Xuất phát từ thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hoạt động công đoàn chưa ngang tầm với vai trò, vị trí, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đến năm 2020”. Trên cơ cở đó chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tới các cấp công đoàn nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống công đoàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đề án được xây dựng trước hết dựa trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành giai cấp công nhân hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và không ngừng được trí thức hóa…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay của tình hình trong nước và thế giới đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức cho sự phát triển của giai cấp công nhân, lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn. Để đáp ứng những yêu cầu đặt ra của nền kinh tế thị trường thời mở cửa và hội nhập, tổ chức công đoàn cần nắm bắt và tranh thủ những cơ hội, đồng thời nhìn nhận, đánh giá hết những khó khăn, từ đó đề ra các giải pháp chiến lược nhằm phát triển giai cấp công nhân và hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, bằng kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, địa phương, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó xác định cán bộ công đoàn là khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở.
Theo Công đoàn Trường Đại học Công đoàn, để xây dựng được hệ thống cơ sở đào tạo và đội ngũ cán bộ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đến năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải xây dựng được hệ thống cơ sở đào tạo, chú ý đến việc đưa vào xây dựng, hoàn thiện và sử dụng cơ sở II Trường Đại học Tôn Đức Thắng và quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các trường công đoàn địa phương để đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống công đoàn vừa đảm bảo hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc gia. Đồng thời phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng…
Nêu lên những giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác đào tạo và đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, đại biểu Nguyễn Xuân Thái (Ban Tổ chức Công đoàn Công thương) nhấn mạnh đến công tác đào tạo, tập huấn. Trong đó Ban Chấp hành công đoàn các cấp cần xác định công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng; cần xây dựng được nội dung đào tạo thích hợp cho từng đối tượng, có nội dung cơ bản cho người mới tham gia (hoặc mới được tuyển dụng), nội dung cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở, cấp trên cơ sở, chuyên đề cho phù hợp…
Các đại biểu nhất trí cho rằng, từ nay đến năm 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần tăng cường về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác đào tạo phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 20 –NQ/TW với mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng được trí thức hóa, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học – công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Đổi mới, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Gắn công tác đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học về công nhân và hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa../.