Trong hai ngày 01/8/2023 và 02/8/2023, Hội nghị triển khai các hoạt động của Dự án FOREST đã được tổ chức tại Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) có sự tham gia của GS. TS. Janerik Lundquist – Điều phối viên dự án, Giáo sư Trường Đại học Linkoping (LiU), Thụy Điển; GS. TS. Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, PGS. TS. Lê Xuân Phương – Điều phối viên dự án FOREST tại VNUF, đại diện các trường đối tác của dự án FOREST gồm: Đại học Khoa học Thái Nguyên (TNUS), Đại học Khoa học Huế (HUSC), Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE) và nhóm chuyên gia thực hiện dự án.
Phát biểu khai mạc phiên họp ngày thứ nhất, ngày 01/8/2023, GS Janerik Lundquist gửi lời chào đến các thành viên dự án, giới thiệu thành viên mới: HCMUTE, HUSC, giới thiệu khái quát về dự án FOREST, chương trình làm việc của hôi nghị trong 2 ngày cũng nhu mục đích yêu cầu của hội nghị quan trọng này. Đây cũng là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các đối tác thực hiện dự án.
GS. TS. Janerik Lundquist phát biểu khai mạc
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, GS.TS. Hoàng Văn Sâm chào mừng các đại biểu đã đến thăm và làm việc tại Trường trong hai ngày diễn ra hội nghị và đánh giá cao sự đóng góp của dự án Erasmus+ CBHE đối với sự phát triển của Nhà trường cũng như hoan ngênh các thành viên đã có những hoạt động hợp tác phát triển quan trọng và hi vọng rằng các bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận để triển khai dự án một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển trong lĩnh vực Hóa học nói chung và Hóa lâm sản nói riêng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa các trường trong các lĩnh vực khác mà các bên cùng quan tâm trong tương lai.
GS. TS. Hoàng Văn Sâm chào mừng các đại biểu
Đại diện VNUF và TNUS đã cập nhật tiến độ và kết quả các hoạt động mà mỗi trường đã triển khai trong khuôn khổ dự án FOREST từ tham gia thiết kế mẫu phiếu khảo sát để đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng atlas về các kinh nghiệm tốt mà các trường Châu Âu đã triển khai nhằm xây dựng một chương trình Thạc sỹ tốt đạt chuẩn Bologna, viết đề cương bài giảng và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, thiết lập trung tâm thí nghiệm để triển khai các hoạt động tăng cường kỹ năng nghiên cứu và làm các thí nghiệm về chuyên ngành Hóa tại mỗi trường. Chương trình Thạc sỹ Hóa học chất lượng cao liên ngành, theo các khối kiến thức: Kiến thức chung, Kiến thức cơ sở, Kiến thức chuyên ngành, luận án. Trong khuôn khổ dự án này, VNUF phát triển và cập nhật mới 9 môn học trong chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật chế biến lâm sản: Hóa học gỗ, Rừng và biến đổi khí hậu, Đánh giá vòng đời sản phẩm gỗ, Vật liệu composite gỗ, Năng lượng sinh khối, Cây dược liệu dưới tán rừng, Thực phẩm từ rừng, Khoa học bền vững, Hóa lâm sản. Trường TNUS xây dựng và phát triển mới các môn học sau trong Chương trình Thạc sỹ Hóa phân tích: Quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Các biện pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, Quản lý chất thải rắn, Quản lý rừng bền vững, Phân tích quang phổ, Thực tập. Đối với các môn học mới này, cả VNUF và TNUS đang hoàn thiện đề cương và bài giảng để có thể sẵn sàng triển khai trong năm 2024. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án FOREST, sinh viên cũng sẽ được tham gia các khóa học trao đổi ngắn hạn 3 tháng tại các trường đại học đối tác Châu Âu.
Tại buổi làm việc, các thành viên cũng đã chia sẻ về quan điểm, kế hoạch hoàn thiện các bài giảng môn học cụ thể dành cho chương trình và đồng thời nêu ra các ý kiến đóng góp, điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn cần khắc phục.
Một số hình ảnh thảo luận
PGS. TS. Lê Xuân Phương (VNUF) trình bày các kết quả chính đã đạt được tại VNUF
TS. Vương Trường Xuân (TNUS) trình bày kết quả thực hiện dự án của TNUS
PGS.TS. Hoàng An Quốc (HCMUTE) và các đại biểu 2 trường mới tham gia dự án (HUSC và HCMUTE) chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án Erasmus+
TS. Trần Thị Ái Mỹ (HUSC) giới thiệu về trường Huế và ngành Hóa
PGS.TS. Trần Anh Tuấn (HUSC) giới thiệu các chương trình đào tạo tại trường và cơ hội lồng ghép để phát triển chương trình Thạc sỹ mới
TS. Huỳnh Nguyễn Anh Tuấn (HCMUTE) trình bày đề xuất của trường HCMUTE
Các thành viên dự án thảo luận tại phiên làm việc
Trong ngày làm việc thứ 2, các bên tiếp tục thảo luận các hoạt động sẽ triển khai trong thời gian tới, từ khía cạnh chuyên môn cũng như tài chính như: kế hoạch lớp học hè (dự kiến triển khai từ ngày 28/8 đến 1/9/2023); kế hoạch tiếp nhận trang web của dự án từ đối tác Nga về VNUF; kế hoạch tham vấn và phát triển chương trình Thạc sỹ mới của hai trường mới tham gia (HUSC và HCMUTE); kế hoạch quảng bá tuyển sinh cho 2 chương trình Thạc sỹ tại VNUF và TNUS, kế hoạch phát triển trang web (gỗm 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt) và lưu trữ dữ liệu dự án tại HCMUTE;….
Trước mắt cuối tháng 8 này, các trường sẽ cùng phối hợp với các đối tác Châu Âu tổ chức lớp học hè tại VNUF, vứi sự tham gia trực tiếp của sinh viên và giáo viên 4 trường Việt Nam và từ xa (gián tiếp) của giáo viên các trường Châu Âu (Italia, Bồ Đào Nha, Áo và Thụy Điển). Đây là sự kiện quan trọng để thu hút sự quan tâm đối với dự án lần này, đặc biệt truyền cảm hứng cho các bạn trẻ là sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường có định hướng muốn đăng ký vào học các chương trình Thạc sỹ mới này. Kết thúc khóa học, sinh viên sẽ được nhận chứng chỉ do dự án FOREST và trường VNUF cấp.
Tặng quà lưu niệm cho Giáo sư Janerik
Kết thúc hai ngày làm việc tốt đẹp, PGS. TS. Lê Xuân Phương, điều phối viên phía Việt Nam của dự án FOREST cảm ơn GS. TS. Janerik đã giúp đỡ và hỗ trợ các trường đại học Việt Nam tham gia dự án lần này, mang lại giá trị tốt đẹp cho các trường đại học trong khu vực trong đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực Hóa học. Đây là hoạt động hợp tác quan trọng, là nền tảng góp phần làm mới và đa dạng thêm cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học Lâm nghiệp và các trường đối tác trong tương lai.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bài viết: Phòng HTQT