Đoàn chuyên gia của Chương trình Tây Bắc và Trường Đại học Lâm nghiệp kiểm tra các mô hình thuộc đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển bền vững lưu vực

Trong 02 ngày 18-19/02/2020, Chương trình Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức đoàn chuyên gia kiểm tra thực địa các mô hình Phát triển bền vững thuộc Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển bền vững lưu vực sông Đà”, mã số: KHCN-T.22C/13-18 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển bền vững lưu vực sông Đà” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” do GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp làm chủ nhiệm.

Về phía ĐHQG Hà Nội: GS.TS. Trương Quang Học – Viện Tài nguyên và Môi trường làm trưởng Đoàn; PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN; PGS.TS. Trương Vũ Bằng Giang – Phó trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQG Hà Nội, Thư ký khoa học Chương trình Tây Bắc và cùng các chuyên gia trong Đoàn kiểm tra.

Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp: GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng, trưởng Đoàn; PGS.TS. Cao Quốc An – Chủ tịch Hội đồng trường, cùng các thành viên thực hiện Đề tài.

Đề tài đã hoàn thiện các nội dung và triển khai 3 Mô hình thí điểm tại các địa phương, các mô hình được phát triển đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Từ chuyển giao kỹ thuật, giống, hỗ trợ công chăm sóc, các sản phẩm của đề tài là mô hình bước đầu đã có thu nhập mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân khu vực triển khai mô hình ở (Cam, trứng cút, ổi.. ở Tây Phong, Cao Phong, Hòa Bình; Táo mèo ở Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La, Mắc ca ở Tuần Giáo, Điện Biên) theo hướng bền vững. Các mô hình thí điểm được phát triển đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, là địa điểm tham quan, học tập của nhiều địa phương lân cận. Bên cạnh đó các mô hình được phát triển cũng là các hình mẫu trình diễn về mô hình phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm xói mòn đất, tăng độ che phủ cho rừng…

Đoàn kiểm tra thực địa mô hình Nông – Lâm kết hợp tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Lưu vực sông Đà có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của của Bắc bộ. Trong những năm qua, mặc dù có những hỗ trợ của nhà nước cũng như các tổ chức trong việc phát triển các mô hình quản lý rừng bền vững, mô hình canh tác trên đất dốc… một số mô hình phát triển sinh kế trên quy mô nhỏ mà chưa có những mô hình phát triển sinh kế bền vững đặc trưng của vùng.

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm đề tài đã triển khai thí điểm Mô hình: Nông – Lâm kết hợp tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; Nông – Lâm – Dịch vụ tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Đoàn kiểm tra thực địa và làm việc với các chủ hộ

Tại mỗi mô hình, các chuyên gia và đại diện các hộ tại địa phương đều đánh giá cao tính thực tiễn của mô hình: Mô hình đã bám sát thực tế địa phương, tập quán sinh hoạt và canh tác tại địa bàn.

Được biết từ trước tới nay người dân tại các địa điểm thí điểm mô hình đều tiến hành tự canh tác nên hiệu quả kinh tế thấp, được sự hỗ trợ của nhà nước và các chuyên gia thực hiện đề tài trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác đã giúp người dân bản địa định hướng được nên trồng cây gì hiệu quả cao, phù hợp với thổ nhưỡng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hoa cây Mắc ca tại mô hình huyện Tuần Giáo, Điện Biên

Với tiêu chí xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân vùng cao Tây Bắc, nhóm đề tài đã kết hợp với địa phương nghiên cứu, phân tích, đánh giá thổ nhưỡng từng khu vực và quyết định trồng thí điểm cây giổi và trám tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và mô hình trồng cây Mỡ, Mắc Ca tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Qua kiểm tra, các loại cây lâm nghiệp mà nhóm đề tài trồng thí điểm đều thích hợp với đất đồi và đất rừng cũng như giúp giữ đất, giữ nước tốt và chống xói mòn đất trên nền đất dốc.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao việc đưa một số loại cây lâm nghiệp với hiệu quả kinh tế cao và thời gian thu hoạch được rút ngắn.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các mô hình, đoàn kiểm tra đánh giá cao tiến độ cũng như kết quả triển khai thực hiện của đề tài. Đồng thời đoàn kiểm tra cũng đề nghị nhóm thực hiện đề tài cần tiếp tục đánh giá, duy trì việc phối hợp chặt chẽ với địa phương, để địa phương có thể tiếp nhận các kết quả và triển khai những thành tựu mà mô hình đã đạt được cũng như nhân rộng mô hình tại địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân.