Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và Quản lý rừng bền vững

Ngày 26/4/2025, tại tỉnh Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn và Công ty cổ phần Nông nghiệp và du lịch Ba Bể phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị Làm việc, trao đổi kinh nghiệm trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển rừng bền vững.

Hội nghị được đồng chủ trì bởi GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp và Ông Phạm Văn Chí – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn , Ông Lê An Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp và du lịch Ba Bể.  Đoàn đại biểu tham dự về  phía doanh nghiệp: Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, Tổng giám đốc công ty cổ phần ADT Quốc tế; Ông Đỗ Văn Hải – Chủ tịch Công ty TNHH Sky Thiên Phúc Việt Nam, Phó Tổng giám đốc CTCP Dao Dược Triệu Gia; Bà Đỗ Thị Thu Hiền – CEO Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Bảo An Việt Nam, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hoàn Châu Long. Phía Trường Đại học Lâm nghiệp: PGS.TS. Vũ Huy Đại – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. Đặng Văn Hà – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị, TS. Lê Sỹ Doanh – Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và môi trường, TS. Nguyễn Trọng Cương – Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp, ThS. Bùi Thị Ngọc Thoa – Bí thư đoàn Trường cùng một số nhà khoa học khác.

Hội nghị đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn với nhiều nội dung thảo luận thiết thực, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: phát triển rừng bền vững, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, tiêu chuẩn hóa quy trình theo chứng chỉ FSC, thúc đẩy tín chỉ carbon rừng, và phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên rừng.

Các đại biểu đều thống nhất cao về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, có khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới trong ngành lâm nghiệp hiện đại, cũng như vai trò của công nghệ trong việc gia tăng giá trị sản phẩm từ rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Phạm Văn Điển khẳng định Trường Đại học Lâm nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác quy hoạch, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cũng như chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhà trường sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao, phát triển mô hình nông – lâm kết hợp dưới tán rừng nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐHLN phát biểu

TS. Lê Sỹ Doanh – Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp cũng đã có những chia sẻ rất chi tiết và cụ thể về Hệ thống mùa vụ trồng rừng: Các chức năng về thông tin mùa vụ trồng rừng toàn quốc có thể tra cứu thông tin theo loại rừng loài cây và vùng trồng cụ thể. Hệ thống quản lý dữ liệu cây xanh cây di sản: Quản lý danh sách cây, phân loại, tình trạng sức khỏe, hình ảnh minh họa. Phần mềm Forestry 4.0: Phần mềm hệ thống thông tin lĩnh vực Lâm nghiệp. Cụ thể có các công cụ Tính toán trữ lượng Cacbon, Cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học, Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật.

TS. Lê Sỹ Doanh – Viện trưởng Viện STR&MT chia sẻ

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Chí và ông Lê An Trung cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, đồng thời đề xuất một số giải pháp cụ thể trong quản lý rừng bền vững, phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, và trồng cây dược liệu dưới tán rừng như một hướng đi hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Buổi làm việc không chỉ là dịp để các bên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, mà còn mở ra những định hướng hợp tác dài hạn, góp phần xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều khẳng định đây là một bước tiến quan trọng trong việc gắn kết đào tạo với thực tiễn sản xuất, đồng thời mở ra hướng phát triển chiến lược cho mô hình sinh thái rừng, quản lý rừng bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn tại khu vực miền núi phía Bắc. Sự phối hợp giữa tri thức khoa học và công nghệ từ nhà trường, cùng kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp, sẽ tạo nền tảng vững chắc để xây dựng các mô hình rừng đa chức năng – vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Đây chính là mô hình hợp tác kiểu mẫu giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong thời đại kinh tế xanh, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Một số hình ảnh tại Hội nghị và chuyến đi khảo sát của đoàn công tác

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Đoàn công tác khảo sát thực địa

Nguồn: Phòng KH&CN