Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập trường, với mục tiêu đề xuất các giải pháp để phát triển rừng và trang trại bền vững và nâng cao sinh kế của người dân.
Hội thảo được chủ trì bởi GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, Ông Hoàng Tùng, Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam, và Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện FAO tại Việt Nam. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu đến từ 12 tỉnh miền núi phía Bắc cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế.
GS.TS. Phạm Văn Điển phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Văn Điển nhấn mạnh vai trò chiến lược của phát triển rừng và trang trại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tăng dân số. Ông khẳng định hội thảo là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ kiến thức, thảo luận các mô hình phát triển sinh kế bền vững và đề xuất các giải pháp khả thi cho ngành.
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cảm ơn Trường Đại học Lâm đã chủ trì tổ chức Hội thảo quan trọng này. Ông nhấn mạnh vai trò của rừng trong bảo tồn hệ sinh thái và phát triển sinh kế người dân vùng nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông đánh giá cao kết quả dự án FFF đã thực hiện trong cả 2 giai đoạn và đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận để phát huy tối đa kết quả của dự án.
Ông Hoàng Tùng, Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Tùng, Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ những mất mát của bà còn các tỉnh bị thiệt hại do con bão số 3, đồng thời giới thiệu một số dự án quan trọng Hội nông dân đồng hành cùng bà con nông dân, đặc biệt là những kết quả quan trọng của dự án FFF giai đoạn II.
Dưới sự điều phối của GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế các đại biểu đã nghe 5 bài trình bày quan trọng từ các chuyên gia trong lĩnh vực:
GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế – Điều phối Hội thảo
1. Tổng quan về Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại giai đoạn II – Ông Phạm Tài Thắng, Điều phối viên Chương trình FFF II, FAO trình bày về các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cộng đồng nông thôn sống phụ thuộc vào rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
2. Phát triển giá trị đa dụng của Hệ sinh thái rừng tại Việt Nam – Ông Trần Nho Đạt, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Rừng Đặc dụng, Phòng hộ – Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ về các chính sách hiện hành và định hướng phát triển giá trị đa dụng của rừng, bao gồm mô hình rừng cộng đồng và hợp tác xã.
3. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và nền tảng đáp ứng yêu cầu EUDR – TS. Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, giới thiệu hệ thống chứng chỉ rừng tại Việt Nam và tầm quan trọng của EUDR đối với xuất khẩu lâm sản bền vững.
4. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển Nông lâm kết hợp – Bà Trần Thị Mai Anh, đại diện ICRAF Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình nông lâm kết hợp, giúp tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thêm thu nhập cho nông dân.
5. Ứng dụng công nghệ viễn thám trong ước tính trữ lượng các-bon rừng – PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa, Trường Đại học Lâm nghiệp, trình bày ứng dụng công nghệ viễn thám trong đo lường và quản lý trữ lượng các-bon rừng, nhằm hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, các đại diện các tỉnh và đại biểu tham gia dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về phát triển rừng và trang trại gắn với sinh kế địa phương.
Bên cạnh các bài trình bày, hội thảo còn tổ chức triển lãm các sản phẩm nông sản và thủ công mỹ nghệ từ Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình và Bắc Kạn. Các sản phẩm này, bao gồm nông sản hữu cơ và đồ thủ công mỹ nghệ, không chỉ thể hiện sự phong phú của tài nguyên địa phương mà còn đóng góp vào sinh kế bền vững cho người dân.
Hội thảo đã khép lại với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, những bài học kinh nghiệm mở ra cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Các đại biểu kỳ vọng rằng hội thảo sẽ thúc đẩy phát triển bền vững nông thôn, đồng thời nâng cao đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ảnh hưởng từ thiên tai.
Một số hình ảnh từ hội thảo
Ông Phạm Tài Thắng, Điều phối viên Chương trình FFF II giới thiệu dự án
Ông Trần Nho Đạt, Trưởng Phòng Quản lý Rừng Đặc dụng, Phòng hộ – Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
TS. Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững
Bà Trần Thị Mai Anh, đại diện ICRAF Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa, Trường Đại học Lâm nghiệp
Các đại biểu tham gia thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế về phát triển rừng và trang trại gắn với sinh kế địa phương.
Triển lãm trưng bày sản phẩm từ 5 địa phương
Nguồn: Phòng HTQT