Hội thảo Quốc gia “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”

Ngày 24 tháng 11 năm 2020, Hội thảo quốc gia “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam” được tổ chức dưới sự chủ trì và phối hợp giữa Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF), Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam (VNFF) và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).

Tham dự hội thảo gồm hơn 100 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, nhà quản lý ở trung ương và địa phương, các tổ chức dân sự xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí. Chủ trì hội thảo gồm có GS. TS. Trần Văn Chứ – Hiệu Trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, GS. TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp, và TS.  Phạm Thu Thủy Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế tại Việt Nam (CIFOR).

Phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Trần Văn Chứ nhấn mạnh chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng. Năm 2011 Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên phạm vi toàn quốc. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít các bằng chứng khoa học chứng minh đầy đủ về hiệu quả và tác động của PFES. Chính vì vậy, hội thảo này nhằm tạo ra diễn đàn để các bên có liên quan thảo luận về bằng chứng khoa học hiện có về tác động của PFES, cũng như chỉ ra các khoảng trống kiến thức còn cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.

GS. TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu khai mạc hội

thảo

Chương trình hội thảo chia làm 2 phần: Phần 1 thảo luận về tác động của PFES trên quy mô toàn quốc trong khi Phần 2 cung cấp góc nhìn cụ thể về tác động của PFES tại cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản thông qua 4 nghiên cứu tại Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đak Lak, VQG Cát Tiên.

Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến tham luận, đóng góp của các quý vị đại biểu cho các báo cáo nghiên cứu nói riêng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói chung. Nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các báo cáo, những ảnh hưởng tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới việc quản lý bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng như thảo luận cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách từ thực tiễn.

Theo Nguyễn Chiến Cường đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp.

Với mong muốn cung cấp các bằng chứng khoa học về tác động của PFES tại Việt Nam,  CIFOR, Đại Học Ohio State University, Đại Học Lafayette, Quỹ Bảo Vệ và Phát Triển Rừng Sơn La, Trường Đại Học Nông Lâm Huế, Vườn Quốc Gia Cát Tiên, và  Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Tây Nguyên đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau để tiến hành nghiên cứu tác động của PFES khi so sánh trước và sau khi có PFES, ở nơi có và không có PFES đối với khả năng mất rừng, tác động môi trường, kinh tế và xã hội ở các quy mô (toàn quốc, tỉnh, huyện, xã, cộng đồng và người dân) từ đó đưa ra các vấn đề cần xem xét khi xác định và nâng cao  tính điều kiện và bổ sung cho PFES tại Việt Nam. Trên   2991 người liên quan đã tham gia nghiên cứu này và chỉ ra cả thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện PFES trong thực tế, cũng như sự cần thiết của việc tiến hành nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để khẳng định tác động của PFES, đặc biệt trong việc cải thiện chất lượng rừng.

Thay mặt ban tổ chức phát biểu kết luận Hội thảo. GS.TS. Hoàng Văn Sâm khẳng định ý nghĩa quan trọng của chính sách chi trả dịch vụ Môi trường rừng tại Việt Nam đối với việc quản lý bảo vệ rừng, đồng thời cảm ơn các diễn giả đã có những nghiên cứu rất chất lượng về PFES, cảm ơn quý vị đại biểu đã tham dự và đóng góp ý kiến quan trọng cho sự thành công của Hội thảo, cảm ơn các Nhà tài trợ đã hỗ trợ cho các nghiên cứu và tổ chức Hội thảo.

Ông Nguyễn Chiến Cường đại diện VNFF trình bày bài nghiên cứu.

TS.  Phạm Thu Thủy Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế tại Việt Nam (CIFOR) trình bày báo cáo

Ông Phạm Hồng Lượng – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên trình bày báo cáo

TS. Dương Thị Bích Ngọc – Trường Đại học Lâm Nghiệp trình bày báo cáo

TS. Lê Sỹ Doanh, Viện trưởng viện Sinh thái rừng và Môi trường, VNUF – Trình bày báo cáo

Một số hình ảnh tại Hội thảo