Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh trống khai giảng năm học 2017-2018 tại Trường Đại học Lâm nghiệp
Phát biểu tại lễ khai giảng, Bộ trưởng biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Lâm nghiệp đã đạt được. Qua 53 năm thành lập và phát triển, nhà trường đã đào tạo cho đất nước 40.000 kỹ sư, cử nhân; hơn 3.000 Thạc sỹ và gần 100 Tiến sĩ. Đây là nguồn nhân lực rất tốt cho phát triển kinh tế rừng và kinh tế lâm nghiệp của Việt Nam chúng ta.
Với vai trò là trường Đại học đầu ngành đào tạo về lâm nghiệp, thời gian qua chất lượng đào tạo thường xuyên được nhà trường chú trọng, với việc đổi mới chương trình để đáp ứng yêu cầu hội nhập và nghiên cứu lâm sản chế biến sâu. Nhiều đề tài, dự án của nhà trường có tính ứng dụng cao trong thực tiễn trong các lĩnh vực nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu; phòng chống giảm nhẹ thiên tai; phòng chống cháy rừng; nghiên cứu thành công các quy trình kỹ thuật nhân giống cây gỗ lớn góp phần quan trọng vào trồng và tăng độ che phủ của rừng trên cả nước…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm quan khu triển lãm kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp
Bộ trưởng đánh giá cao các nghiên cứu cụ thể của nhà trường đã đưa ra những sản phẩm để cùng các thành phần kinh tế phát triển kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế lâm nghiệp như các giống cây mới về lâm nghiệp, hay những sản phẩm về nấm, những sản phẩm chế biến sâu về gỗ. Những sản phẩm này đã được các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hưởng ứng, đưa vào sử dụng. Trong lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, nhà trường đã phối hợp, hợp tác rất tốt, cho đến hiện nay60 các tổ chức, viện, trường nước ngoài liên kết với trường và 7 quốc gia đã cử học sinh, lưu học sinh sang kiến tập, đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng không chỉ trong nông nghiệp mà còn của nền kinh tế quốc dân. Lĩnh vực lâm nghiệp còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nếu biết khai thác lợi thế từ lâm sản có giá trị kinh tế cao. Hướng đến nền “kinh tế Xanh” phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu giải pháp then chốt là nguồn nhân lực. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương của Đảng, từ Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Đại học Lâm nghiệp cần đổi mới và sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ có những chương trình cụ thể về phát triển nguồn nhân lực đối với khu vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình với quyết tâm của nhà trường trong việc thực hiện 5 nhiệm vụ chính. Đối với những kiến nghị, Bộ trưởng giao các Vụ, đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu kỹ, phối hợp với trường báo cáo Bộ để giải quyết. “Hàng năm Bộ sẽ phối hợp với các thành phần kinh tế để huy động tiềm lực nghiên cứu khoa học, phối hợp tận dụng các cơ sở vật chất nguồn nhân lực sẵn có ở đây để làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu. Về công nghệ làm sao để trường có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới về phối hợp cùng với các thành phần kinh tế trong nước, cũng như các Viện trường khác để chuyển giao nhanh, tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để đưa vào ứng dụng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế lâm nghiệp hướng đến phát triển bền vững”.
Theo Bộ trưởng, thay vì dựa vào dự án, chương trình của nhà nước, chúng ta phải gắn bó chặt chẽ với các thành phần kinh tế xã hội, coi đó là điều kiện, ý tưởng thực hiện nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ đào tạo chúng ta đề ra. Chính vì thế, Bộ trưởng đã đặt hàng nhà trường nghiên cứu nhân mô giống trà hoa vàng và cây dừa. Đơn đặt hàng của Bộ trưởng đã nhận được những tràng vỗ tay dài hưởng ứng với mong muốn làm sao chuyển giao nhanh, tận dụng tốt nhất cơ hội của giai đoạn khoa học công nghệ 4.0 đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt về kinh tế lâm nghiệp.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao tặng 50 triệu đồng vào Quỹ khuyến học, khuyến tài của Trường Đại học Lâm nghiệp./.
Nguồn: omard.gov.vn