Hội thảo quốc gia “Công tác xã hội trong phát triển Nông thôn – Miền núi ở Việt Nam”

Hội thảo được Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội đồng tổ chức, diễn ra vào ngày 18/7/2018 tại Trường Đại học Lâm nghiệp nhằm đánh giá thực trạng về chính sách, tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, về công tác xã hội (CTXH) trong phát triển nông thôn – miền núi, đề xuất các giải pháp thúc đẩy CTXH góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển khu vực nông thôn – miền núi ở nước ta.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao Động &TBXH; PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT; TS. Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV- Bộ Giáo dục & Đào tạo; ngoài ra còn có các đại biểu đến từ Ủy ban Dân tộc miền núi; Tổ chức DWC, tổ chức ICRAF-Vietnam; Tổ chức RECOFTC; Hội các trường đào tạo nghề CTXH Việt Nam; Học viện Phụ nữ; Trường đại học LĐXH; Trung tâm CTXH các tỉnh thành phố: Nghệ An; Hà Nội; Vĩnh Phúc; Tạp chí Dân tộc và Phát triển; Tạp chí Lao động và Xã hội; cùng các chuyên gia thuộc lĩnh vực CTXH của cả nước.

Về phía Đại học Lâm nghiệp có GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Văn Quân – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng cùng các lãnh đạo, cán bộ phòng, ban, khoa viện có liên quan và đặc biệt còn có hơn 80 sinh viên của trường là những nhân viên công tác xã hội tiềm năng trong tương lai.

Chào mừng Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Chứ đã phát biểu đưa ra sự quan trọng của công tác xã hội ở nông thôn, miền núi và sự cần thiết của hội thảo “Công tác xã hội trong phát triển Nông thôn – Miền núi ở Việt Nam”.

Phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Văn Hồi xác định mục tiêu hội thảo: đánh giá hiện trạng cung cấp dịch vụ công tác xã hội tai nông thôn miền núi về mặt cơ chế chính sách, hệ thống cung cấp dịch vụ, nguồn nhân lực; công tác đào tạo…qua đó khuyến nghị những cơ chế chính sách với các bộ, ban, ngành để phát triển công tác xã hội ở nông thôn miền núi.

Xuất phát từ quan điểm sinh thái nhân văn và phát triển bền vững, PGS.TS. Đặng Tùng Hoa khẳng định vai trò của công tác xã hội với nông thôn miền núi, từ đó đề xuất các giải pháp như: Tiếp cận liên ngành trong xây dựng chính sách, đa mục tiêu, dài hạn; Mục tiêu hướng tới nâng cao năng lực cho người dân; Huy động, sử dụng tối đa nguồn lực; Khuyến khích và phát huy hiệu quả sự tham gia của người dân.

Trong chương trình Hội thảo, TS. Lê Đình Hải đã trình bày tham luận Định hướng về đào tạo và nghiên cứu CTXH của Trường Đại học Lâm nghiệp. Qua phân tích các cơ hội cũng như thách thức trong đào tạo CTXH, TS. Lê Đình Hải đã đưa ra các định hướng về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế với ngành Công tác xã hội từ vai trò của Trung tâm CTXH và phát triển cộng đồng.

Lấy dẫn chứng từ các mô hình dịch vụ công tác xã hội ở các nước trên thế giới, bà Nguyễn Ngọc Lan, điều phối chương trình Quản lý đất đai khu vực sông Mekong đưa ra các khuyến nghị cho lĩnh vực công tác xã hội ở Việt Nam như: Phát triển công tác xã hội phải gắn với việc xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, đa lĩnh vực và dài hạn; gắn chặt với các chính sách đặc thù đối với bà con dân tộc miền núi, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; Xã hội hoá công tác xã hội, khuyến khích sự tham gia của khối phi nhà nước, doanh nghiệp; Nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác xã hội; Hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù liên quan tới công tác xã hội.

Bà Bùi Thị Kim – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em(DWC) đã phổ biến một số cách tiếp cận trong phát triển cộng đồng đã mang lại thành công trong quá trình làm CTXH của DWC. Với các bài học kinh nghiệm đưa ra, bà cho rằng thay vì đến cộng đồng với tâm niệm là các chuyên gia hay người thầy, các nhà làm CTXH hãy đóng vai trò là các thúc đẩy viên có Đôi mắt tinh tường để cùng quan sát với người dân; có Đôi tai nhạy cảm để biết lắng nghe người dân; Miệng luôn tươi cười khi giao tiếp với người dân; Đầu óc sáng suốt để suy nghĩ cùng người dân dân; Trái tim nồng hậu để đồng cảm với người dân; Đôi chân khỏe mạnh để đồng hành cùng người dân; và có Một hộp đầy công cụ để trao cho người dân!

Đồng quan điểm trong phát triển cộng đồng, ThS. Nguyễn Thị Liên – Trường ĐH Lao động và xã hội cho rằng cần nâng cao vai trò của nhân viên công tác xã hội; Phát triển đội ngũ nhân viên Công tác xã hội trong hỗ trợ người nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách, nguồn lực; Có chế độ đãi ngộ với NVCTXH với cơ chế phối hợp rõ ràng; Phát triển đội ngũ các CTV cộng đồng là người dân tộc thiểu số(nòng cốt).

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi đã khẳng định sự thành công của hội thảo; Chúc mừng sự ra đời của Trung tâm CTXH và phát triển cộng đồng của trường Đại học Lâm nghiệp, Chúc Trường ĐH Lâm nghiệp sẽ trở thành địa chỉ đào tạo hàng đầu trong ngành công tác xã hội nông thôn miền núi.  

Một số hình ảnh Hội thảo

GS.TS. Trần Văn Chứ – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng phát biểu chào mừng Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao Động &TBXH phát biểu đề dẫn Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu

TS. Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV- Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu

PGS.TS. Đặng Tùng Hoa – Trường Cán bộ Quản lý – Bộ NN&PTNT trình bày tham luận

TS. Lê Đình Hải đã trình bày tham luận 

ThS. Nguyễn Ngọc Lan, điều phối chương trình Quản lý đất đai khu vực sông Mekong trình bày tham luận

Bà Bùi Thị Kim – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em(DWC) tham luận

Ra mắt Trung tâm Công tác xã hội và phát triển cộng đồng

Sinh viên Hoàng Thị Hương phát biểu