Tham dự Hội thảo có ông Lê Thiết Cương – Phó chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các thành viên trong tổ công tác Ban chỉ đạo chương trình 02 của Thành ủy thuộc các Sở: Tài chính, Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng. Đại diện Lãnh đạo các Huyện, Thị, Ủy ban Nhân dân một số xã và các phòng ban liên quan; đại diện một số đơn vị tư vấn đang tham gia lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội; các cơ quan truyền hình và báo chí tới đưa tin.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp (đơn vị đăng cai Hội thảo) có NGND.GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Quang Bảo – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Viện QLĐĐ&PTNT; đại diện lãnh đạo các đơn vị, cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường quan tâm.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm“, xây dựng nông thôn mới là cuộc các mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
NGND.GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng phát biểu
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Văn Chương cho biết: Trong những năm gần đây, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có những bước phát triển trong đào tạo, nghiên cứu và tham gia các chương trình/dự án thuộc lĩnh vực quản lý đất đai và phát triển nông thôn. Nhà trường hiện đang đào tạo trình độ đại học và cao học chuyên ngành Quản lý đất đai, Phát triển nông thôn, theo định hướng phát triển của Ngành, của Nhà trường. Hội thảo sẽ là cơ hội để cán bộ, giảng viên Nhà trường được tiếp cận thực tế các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới, lĩnh hội những ý kiến tham vấn, tư vấn của các địa phương, những vấn đề tồn tại để cùng phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới của thành phố và các Sở, Ban, Ngành và các địa phương cùng triển khai tham gia tổ chức thực hiện xây dựng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Lê Thiết Cương – Phó chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thiết Cương nhấn mạnh: Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Đảng và Chính phủ vận hành từ năm 2010, các địa phương đã có những sự thay đổi tích cực, khởi sắc; các cấp lãnh đạo và nhân dân thực sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực. Ông mong muốn thông qua hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ đưa ra những đề xuất, góp ý giải quyết các mặt còn tồn tại qua đó xây dựng kế hoạch chi tiết, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới có hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau 8 năm thực hiện, chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Cũng như về phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, về văn hóa – xã hội – môi trường, về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đều có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bình – Sở Quy hoạch – Kiến trúc báo cáo tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Văn Bình báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các tồn tại vướng mắc trong thực hiện của các huyện, thị xã.
Một số ý kiến tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý và đề xuất của các đại biểu các sở, ngành, một số huyện, xã và đại diện một số đơn vị tư vấn về rà soát quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết phù hợp với các quy hoạch cấp trên, đề xuất phương hướng tháo gỡ, giải quyết chung và đối với từng trường hợp cụ thể theo kiến nghị của từng địa phương, đảm bảo yêu cầu về quản lý chuyên môn; đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Toàn cảnh hội thảo
Bế mạc Hội thảo, đoàn chủ tịch đã gửi lời cảm ơn những đóng góp, đề xuất thiết thực của các đại biểu tham dự trong điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện nay. Trên cơ sở đề xuất của đại diện các huyện, xã và tình hình thực tế, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, Ban chỉ đạo và các cơ quan liên quan sẽ xem xét đề xuất và thống nhất hướng giải quyết cụ thể đối với từng địa phương; triển khai các thủ tục hồ sơ đề án cần thiết để được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2018.