Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu có ông Nguyễn Khắc Lâm – Giám đốc Quỹ BV&PT Rừng tỉnh Nghệ An; ông Trần Nho Đạt – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo; ông Hoàng Sỹ Tuấn – Đại diện Trung tâm Tư vấn Truyền thông Môi trường; cùng đại diện lãnh đại, cán bộ của 14 đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia, các khu bảo tồn và đơn vị liên quan.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có PGS.TS. Cao Quốc An – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Trưởng khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường (QLTNR&MT); lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các đơn vị liên quan.
PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thầy Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển chương trình đào tạo, khoa học công nghệ hướng tới tự chủ và hội nhập của Trường Đại học Lâm nghiệp nói chung và của Khoa QLTNR&MT trong thời gian tới. Nhà trường mong muốn thông qua Hội thảo này các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý ngoài trường, nhà khoa học, các giảng viên của nhà trường tập trung đóng góp ý kiến trong việc đổi mới, điều chỉnh các chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu khoa học mà thực tế đang đòi hỏi, đồng thời mong muốn có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa Khoa QLTNR&MT với các cơ quan quản lý và nghiên cứu ngoài trường nhằm đồng hành cùng sự phát triển của Khoa và Nhà trường theo hướng tự chủ và hội nhập trong thời gian tới.
Hiện nay Khoa QLTNR&MT ngoài đào tạo 07 ngành đại học: Quản lý tài nguyên rừng, Bảo vệ thực vật, Khoa họcmôi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Du lịch sinh thái, Quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình chuẩn) và Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Natural Resource Management) chương trình tiên tiến (đào tạo bằng tiếng Anh). Đây là những ngành học đang thu hút được nhiều sinh viên vào học, góp phần đáng kể vào việc tăng quy mô đào tạo của Nhà trường. Khoa QLTNR&MT hiện có 3 chương trình đào tạo bậc Thạc sỹ, gồm Quản lý tài nguyên rừng, Khoa học Môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường; chương trình đào tạo bậc tiến sỹ Quản lý tài nguyên rừng. Đây vừa là lợi thế, vừa là trọng trách của Khoa trong việc đào tạo và phát triển nguồn lực cho đất nước lĩnh vực tài nguyên nói chung, tài nguyên rừng và môi trường nói riêng. Ngoài ra, Khoa là một trong những đơn vị rất tích cực trong việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo. Đến nay, chương trình đào tạo đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế của các ngành học.
Trình bày báo cáo tham luận
Hội thảo đã nghe các bài báo cáo tham luận về đào tạo và nghiên cứu khoa học của lãnh đạo Khoa, của lãnh đạo một số Vườn quốc gia, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An,… trong đó nhấn mạnh đến sự gắn kết các ngành đào tạo của Khoa QLTNR&MT với nhu cầu thực tế, cơ hội việc làm trong lĩnh vực quản lý môi trường, phát triển Du lịch sinh thái và Dịch vụ Môi trường…
Một số ý kiến thảo luận chung tại Hội thảo
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề xuất trong việc đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, thực tập, rèn luyện các kỹ năng và thái độ ứng xử với thiên nhiên; và định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ hướng tới tự chủ và hội nhập trong xu thế hiện nay.
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng để hướng tới tự chủ và hội nhập trong đào tạo và phát triển khoa học công nghệ, trước mắt Khoa cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ các yếu tố cần thiết về kiến thức, kỹ năng và thái độ với tâm thế mới theo định hướng của thời kỳ công nghệ 4.0. Đây là những tiêu chí cần và đủ của người lao động trong xã hội hiện đại trong tương lai gần.
PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Trưởng khoa TNR&MT phát biểu
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Trưởng khoa TNR&MT gửi lời cảm ơn và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ, đóng góp ý kiến về chuyên môn của các nhà khoa học, các tổ chức và cá nhân trong đào tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới tự chủ và hội nhập. Các ý kiến chia sẻ, đề xuất và những kết quả đạt được trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Khoa QLTNR&MT có những chương trình đào tạo và nghiên cứu phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm