Các thí sinh lưu ý, ngoài những quy định chung của Bộ GD&ĐT, cần tìm hiểu cụ thể một số quy định riêng của trường, tránh dẫn đến sai sót, mất cơ hội đáng tiếc.
Những quy định chung nhất thiết thí sinh phải nhớ đó là: Thời gian xét tuyển bắt đầu từ 20/8, kết thúc vào 31/10; mỗi đợt xét tuyển chỉ kéo dài 20 ngày; không dùng bản sao giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển; điểm thi nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.
Ngoài việc chấp hành những quy định nói trên, mỗi trường sẽ có một số điểm khác biệt. Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nên tìm hiểu kỹ quy định của từng trường.
Những điểm khác, có thể điểm qua như sau.
Thứ nhất, thời gian xét tuyển quy định đến 31/10, tuy nhiên, việc xét tuyển bao nhiêu đợt là ở các trường. Vì vậy, có trường chỉ tuyển 1 đợt và thường đây là trường công lập top trên, số lượng tuyển cũng khá hạn chế. Thí sinh có nhu cầu nộp vào những trường này nên hết sức lưu ý thời gian kết thúc nhận hồ sơ. Trường có lượng chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung nhiều thường tuyển từ 2 đến 4 đợt. Trường nào xét tuyển cả 4 đợt mới kéo dài đến hạn cuối theo quy định của Bộ GD&ĐT là 31/10.
Thí sinh không nên vội vàng nộp hồ sơ vì trong thời gian quy định của mỗi đợt, dù nộp đầu hay cuối, giá trị của hồ sơ đều như nhau.
Thứ hai, hầu hết các trường đều nhận hồ sơ qua đường bưu điện và trực tiếp tại trường, nhưng cũng có số ít trường lại chỉ nhận hồ sơ trực tiếp. Điều này thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ.
Thứ ba, lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển cũng khác nhau tùy trường vì việc này do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Theo quy định, trường phải công bố công khai các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển; thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh và công bố kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một thông tin quan trọng, từ đó thí sinh có thể lượng sức nộp hồ sơ vào ngành, trường nào để tăng cơ hội trúng tuyển.