Diễn đàn “Ngày Quốc tế về Rừng” năm 2023

Sáng ngày 21 tháng 3 năm 2023, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO) đồng tổ chức Diễn đàn Ngày quốc tế về rừng năm 2023. Ngày 21 tháng 3 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy là Ngày quốc tế Rừng từ năm 2012 với mục đích nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của Rừng. Chủ đề Ngày quốc tế về Rừng năm 2023 là “Rừng và Sức khỏe”

Tham dự Diễn đàn có ông Phạm Hồng Lượng – Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, Ông Nguyễn Ngọc Thụy – Phó Viện Trưởng Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, đại diện một số công ty, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và phóng viên. Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng; PGS. TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các phòng ban, khoa, viện cùng các nhà khoa học, giảng viên và đại diện sinh viên, học viên cao học.

Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp khẳng định rừng đóng một vai trò quan trọng về kinh tế và điều tiết hệ sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rừng cũng là nền tảng của an ninh lương thực, rừng không chỉ hỗ trợ nền kinh tế lành mạnh mà còn hỗ trợ cuộc sống khỏe mạnh nói chung. Thông điệp của Ngày Quốc tế về Rừng năm 2023 là ‘Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh’. Đây là cơ hội tốt để nêu bật các chức năng và dịch vụ mà rừng mang lại và truyền tải thông diếp tới toàn xã hội về vai trò của rừng.

Ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc cho thấy, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người. Rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liền; 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng; khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm và khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh, các hoạt động lâm nghiệp không bền vững dẫn đến suy thoái rừng, suy thoái môi trường, góp phần gây biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới. Sức khỏe của rừng và thực vật là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Sẽ không thể có được một nền kinh tế khỏe trên một hành tinh không khỏe. Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho biết, chấm dứt nạn chặt phá rừng và duy trì diện tích rừng hiện có có thể tránh thải ra 3,6 ± 2 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm trong giai đoạn 2020 đến 2050, trong đó đã bao gồm khoảng 14% lượng cần thiết cho đến năm 2030 để giữ cho mức nóng lên toàn cầu không tới 1,5 độ C, đồng thời bảo vệ hơn một nửa đa dạng sinh học trên cạn của Trái đất.

Cũng trong chương trình, các bài trình bày của Tổng cục Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, FAO và Greenlight Việt Nam về Hội nhập quốc tế trong Lâm nghiệp, Tăng trưởng xanh và phát triển Lâm nghiệp, Quản lý các hệ sinh thái rừng để giảm các bệnh truyền nhiễm môi trường và ứng dụng công nghệ trong quản lý cây xanh, đồng thời nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ đến từ các đại biểu tham dự về nghề rừng và tinh yêu với rừng.

Diễn đàn đã kết thúc tốt đẹp và truyền tải thông tin mạnh mẻ đến xã hội về vai trò của rừng nói chung và với sức khỏe loài người nói riêng.

Một số hình ảnh trong buổi Diễn đàn

Bài viết: Phòng HTQT