Bài viết này được thực hiện sau một quá trình nỗ lực khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu của SCOPUS, nhằm cung cấp cho người đọc các thông tin chính xác, tin cậy, đầy đủ, và có thể kiểm chứng được về tình hình công bố quốc tế của nhiều cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH) tại Việt Nam trong khoảng thời gian 1.5 năm, từ năm 2017 đến giữa năm 2018 (ngày tải dữ liệu 30/6/2018).
Nhóm tác giả chọn nguồn dữ liệu từ SCOPUS bởi các lý do sau: (1) đây là một trong hai hệ thống chỉ mục thông tin khoa học có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, bên cạnh hệ thống ISI – Web of Science (WoS), (2) Trong khi các bài phân tích về công bố quốc tế trong nước thời gian gần đây (2-4) đều sử dụng nguồn từ WoS, thì rất hiếm những bài sử dụng dữ liệu từ SCOPUS, (3) Số lượng tạp chí và các dạng ấn phẩm trong SCOPUS lớn và phong phú hơn WoS (5), đồng nghĩa độc giả sẽ có cái nhìn bao quát hơn, (4) Giúp các trường đang theo đuổi các bảng xếp hạng của THE hoặc QS có thêm thông tin, bởi hai tổ chức này đều sử dụng nguồn từ SCOPUS để đánh giá hạng mục thành tích nghiên cứu khoa học trong quá trình xếp hạng.
Số lượng ấn phẩm
SCOPUS thư mục hóa nhiều dạng ấn phẩm quốc tế. Đối với dữ liệu của Việt Nam, các dạng ấn phẩm bao gồm: (1) bài báo tạp chí (article và article in press, gọi chung là article), (2) bài báo hội nghị (conference paper), (3) bài báo tổng quan (review), (4) chương sách (book chapter), (5) sách chuyên khảo (book), (6) bài báo xã luận (editorial), (7) báo cáo ngắn dạng thư gửi tòa soạn (letter), (8) bản đính chính các bài báo (erratum), (9) bảng điều tra (short survey), (10) bài bình luận (note), thậm chí có cả (11) bài báo bị rút lại (retracted article). Bảng 1 bên dưới là xếp hạng các trường Việt Nam theo tổng số của 7 dạng ấn phẩm đầu tiên, cho các đơn vị có tổng từ 20 ấn phẩm trở lên và số bài báo tạp chí trên 10:
Công bố quốc tế của các đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu của Việt Nam có tổng số ấn phẩm lớn hơn 20 và số bài báo tạp chí trên 10 trong 1.5 năm qua (1/2017- 6/2018).
Có thể thấy ngay “top” 10 là những cái tên quen thuộc, tương tự như những bài báo gần đây (2-4)thống kê theo cơ sở dữ liệu Web of Science. 10 cơ sở GD ĐH đó bao gồm:
– Hai đại học quốc gia, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh (xếp thứ 2) và ĐHQG Hà Nội (xếp thứ 4);
– Ba đại học vùng: ĐH Huế (7), ĐH Đà Nẵng (8), ĐH Thái Nguyên (10);
– Ba trường đại học công lập khác: ĐH Tôn Đức Thắng (1), ĐH Bách Khoa Hà Nội (5), ĐH Cần Thơ (9);
– Một viện nghiên cứu: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (3); và
– Một đại học ngoài công lập: ĐH Duy Tân (6).
Mặc dù vậy, thứ tự của các cơ sở GD ĐH trong top 10 của bảng 1 sẽ có sự thay đổi đáng kể khi chỉ xét riêng số lượng các bài báo tạp chí (article) – thước đo thường dùng cho năng lực nghiên cứu của một tổ chức. Thực vậy, Hình 1 cho thấy các đơn vị tăng 1 bậc gồm Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và ĐH Duy Tân; trong khi giảm 1 bậc gồm ĐHQG HCM và ĐH Bách Khoa Hà Nội. Giảm nhiều nhất là ĐH Đà Nẵng khi ra khỏi top 10, và thay vào đó một nhân tố mới là ĐH Sư phạm Hà Nội. Các đơn vị còn lại trong top 10 không có sự thay đổi vị trí nào. Sự xáo trộn này cho thấy các bài báo hội nghị và các loại hình khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến thứ hạng của các đơn vị.
Top 20 cơ sở GD ĐH có lượng bài báo tạp chí (article) nhiều nhất.
Sự xáo trộn vị trí giữa các đơn vị càng lớn hơn nữa khi xem xét trên cơ sở từng trường thành viên của các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng, và các trường/học viện thuộc các viện nghiên cứu lớn. Sự xem xét này thực ra là có lý khi các trường đại học thành viên có cơ cấu tổ chức và hoạt động tương đối độc lập với nhau. Điều này làm cho việc xếp hạng trở nên công bằng hơn giữa các trường, đồng thời, cũng “trình làng” với xã hội những trường thành viên có đóng góp lớn cho các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng, và Viện nghiên cứu.
Top 20 trường đại học có lượng bài báo tạp chí (article) nhiều nhất
Thật vậy, hình 2 cho thấy rõ sự xáo trộn vị trí đáng kể với sự có mặt của các trường đại học thành viên của các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng, và Viện nghiên cứu. Trong top 20 trường đại học với lượng bài báo tạp chí nhiều nhất có sự xuất hiện của các trường: trường ĐH Khoa học Tự nhiên (thứ 4), trường ĐH Công nghệ (thứ 13) thuộc ĐHQG Hà Nội. Bên cạnh đó, ĐHQG HCM cũng có 3 trường thành viên góp mặt, gồm: trường ĐH Khoa học Tự nhiên (thứ 5), trường ĐH Bách Khoa (thứ 6), và trường ĐH Quốc tế (thứ 12). Đại học vùng như ĐH Đà Nẵng cũng có đại diện của mình tham gia, như trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng (thứ 18). Nhìn chung đây chính là những đầu tàu góp phần giúp các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng ở vị trí cao trên các bảng xếp hạng về công bố quốc tế của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, và có thể cả trong tương lai gần.
Đáng chú ý, ĐH Tôn Đức Thắng thể hiện sự vượt trội rõ rệt về năng suất công bố so với phần còn lại khi dẫn đầu với lượng bài báo nhiều hơn gấp đôi của đơn vị ở vị trí thứ hai. Điều này có thể sẽ không gây ngạc nhiên nếu biết rằng trường này đã có những chính sách đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu khoa học từ nhiều năm trước. Và đây là thời điểm ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu vượt qua các trường đại học lâu đời; một việc có lẽ khi thành lập trường cũng không dám nghĩ tới.
Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới một đại học trẻ khác, cũng có thành tích vượt qua rất nhiều “đàn anh” khác để xếp vị trí số 2, là trường ĐH Duy Tân. ĐH Duy Tân là một trường ngoài công lập duy nhất góp mặt ở mọi bảng xếp hạng Top 20 về thành tích nghiên cứu khoa học của các trường đại học Việt Nam trong vài năm gần đây. Với việc phải đóng thuế như một doanh nghiệp và không nhận được sự bao cấp nào từ Nhà nước, có thể nói đây là một nỗ lực vượt bậc của ngôi trường này.
Với kết quả đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng và trường ĐH Duy Tân được xem là hai đơn vị giáo dục non trẻ đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiệu quả nhất Việt Nam hiện nay, góp phần giúp nước nhà hiện diện nhiều hơn trên bản đồ khoa học thế giới bên cạnh các đơn vị “cây đa cây đề” khác. Sự khác biệt tạo ra được có lẽ bắt nguồn từ phương hướng và cách tiếp cận chứ không phải dựa trên thâm niên.
Yếu tố tác giả liên hệ
Phân tích về số lượng các ấn phẩm mới chỉ nói lên được năng suất của các cơ sở GD ĐH. Tuy nhiên, số lượng ấn phẩm nhiều không đồng nghĩa với việc đóng góp nhiều trong các ấn phẩm đó. Bởi nếu các nhà nghiên cứu của đơn vị chỉ là người tham gia (co-author – đồng tác giả) trong phần lớn hoặc toàn bộ số ấn phẩm, mà không phải là người đề xuất ý tưởng hoặc thực hiện chính, thì rất khó để nói rằng đóng góp của đơn vị trong các ấn phẩm đã công bố là đáng kể. Thông thường trong bài báo, một người đảm nhiệm vai trò tác giả liên hệ (corresponding author), có thể hiểu là người đó làm chủ công trình nghiên cứu. Làm chủ ở đây là chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi vấn đề học thuật của bài báo, cả trước và sau khi bài báo xuất bản. Chính vì vậy, tỉ lệ bài báo có nhà nghiên cứu của cơ sở GD ĐH đóng vai trò là tác giả liên hệ cũng giúp phần nào hình dung khả năng đóng góp của cơ sở GD ĐH đó trong số bài báo mà họ có được.
Trong phân tích này (và các phân tích tiếp sau), nhóm tác giả chỉ xem xét 5 loại ấn phẩm (gọi chung là bài báo), gồm: (1) bài báo tạp chí (article), (2) bài báo hội nghị (conference paper), (3) bài báo tổng quan (review), (4) bài báo xã luận (editorial); và (5) bài báo dạng thư gửi tòa soạn (letter).
Biểu đồ bên trái Hình 3 biểu diễn lượng bài báo của 20 trường đại học Việt Nam kèm theo yếu tố tác giả liên hệ hoặc đồng tác giả. Có thể thấy ở phần lớn các trường, tỉ lệ bài báo có đồng tác giả chiếm ưu thế hơn so với bài báo có tác giả liên hệ. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh công tác nghiên cứu của nhiều giảng viên, nghiên cứu viên ở Việt Nam là hợp tác với đồng nghiệp ở các trường khác trong nước, hay đặc biệt là ở nước ngoài.
Biểu đồ top 20 trường đại học theo tổng các bài báo (bên trái), trong đó có tính đến số bài báo có tác giả của các trường đóng vai trò tác giả liên hệ, bên cạnh số bài báo chỉ có đồng tác giả; và biểu đồ chỉ số đóng góp (bên phải).
Để cái nhìn rõ hơn về mức độ đóng góp của các trường, nhóm tác giả đã thử tính tỉ số độ chênh lệch giữa lượng bài báo có tác giả liên hệ với lượng bài báo chỉ có đồng tác giả mỗi trường, và tổng số bài báo cũng của trường đó. Tỉ số này tạm gọi là chỉ số đóng góp trong tập hợp các bài báo của trường. Nó có giá trị trong khoảng từ -1 đến +1. Giá trị bằng -1 khi một trường nào đó có tất cả bài báo là bài đồng tác giả; và ngược lại +1 là trường đó có tất cả bài báo đều là bài báo có tác giả liên hệ. Chỉ số này bằng 0 khi số bài báo của hai loại đó bằng nhau. Dĩ nhiên, chỉ số này chỉ có ý nghĩa khi tổng bài báo của các trường khác không, tức là có tổ chức hoạt động nghiên cứu và công bố.
Biểu đồ bên phải Hình 3 cho thấy phần lớn chỉ số đóng góp đều nhỏ hơn 0, nghĩa là khả năng làm chủ nghiên cứu của phần lớn các trường ở Việt Nam chưa tương xứng với số bài báo các trường có. Ở chiều ngược lại, các trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế – ĐHQG HCM là số rất ít các trường có nhiều công bố và chỉ số đóng góp có giá trị dương.
Chỉ số trích dẫn
Chỉ số trích dẫn của mỗi bài báo sẽ cho thấy có bao nhiêu công trình khác trích dẫn bài báo đó, nghĩa là nó thể hiện mức độ lan tỏa của bài báo trong thế giới học thuật. Nhưng có lẽ phải cần từ 4-5 năm mới đủ thời gian để đánh giá tương đối khách quan về chỉ số này của từng bài báo (6). Tuy vậy, những số liệu dưới đây có thể như một lát cắt phẳng ở hiện tại giúp nhận ra các cơ sở GD ĐH nào đang tập trung vào những hướng nghiên cứu “hot” hay có viễn cảnh tương lai.
Bảng 2 tổng kết tổng số lần trích dẫn của tất cả các bài báo của 20 cơ sở GD ĐH (bảng trái), và của 20 trường đại học/trường thành viên của ĐHQG, ĐH Vùng, và Viện nghiên cứu (bảng phải). Chỉ số trích dẫn còn được xác định cho cả bài báo có tác giả liên hệ, và bài báo có đồng tác giả. (Xin lưu ý trong phân tích này, tổng trích dẫn của một ĐHQG hoặc ĐH Vùng không phải là sự cộng gộp tổng trích dẫn của các trường thành viên của cùng ĐHQG hoặc ĐH Vùng đó. Lý do là bởi sự chồng chéo (overlap) số bài báo/trích dẫn khi các trường thành viên của cùng ĐHQG hoặc ĐH Vùng cùng tham gia trong một bài báo.)
Top 20 cơ sở GD ĐH Việt Nam (trái) và 20 trường đại học/trường đại học thành viên của ĐHQG, ĐH Vùng, và Viện nghiên cứu ở Việt Nam (phải), theo tổng trích dẫn.
Một hiện tượng dễ thấy ở cả 2 bảng, đó là tổng trích dẫn của các bài báo chỉ có đồng tác giả lớn hơn của các bài báo có tác giả liên hệ đối với phần lớn các trường. Nếu xem chỉ số trích dẫn như một trong các thước đo phản ánh chất lượng của bài báo (theo logic bài báo có chất lượng tốt thì được trích dẫn nhiều, dù không phải lúc nào cũng vậy), thì dữ liệu này phần nào cho thấy khả năng làm chủ nghiên cứu để cho ra bài báo có chất lượng tốt của các viện, trường, đại học Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Lĩnh vực thế mạnh trong công bố quốc tế của các cơ sở GD ĐH Việt Nam
SCOPUS phân loại các tạp chí vào 27 ngành (xem cuối bài). Việc phân tích lượng bài báo theo ngành có thể giúp thấy rõ các cơ sở GD ĐH Việt Nam đang đầu tư nghiên cứu và công bố ở những ngành nào. Qua đó có thể giúp phác họa sơ lược “bức tranh” nghiên cứu của các cơ sở GD ĐH hiện nay, cũng như giúp lãnh đạo các cơ sở GD ĐH hoạch định chính sách và lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu cho phù hợp
Biểu đồ phân bố lượng bài báo theo ngànhcủa 20 cơ sở GD ĐH có lượng bài báo nhiều nhất trong 1.5 năm. Màu càng đậm thể hiện số lượng càng nhiều; màu trắng tương ứng với số bài báo bằng 0.
Hình 4 cho thấy các cơ sở GD ĐH có công bố ở nhiều ngành cùng lúc. Nhìn chung, các cơ sở GD ĐH này tập trung vào các ngành: (1) Nông nghiệp và Sinh học; (2) Hóa sinh, Di truyền, Sinh học Phân tử; (3) Kỹ thuật Hóa học; (4) Hóa học; (5) Khoa học Máy tính; (6) Khoa học Trái đất và Hành tinh; (7) Kỹ thuật nói chung; (8) Khoa học Môi trường; (9) Khoa học Vật liệu; (10) Toán học; (11) Y học; và (12) Vật lý học. Ngược lại, có hơn một nửa trên tổng số các ngành do SCOPUS liệt kê mà các cơ sở GD ĐH của Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ, hoặc số lượng công bố còn khiêm tốn. Chẳng hạn như: (1) Nghệ thuật và Nhân văn; (2) Kinh doanh, Quản lý và Kế toán; (3) Khoa học Quyết định; (4) Nha khoa; (5) Kinh tế, Kinh tế lượng, và Tài chính; (6) Năng lượng; (7) Ngành nghề Y tế; (8) Miễn dịch và Vi trùng học; (9) Thần kinh học; (10) Điều dưỡng; (11) Dược lý, Độc chất, Dược khoa; (12) Tâm lý học; (13) Khoa học Xã hội; và (14) Thú y.
Theo góc nhìn chủ quan của nhóm tác giả, đây là những ngành còn rất nhiều “đất” cho phát triển nghiên cứu, mang những đặc thù của Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới có được. Vì vậy, đơn vị nào muốn đi tạo ra sự khác biệt về hướng nghiên cứu so với phần còn lại, thì cần xem xét tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu vào những ngành còn bỏ ngỏ. Và chắc chắn đơn vị đó sẽ có lợi thế của người đi tiên phong.
Nhóm Thông tin Nghiên cứu – DTU Research Informeta – ĐH Duy Tân
Nguồn: tienphong.vn