Ngày 1 tháng 12 năm 2011, tại phòng họp C, Nhà A2 trường Đại học Lâm nghiệp diễn ra Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ Nông nghiệp, chuyên ngành Di truyền, chọn giống cây lâm nghiệp, Mã số: 62 62 60 05 cho NCS. Trần Vinh với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis (Staunt) K.Koch) tại Việt Nam”.
Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Trường bao gồm 7 thành viên, Chủ tịch hội đồng là GS.TS Lê Đình Khả (Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); Phản biện 1 PGS.TS Nguyễn Huy Sơn (Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); Phản biện 2 PGS.TS Trần Minh Hợi (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật); Phản biện 3 PGS.TS Phạm Xuân Hoàn (Trường Đại học Lâm nghiệp); Ủy viên GS.TS. Nguyễn Xuân Quát (Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), PGS.TS Lưu Đàm Cư (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam); Thư ký TS. Bùi Thế Đồi (Đại học Lâm nghiệp).
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ đã đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn đề tài luận án của NCS. Trần Vinh. Luận án đã nghiên cứu một cách có hệ thống về đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống của cây Thủy tùng, Luận án là một trong những công trình hoàn thiện và đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về các giai đoạn nhân giống và bảo tồn cây Thủy tùng để là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn, sinh viên…
Hội đồng đã nhất trí đánh giá cao kết quả mà luận án đã đạt được với 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng đã ra Quyết nghị và kết luận đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis ( Staunt) K.Koch) tại Việt Nam” của NCS. Trần Vinh chuyên ngành Di truyền, chọn giống cây lâm nghiệp, mã số: 62.62.60.05 đã đáp ứng đầy đủ và xuất sắc yêu cầu của một luận án Tiến sĩ nông nghiệp và đề nghị Trường ĐHLN công nhận học vị và cấp bằng Tiến sĩ nông nghiệp cho NCS. Trần Vinh.
Luận án đã có những đóng góp mới hết sức quan trọng là cung cấp thông tin ban đầu về đặc điểm sinh học, sinh cảnh, đa dạng di truyền và nhân giống loài Thủy tùng ở Việt Nam. Luận án đã góp phần làm rõ tính bất thụ của hạt phấn và không có khả năng tái sinh tự nhiên, đồng thời làm rõ tính đa dạng di truyền thấp liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng như môi trường sống bị thu hẹp, kích thước quần thể nhỏ. Ngoài ra, luận án đã bước đầu làm rõ khả năng nhân giống sinh dưỡng, đặc biệt là kỹ thuật ghép Thủy tùng trên gốc ghép Bụt mọc (Taxodium distichum).
Thay mặt lãnh đạo trường ĐHLN, PGS.TS Trần Hữu Viên, Hiệu trưởng nhà trường đã chúc mừng NCS đã bảo vệ thành công đề tài với ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao. NCS Trần Vinh là NCS thứ 33 bảo vệ thành công luận án TS tại trường ĐHLN.