Hội thảo khoa học Công nghệ và thiết bị xử lý gỗ để nâng cao cường độ, tính ổn định kích thước và độ bền sinh học của gỗ Tống quá sủ (Alnus nepalensis)

Ngày 29-30/5/2015 tại Nhà khách UBND tỉnh Lào Cai, trường Đại học Lâm nghiệp đã phối hợp với các đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức Hội thảo: “Công nghệ và thiết bị xử lý gỗ để nâng cao cường độ, tính ổn định kích thước và độ bền sinh học của gỗ Tống quá sủ (Alnus nepalensis)”. Hội thảo là một nhiệm vụ trong Chương trình “Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Sau thu hoạch”, Mã số: KC.07/11-15.

Đến dự Hội thảo có PGS.TS Lê Đức Mạnh – Chủ nhiệm Chương trình KC.07/11-15, đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước – Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo các Viện nghiên cứu, Trung tâm thuộc viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Lãnh đạo sở Nông nghiệp và PTNT, chi cục Lâm nghiệp, các vườn Quốc gia, Ban Quản lý rừng phòng hộ, hạt Kiểm Lâm của các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên; Lãnh đạo trường Đại học Lâm nghiệp. Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học của viện Khoa học Lâm nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Đức Mạnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia, phối hợp của các địa phương, của các nhà khoa học cùng với trường Đại học Lâm nghiệp triển khai tốt một trong những nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình KC.07/11-15.

Cùng với việc tham quan 02 mô hình rừng Tống quá sủ (rừng trồng và rừng tự nhiên), Hội thảo đã được nghe các báo cáo, tham luận và ý kiến tham vấn về công nghệ, thiết bị xử lý gỗ Tống quá sủ – Một loài cây mọc nhanh, song có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt về thổ nhưỡng, khí hậu tại các tỉnh Miền núi Phía Bắc, những nơi có độ cao trên 800m (so với mực nước biển). Kết quả của đề tài khoa học là một bước đột phá trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện về tài nguyên, kinh tế – xã hội của các tỉnh Miền núi gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Kết thúc Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp đã đánh giá cao kết quả chuyên môn, giá trị thực tiễn của Hội thảo. Mô hình đồng phối hợp triển khai các chương trình khoa học, công nghệ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và lãnh đạo địa phương nhằm gắn kết khoa học với thực tiễn là một phương thức hiệu quả cần được phát huy và nhân rộng.

          Một số hình ảnh của Hội thảo:

Thăm rừng Tống quá sủ tại cao độ 1750m Sa Pa, Lào Cai

PGS.TS Lê Đức Mạnh phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS Phạm Văn Chương tổng kết Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo