết quả chuyến thăm và làm việc với Đại học Tokyo, Nhật Bản

            Trong chuyến thăm Đại học Tokyo, Nhật Bản, đoàn đã  có cuộc gặp mặt với: GS. Yuji Matsumoto, GS. Satoshi Shida và GS. Yukie Saito. Các nhà khoa học của Đại học Tokyo rất vui mừng vì chuyến thăm và nói sẽ cố gắng tìm kiếm cơ hội để hợp tác nghiên cứu với Đại học Lâm nghiệp về lĩnh vực chế biến lâm sản và hướng tới thảo luận việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai trường.

Seminar tại Viện nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Nara

Hình 1. Thiết bị tẩm PEG PB-100

GS. Mizunaga (ĐH Shizuoka) hướng dẫn thăm mô hình thực nghiệm đo lượng

hấp thụ CO2 tại rừng thực nghiệm tại chân núi Phú Sỹ, Nhật bản

Trao đổi học thuật với giáo viên và sinh viên trường Đại học Shizuoka

Giao lưu thân mật với GS. Suzuki, Phó Hiệu Trưởng (đứng giữa) và phòng Hợp tác quốc tế của Đại học Shizuoka