Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có: GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng; Các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ giảng viên, các sinh viên Nhà trường quan tâm.
Đại biểu trong nước và quốc tế: Ông Vũ Văn Hưng – Đồng Giám đốc Dự án VFD Việt Nam; Ông Michael Furniss, Bà Chi Phạm – Chuyên gia Dự án VFD quốc tế; TS. Ngô Tiến Chương, TS. Tobias Matusch – Chuyên gia GIZ; Đại diện các trường đại học: Thủy lợi, Nông Lâm Bắc Giang, Nông Lâm Huế, Nông Lâm Thái Nguyên, Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hồng Đức (Thanh Hóa), Tài nguyên Môi trường, Tây Bắc, Tây Nguyên và Hùng Vương; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc bộ; các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS.Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Nhà trường chào mừng các đại biểu tới tham dự Hội thảo. Giáo sư cho biết: Trường Đại học Lâm nghiệp là 1 trong 3 trường đại học tại Việt Nam tham gia phát triển khung chương trình giảng dạy Biến đổi khí hậu (BĐKH) trong khu vực, Nhà trường tích cực chủ động thực hiện lồng ghép BĐKH vào trong các môn học hiện có và xây dựng các môn học mới nhằm đáp ứng đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực BĐKH. Giáo sư mong muốn thông qua Hội thảo, các chuyên gia, các giảng viên tích cực đóng góp ý kiến, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong lồng ghép BĐKH vào giảng dạy tại các trường trong khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi, qua đó đóng góp tích cực vào việc thích ứng và giảm thiểu BĐKH ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Vũ Văn Hưng – Đồng Giám đốc Dự án VFD Việt Nam nhấn mạnh: Trường Đại học Lâm nghiệp là một trong các trường đại học đào tạo đầu ngành, có uy tín trong nghiên cứu, cung cấp các nhà chuyên môn trên các lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp, phát triển nông thông, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong bối cảnh Việt Nam được coi là một trong 5 nước dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của BĐKH, những thách thức về BĐKH đã và đang xảy ra có tác động trực tiếp tới môi trường và cuộc sống. Vì vậy việc lồng ghép giảng dạy BĐKH trong các trường đại học khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi ở Việt Nam góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trong tiến trình ứng phó với sự thay đổi của BĐKH.
Hội thảo đã nghe 12 báo cáo tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến BĐKH trong các lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi ở Việt Nam và việc lồng ghép BĐKH trong giảng dạy ở các trường trong Khối. Những nội dung được trao đổi tập trung đánh giá thực trạng, nội dung đào tạo về BĐKH và đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH, chỉ ra những khoảng trống hiện nay trong đào tạo về BĐKH trong các chương trình đào tạo của các trường trong Khối; Trao đổi thông tin, tài liệu giảng dạy, kết quả nghiên cứu về BĐKH giữa các trường trong khối Nông – Lâm – Ngư – Thủy lợi.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thế Đồi thay mặt lãnh đạo Nhà trường và Ban tổ chức Hội thảo cảm ơn Dự án VFD; lãnh đạo các trường trong Khối, các tổ chức và cá nhân tham dự Hội thảo. Ông mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ về chuyên môn và nhân lực nhằm xây dựng, hoàn thiện chương trình giảng dạy về BĐKH trong các trường đại học của Khối, trước hết là hai môn học: Đại cương về BĐKH và Quản lý phát thải Carbon trên cơ sở của bộ bài giảng đã được USAID hỗ trợ xây dựng (RECCCD). Những kết quả đạt được trong Hội thảo sẽ là cơ sở cho các trường trong Khối nghiên cứu, đẩy nhanh tiến trình lồng ghép BĐKH vào chương trình giảng dạy, từ đó thúc đẩy nhận thức về BĐKH ngày càng sâu rộng hơn. Trường Đại học Lâm nghiệp và các nhà tài trợ sẽ luôn hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ nguồn nhân lực trong việc xây dựng chương trình giảng dạy về BĐKH nhằm góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH tại Việt Nam và trên thế giới.
Một số hình ảnh Hội thảo
GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Vũ Văn Hưng – Đồng Giám đốc Dự án VFD Việt Nam phát biểu
PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu và báo cáo đề dẫn
PGS.TS. Hoàng Văn Sâm -Trưởng phòng Hợp tác quốc tế điều phối chương trình Hội thảo
Các báo cáo tham luận và một số ý kiến trao đổi thảo luận tại Hội thảo
Kết thúc Hội thảo thành công