GIỚI THIỆU CÁC NGÀNH HỌC BẬC ĐẠI HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM

  1. NGÀNH CHẾ BIẾN LÂM SẢN (101) Kỹ sư ngành Công nghệ chế biến lâm sản (Forest product technology) được trang bị kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực: Đánh giá chất lượng nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ, ván nhân tạo, đồ gỗ, dầu thông, bột giấy…; Thiết kế và tổ chức thực…

  1. NGÀNH CHẾ BIẾN LÂM SẢN (101)

Kỹ sư ngành Công nghệ chế biến lâm sản (Forest product technology) được trang bị kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực: Đánh giá chất lượng nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ, ván nhân tạo, đồ gỗ, dầu thông, bột giấy…; Thiết kế và tổ chức thực hiện các loại hình công nghệ, chế tạo, sản xuất các sản phẩm gỗ, vật liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ gồm: Thiết kế được kết cấu và tính toán thành thạo các thông số công nghệ, kỹ thuật cho dây chuyền sản xuất ván nhân tạo; Pha chế và lựa chọn được dung dịch keo cho từng loại sản phẩm cụ thể; Lựa chọn được và biết pha chế một số loại thuốc bảo quản gỗ, có kỹ năng về phòng chống mối cho các công trình dân dụng; Thiết kế lắp đặt lò sấy gỗ; Quản lý và vận hành được dây chuyền thiết bị chế biến hóa lâm sản của loại hình công nghệ: Thiết kế được phân xưởng, dây chuyền công nghệ và thiết bị: sản xuất đồ gỗ, ván nhân tạo, trang sức bề mặt, xẻ gỗ, sấy gỗ, bảo quản lâm sản; có khả năng cải tiến, sửa chữa, lựa chọn máy và thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất và xu hướng phát triển; Sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa để thực hiện và mô tả các bản vẽ kỹ thuật về mặt bằng phân xưởng, máy thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế và thi công bản vẽ đồ gỗ theo yêu cầu. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: kỹ sư phụ trách công nghệ, thiết kế và sản xuất đồ gỗ; quản lý kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp chế biến gỗ, tre, nứa, song mây và lâm đặc sản khác; viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực Công nghiệp chế biến gỗ; các tổ chức kinh tế xã hội hoạt động liên quan đến các dự án về sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

     2. NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (102)

Kỹ sư ngành Công nghiệp phát triển nông thôn (Industry for Rural Development) được đào tạo về thiết kế, chỉ đạo thi công, quản lý sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô vừa và nhỏ; Có khả năng thiết kế, tổ chức thực hiện dây chuyền công nghệ khai thác – chế biến bảo quản nông lâm sản; Có khả năng thiết kế cải tiến, sử dụng, sửa chữa máy và thiết bị cơ điện. Sử dụng thành thạo một số phần mềm chuyên dùng trong xây dựng, cơ khí. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng công trình, lĩnh vực cơ khí và khai thác chế biến bảo quản nông lâm sản; Các công ty tư vấn thiết kế, xây dựng công trình; Các nhà máy cơ khí; Các công ty cơ điện; Các công ty công – nông – lâm nghiệp; Các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về lĩnh vực công nghiệp phát triển nông thôn.

     3. NGÀNH CƠ GIỚI HÓA (103)

Kỹ sư ngành Cơ giới hóa lâm nghiệp (Forestry Mechanization) được đào tạo về khả năng chỉ đạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ giới hóa nông lâm nghiệp; Thiết kế cải tiến được các thiết bị, máy móc chuyên dùng; Thử nghiệm, bảo trì và sửa chữa nhỏ các thiết bị và máy móc; Vận hành được Ôtô – Máy kéo và các máy lâm nghiệp chuyên dùng để trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch rừng; Sử dụng được một số phần mềm cơ khí phục vụ thiết kế máy như Cad, Inventor và Solidword …Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan, viện nghiên cứu, công ty, tổ chức về lĩnh vực cơ giới hóa nông lâm nghiệp. Đảm nhận các công việc thiết kế, chế tạo các chi tiết máy, vận hành, bảo trì, sửa chữa máy móc và thiết bị phục vụ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất Nông lâm nghiệp.

     4. NGÀNH THIẾT KẾ, CHẾ TẠO ĐỒ GỖ VÀ NỘI THẤT (104)

Kỹ sư ngành Thiết kế chế tạo đồ gỗ và nội thất (Furniture and Interior Design) được đào tạo lĩnh vực Thiết kế, chế tạo đồ gỗ và nội thất, thành thạo về phương pháp tính toán nguyên vật liệu theo yêu cầu của sản xuất đồ gỗ và công trình trang trí kiến trúc nội thất; Thiết kế được sản phẩm gỗ đáp ứng tốt công năng theo nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật; Thiết kế sản phẩm đồ gỗ thành thạo bằng máy vi tính; Thiết kế và tổ chức thi công được không gian nội thất nhà ở, không gian nội thất công cộng. Sử dụng thành thào các phần mềm đồ họa thiết kế. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trung tâm kiểm định chất lượng về lĩnh vực Chế biến Lâm sản sản với nhiệm vụ liên quan đến sản phẩm đồ gia dụng, vật liệu nội thất từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ; các cơ quan quản lý, nghiên cứu  về sản xuất chế biến lâm sản; các đơn vị thiết kế và thi công các công trình nội thất nhà ở và công cộng; các tổ chức kinh tế xã hội hoạt động liên quan đến các dự án về sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ

   5.  NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH (105)

Kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình (Civil Engineering) được đào tạo về lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, tổ chức thi công và quản lý sử dụng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình nhà dân dụng và công nghiệp. Kỹ sư kỹ năng về lập được mô hình tính toán, mô phỏng, phân tích và đánh giá được các vấn đề kỹ thuật để phục vụ thiết kế kết cấu công trình; Tham gia thiết kế kết cấu, giám sát, tư vấn, quản lý các dự án xây dựng; Lập được phương án tổ chức thi công, dự toán và tổ chức xây dựng công trình; Sử dụng được các phần mềm chuyên ngành để tính toán, thiết kế, quản lý và tổ chức thi công công trình; Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: các công ty tư vấn thiết kế, các cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế. Các công việc cụ thể: phân tích thiết kế kết cấu, kỹ sư giám sát và thi công, kỹ sư khai thác sử dụng các phần mềm ứng dụng trong xây dựng công trình; chuyên gia tư vấn, chuyên gia quản lý dự án, chuyên gia quản lý xây dựng.

     6. NGÀNH KỸ THUẬT CƠ KHÍ (106)

             Kỹ sư ngành Kỹ thuật cơ khí (Mechanical Engineering) được đào tạo công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo, thử nghiệm, bảo trì, vận hành, quản lý các thiết bị cơ khí. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí; Kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, sửa chữa  thiết bị; Kỹ năng về tổ chức quản lý điều hành; Tư vấn, kiểm tra, giám sát kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí; Có khả năng thiết kế quy trình công nghệ chế tạo chi tiết máy; Sử dụng được các thiết bị máy móc để gia công chi tiết máy; Sử dụng được một số phần mềm cơ khí phục vụ thiết kế máy như Cad, Inventor, Solidword và sử dụng được phần mềm CAM để gia công chi tiết máy trên các  máy  CNC. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quản lý, tổ chức về lĩnh vực cơ khí. Đảm nhận các công việc thiết kế, chế tạo các chi tiết máy và vận hành, bảo trì, sửa chữa ô tô máy kéo và các thiết bị động lực

     7. NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN (107)

             Kỹ sư ngành Hệ thống thông tin (Information systems), được đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Thiết kế, xây dựng, quản trị được các hệ thống thông tin phục vụ cho việc quản lý kinh tế, hành chính và dịch vụ. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về lập trình, quản trị hệ thống công nghệ thông tin, quản lý các dự án về CNTT; Nắm vững các ngôn ngữ lập trình và lập trình cho máy tính, kiến thức kiến trúc máy tính, kiến thức về các hệ thống thông tin, các ứng dụng của Công nghệ Thông tin; Cơ sở dữ liệu, mạng máy tính và truyền thông. Phân tích, thiết kế, xây dựng các hệ thống thông tin. Quản trị mạng và quản trị các hệ thống thông tin, Quản lý các dự án CNTT. Kỹ năng phân tích, thiết kế, triển khai, quản trị được các hệ thống thông tin trong các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT hoặc có ứng dụng CNTT. Sử dụng thành thạo, bảo trì tốt hệ thống CNTT; Nghiên cứu và triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin ở các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

             Vị trí việc làm: đảm nhận tốt các vị trí là cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lập trình, quản trị hệ thống công nghệ thông tin, quản lý các dự án về CNTT trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Nghiên cứu, giảng dạy về công nghệ thông tin tại các Viện, Trung tâm và các Cơ sở đào tạo.

     8. NGÀNH LÂM HỌC (301)

Kỹ sư ngành Lâm học (silviculture) được đào tạo về lĩnh vực sinh thái tài nguyên và môi trường, thiết kế, chỉ đạo thực hiện các công trình xây dựng và phát triển rừng; điều tra, đánh giá tài nguyên rừng, quy hoạch lâm nghiệp và quản lý sử dụng tài nguyên, thiên nhiên và môi trường; nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ lâm nghiệp. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức thực hiện giải pháp kỹ thuật và tạo rừng, phục hồi, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng,  nông lâm kết hợp, khai thác và sử dụng lâm sản đối với từng loại rừng ở các vùng kinh tế sinh thái khác nhau; Phương pháp tổ chức và thực hiện các công việc điều tra, đánh giá tài nguyên rừng, quy hoạch lâm nghiệp và xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp; Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học chuyên ngành và văn phòng; thành thạo tin học văn phòng và tin học ứng dụng trong lâm nghiệp. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan kiểm lâm, cảnh sát môi trường, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn các cấp. Các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và tư vấn các cấp về lâm nghiệp, sinh thái, tài nguyên và môi trường. Các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

   9. NGÀNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG (302)

Kỹ sư ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (Forestry Recources and Environment Management – FREM) được đào tạo chuyên về lĩnh vực quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường có kiến thức sâu về tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên nên là nguồn lực chính của ngành kiểm lâm, của các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại cây lâm nghiệp, quản lý lưu vực, quản lý môi trường nông thôn. Kỹ sư ngành QLTNR&MT có kỹ năng kiến thức về phân loại và nhận biết các loài thực vật, động vật, côn trùng và vật gây bệnh cây rừng; Điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến tài nguyên rừng bao gồm tài nguyên thực vật, động vật, côn trùng, nấm, vi sinh vật. Điều tra, đánh giá xói mòn đất và nguồn nước vùng đầu nguồn; Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án quản lý tài nguyên rừng, quản lý lưu vực, quản lý môi trường phục vụ công tác: Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài nguy cấp; Bảo vệ thực vật; Phòng chống xói mòn và điều hoà nguồn nước cho vùng đầu nguồn; Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý lửa rừng; Có kiến thức cơ bản về luật pháp, chính sách phục vụ công tác bảo vệ TNR&MT; Sử dụng thành thạo tin học ứng dụng trong xử lý số liệu và nghiên cứu khoa học. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Cơ quan quản lý tài nguyên rừng và môi trường các cấp như Cục Kiểm lâm, Cục Lâm Nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cuc Bảo tồn Đa dạng sinh học… Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về Lâm nghiệp, Môi trường. Cảnh sát môi trường các cấp. Các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ như WWF, ENV, BirdLife, IUCN, SNV, FFI.

     10. NGÀNH LÂM NGHIỆP XÃ HỘI (303)

Kỹ sư ngành Lâm nghiệp xã hội (Social forestry) được đào tạo thuộc lĩnh vực Lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về thiết kế, triển khai, giám sát và đánh giá được các dự án Lâm nghiệp xã hội/ Lâm nghiệp cộng đồng và phát triển nông thôn; Thiết kế, tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nông lâm nghiệp cho cộng đồng; Hỗ trợ và thúc đẩy được các hoạt động sản xuất lâm nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân và cộng đồng; Sử dụng thành thạo các công cụ/dụng cụ phổ biến trong truyền thông và làm việc với cộng đồng. Tự tin và thành thạo trong báo cáo và truyền thông; Có kiến thức hành chính và luật pháp trong nông lâm nghiệp và các chính sách phát triển nông thôn; Thành thạo tin học văn phòng và các phần mềm thống kê trong lâm nghiệp. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: các công ty tư vấn kỹ thuật nông lâm nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn, các doanh nghiệp và tổ chức về nông lâm nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học- công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể như: cơ quan khuyến nông – khuyến lâm, cơ quan quản lý nhà nước về nông lâm nghiệp các cấp, Ban Dân tộc, Ban Định canh định cư, ban quản lý các dự án nông lâm nghiệp và PTNT, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, các trung tâm nghiên cứu chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ trong nông lâm nghiệp từ Trung ương đến cơ sở.

    11. NGÀNH LÂM NGHIỆP ĐÔ THỊ (304)

Kỹ sư ngành Lâm nghiệp đô thị (Urban Forestry) được đạo tạo chuyên về lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, quản lý, chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật xây dựng và phát triển các công trình cây xanh đô thị. Kỹ sư Lâm nghiệp đô thị có kỹ năng kiến thức về tư vấn kỹ thuật cây xanh đô thị, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý giám sát các công trình cảnh quan và cây xanh đô thị; Phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn và yêu cầu của xã hội về cây xanh đô thị, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý cảnh quan và cây xanh đô thị; Thành thạo tin học văn phòng và tin học ứng dụng chuyên ngành (Autocad, 3ds.Max, Photoshop). Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quy hoạch, thiết kế xây dựng và phát triển đô thị; Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cây xanh đô thị và môi trường. Các công ty công viên và cây xanh đô thị, vườn thực vật, vườn quốc gia, khu du lịch, các khu danh thắng, di tích. Các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ về lâm nghiệp đô thị. Các doanh nghiệp tư vấn quy hoạch, thiết kế cảnh quan.

    12. NGÀNH NÔNG LÂM KẾT HỢP (305)

Kỹ sư ngành Nông lâm kết hợp (Agroforestry) có trình độ khoa học kỹ thuật tổng hợp, liên ngành về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và các kỹ năng để tổ chức thực hiện các công việc khuyến nông, phát triển nông thôn và phát triển cộng đồng. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi một số đối tượng cây trồng và vật nuôi chủ yếu. Kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc; Thực hiện tốt các kỹ thuật cơ bản trong lâm sinh và trồng rừng; Thiết kế và xây dựng các hệ thống Nông lâm kết hợp phù hợp; Tư vấn, giám sát và đánh giá các hệ thống Nông lâm kết hợp và dự án về sản xuất nông, lâm nghiệp & phát triển nông thôn; Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp, lâm nghiệp và NLKH; Sử dụng thành thạo các công cụ/dụng cụ phổ biến trong truyền thông và làm việc với cộng đồng. Tự tin và thành thạo trong trình bày báo cáo trước đám đông; Thành thạo tin học văn phòng và một số phần mềm tin học ứng dụng trong nông, lâm nghiệp. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Cơ quan quản lý nhà nước về nông lâm nghiệp và PTNT các cấp. Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo về nông, lâm nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp. Ban dân tộc miền núi, Ban định canh định cư, tổ chức kinh tế, xã hội và đoàn thể các cấp. Ban quản lý các dự án nông – lâm nghiệp, phát triển nông thôn và cộng đồng.

   13. NGÀNH KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG (306)

Cử nhân ngành Khoa học môi trường (Environmental sciences) được đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu về quản lý bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên, dịch vụ môi trường….. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về khoa học môi trường và tài nguyên thiên nhiên; Phân tích, đánh giá được các chỉ tiêu môi trường chủ yếu; Áp dụng được một số công nghệ phổ biến trong quản lý môi trường; Có khả năng đề xuất, lựa chọn mô hình xử lý ô nhiễm môi trường; Có khả năng đánh giá và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, có khả năng đề xuất phương án quy hoạch môi trường cho một khu vực cụ thể; Có khả năng thiết kế một số công trình bảo vệ môi trường và sinh thái cảnh quan; Biết phân tích và đánh giá tác động môi trường của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; Nguyên tắc và trình tự thực hiện quy hoạch môi trường; Biết thu thập thông tin và vận dụng các phương pháp tiếp cận công cụ Quản lý môi trường để giải quyết các vấn đề môi trường. Có khả năng áp dụng và triển khai các văn bản pháp quy, tiêu chuẩn môi trường của Nhà nước trong bảo vệ môi trường; Có kiến thức về tin học ứng dụng trong xử lý văn bản, xử lý số liệu nghiên cứu khoa học. Sử dụng các phần mềm ứng dụng phổ biến trong quản lý môi trường. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ khoa học và công nghệ như cảnh sát môi trường…..Cơ quan đào tạo, nghiên cứu về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên, dịch vụ môi trường…..

     14. NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC (307)

Kỹ sư ngành Công nghệ sinh học (Biotechnology) được đào tạo về lĩnh vực công nghệ sinh học để ứng dụng vào các hoạt động khoa học- công nghệ trong Lâm-Nông- Ngư nghiệp và bảo vệ môi trường. Kỹ sư thành thạo kỹ năng kiến thức về nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy mô- tế bào; nuôi cấy bao phấn/hạt phấn; nuôi cấy phôi và chuyển gen thực vật; Nhân giống và nuôi trồng nấm ăn – nấm dược liệu; Tách chiết axit nucleic; phân lập và tạo dòng gen; tạo ADN tái tổ hợp; biến nạp gen; biểu hiện gen; kiểm tra sinh vật biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen; chọn giống bằng chỉ thị phân tử; chẩn đoán bệnh; phân tích đa dạng di truyền; Phân lập, nuôi cấy và bảo quản vi sinh vật; lên men công nghiệp; tách chiết, thử nghiệm, sản xuất các chất và các chế phẩm có hoạt tính sinh học; Triển khai sản xuất một số sản phẩm công nghệ sinh học như: cây con in vitro, nấm ăn và nấm dược liệu, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh xử lý môi trường; Tư vấn, chuyển giao và giám sát một số quy trình kỹ thuật công nghệ sinh học phục vụ phát triển Lâm – Nông nghiệp và bảo vệ môi trường; Tư vấn các thiết bị và dây chuyền công nghệ liên quan đến Công nghệ sinh học và sản phẩm công nghệ sinh học; Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng và chuyên ngành. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các doanh nghiệp giống cây trồng Lâm- Nông nghiệp; sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; bảo quản, chế biến Lâm-Nông sản và xử lý ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp sinh học. Các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo các cấp về Công nghệ sinh học, Sinh học thực nghiệm và Giống cây trồng. Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp có liên quan đến Công nghệ sinh học và Giống cây trồng. Các đơn vị thương mại dịch vụ trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Giống cây trồng.

   15. NGÀNH KHUYẾN NÔNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (308)

Kỹ sư ngành Khuyến nông và phát triển nông thôn (Extension and rural development) được đào tạo tổng hợp về lĩnh vực kỹ thuật nông, lâm nghiệp, thủy sản và khuyến nông – phát triển nông thôn. Kỹ sư có kỹ năng kiến thức về tổ chức, quản lý và thực hiện các hoạt động khuyến nông (tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu); Phân tích tổng hợp, tổ chức thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật công nghệ và tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hộ gia đình và cộng đồng; Kỹ năng tư vấn, dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của hộ gia đình và cộng đồng; Thiết kế, triển khai dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn; Sử dụng thành thạo tin học văn phòng và tin học ứng dụng xử lý số liệu chuyên ngành. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Cơ quan chuyên ngành: cơ quan khuyến nông, khuyến lâm các cấp, các hợp tác xã nông lâm nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông – lâm nghiệp các cấp, Ban dân tộc miền núi, Ban định canh định cư, tổ chức kinh tế – xã hội, đoàn thể các cấp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông – lâm nghiệp. Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông lâm nghiệp. Cơ quan, tổ chức như Ban quản lý dự án phát triển nông thôn, các tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

    16. NGÀNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Chương trình tiên tiến ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources Management) được đào tạo với sự tham gia toàn diện của trường Đại học tổng hợp Colorado – Hoa Kỳ. Mỗi Khóa học kéo dài 4 năm, học bằng tiếng Anh.

Ngành học này tập trung vào việc trang bị cho sinh viên: 1) một chương trình khoa học cốt lõi về sinh học, khoa học tự nhiên và xã hội; 2) một nền tảng kiến thức rộng về khoa học quản lý tài nguyên thiên nhiên; 3) các chuyên môn hoá phù hợp cho việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng: (i)- Thể hiện tốt các kiến thức và kỹ năng về khoa học tài nguyên thiên nhiên bằng lời và bằng các văn bản, bài viết bằng tiếng Anh; (ii)- Có khả năng tham gia vào các chương trình nằm ngoài chuyên môn hoá của họ. Sinh viên đồng thời có khả năng hiểu biết và nắm vững một số vấn đề cơ bản về khoa học và kỹ thuật phân tích xã hội; (iii)- Có một kiến thức toàn diện về các lĩnh vực liên quan và phù hợp với khoa học quản lý tài nguyên thiên nhiên; Có khả năng làm việc bằng tiếng Anh với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cơ hội nghề nghiệp: Chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có đủ kiến thức để theo đuổi một nghề nghiệp nào đó mà họ mong muốn trong rất nhiều lĩnh vực đáng quan tâm. Họ có thể làm việc như các nhà quản lý rừng chuyên nghiệp, làm việc cho các tổ chức trong nước và quốc tế về tài nguyên. Họ có thể tham gia hoặc thực hiện một cách độc lập các công việc cụ thể như quy hoạch sử dụng đất, kỹ thuật tin học, luật, quản lý bất động sản, công tác thanh niên, truyền thông tài nguyên, phục hoá vùng mỏ, quản trị kinh doanh, thực thi luật pháp hoặc sinh học bảo tồn…

17. NGÀNH LÂM NGHIỆP (310)

Kỹ sư ngành Lâm nghiệp (Forestry) được đào tạo kiến thức tổng hợp thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng (tạo, phục hồi rừng, khai thác, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng). Kỹ sư được đào tạo kỹ năng kiến thức kỹ thuật chuyên ngành cơ bản  lâm học và quản lý tài nguyên rừng về tạo rừng, phục hồi, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng, nông lâm kết hợp, lâm sản, đa dạng sinh học, phòng chống sâu bệnh và lửa rừng ; Thành thạo phương pháp điều tra, đánh giá tài nguyên rừng (động, thực vật), sâu bệnh và lửa rừng; Thiết kế các công trình lâm sinh, bảo vệ rừng; Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Tin học văn phòng và tin học ứng dụng chuyên ngành trong lâm nghiệp. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quản lý nhà nước về nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn các cấp. Các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và tư vấn các cấp về nụng lâm nghiệp. Các doanh nghiệp Lâm nghiệp. Các tổ chức quốc tế, phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nụng lâm nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường .v.v.

     18. NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH (401)

Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh (Business Management) được đào tạo kỹ năng kiến thức về: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh; Tổ chức chỉ đạo thực hiện được các phương án và kế hoạch sản xuất; Giám sát, phân tích, đánh giá được quá trình và kết quả sản xuất kinh doanh; Sử dụng được một số phương tiện công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn; Nghiên cứu, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp; Tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động marketing; Thành thạo tin học văn phòng, Quản trị cơ sở dữ liệu và tin học ứng dụng trong Quản trị. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế từ Trung ương tới địa phương. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các cơ quan đào tạo và nghiên cứu về Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Các ban quản lý dự án đầu tư và dự án phát triển nông thôn. Các trang trại Nông – Lâm nghiệp.

     19. NGÀNH KINH TẾ (402)

Cử nhân ngành Kinh tế (Economics) được đào tạo chuyên môn về kinh tế, có khả năng phân tích, hoạch định chính sách, quản lý và giải quyết các vấn đề về kinh tế ở các cấp khác nhau của nền kinh tế – xã hội. Cử nhân có kỹ năng kiến thức Phân tích và đưa ra được chính kiến của mình về tính đúng đắn, khả thi của các chính sách vĩ mô của chính phủ về quản lý tài nguyên; Tham gia được một cách độc lập vào quá trình xây dựng chương trình, dự án nhỏ về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, từ xác định mục tiêu, phân tích nhu cầu và khả năng, các nhân tố ảnh hưởng, đề xuất giải pháp thực hiện; Lập được kế hoạch thực hiện các chương trình/dự án nhỏ về về quản lý, sử dụng tài nguyên; Thực hiện được kỹ thuật giám sát, đánh giá quá trình thực thi chương trình, dự án về quản lý sử dụng tài nguyên; Thực hiện được các phương pháp chủ yếu để định giá một khu tài nguyên; Thực hiện được các nghiệp vụ quản trị sản xuất, quản trị tài chính, quản trị tiêu thụ sản phẩm; Thực hiện được các phần hành kế toán doanh nghiệp. Sử dụng thành thạo tin học văn phòng và phần mềm thống kê thông dụng: STATA, EVIEW, SPSS. Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

Vị trí việc làm: Các sở chuyên môn, địa chính, tài chính, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp, tài nguyên môi trường ở các tỉnh, phòng kế hoạch, kinh tế ở các huyện. Các viện nghiên cứu kinh tế, viện nghiên cứu liên quan đến nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn, các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành kinh tế. Các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu. Các dự án phát triển, các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế.

     20. NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI (403)

Kỹ sư ngành Quản lý đất đai (Land management) được đào tạo lĩnh vực quản lý đất đai có kiến thức chuyên môn hiện đại và năng lực quản lý sử dụng đất đai và tài nguyên môi trường.  Kỹ sư được đào tạo kỹ năng kiến thức:

– Công nghệ địa chính (đo đạc, thành lập bản đồ số, GIS và viễn thám và hệ thống định vị toàn cầu): có khả năng đo vẽ, chỉnh lý, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành quản lý đất đai (bản đồ quy hoạch đất đai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ địa chính), trích đo thửa đất, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất;

– Quản lý Nhà nước về đất đai: Nắm được các văn bản luật liên quan đến quản lý tài nguyên đất của các cơ quan Trung ương để xây dựng các văn bản và chính sách đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương; Lập, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính; Có khả năng thống kê, kiểm kê đất đai các cấp; Đánh giá được tiềm năng đất đai, hiện trạng sử dụng đất và xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đô thị và khu dân cư.

– Thị trường bất động sản: Có khả năng định giá các loại đất và bất động sản gắn liền với đất; Có khả năng tư vấn, môi giới về bất động sản, quản lý, điều hành các sàn giao dịch bất động sản, xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

– Tin học: Thành thạo tin học văn phòng và sử dụng thành thạo phần mềm chuyên ngành như MapInfor, MicroStation, ArcGiS, Vilis… phục vụ công tác quản lý đất đai và tài nguyên – môi trường.

Vị trí việc làm: các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến địa phương; tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ tại các Trường đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nguyệp, các Viện Nghiên cứu, Trung tâm, Tập đoàn, Công ty liên quan đến quản lý đất đai, đo đạc – bản đồ, tài nguyên và môi trường.

 

 

     21. NGÀNH KẾ TOÁN (404)

Cử nhân ngành Kế toán (Accounting) được đào tạo để thực hiện các công việc về kế toán – tài chính trong các loại hình doanh nghiệp và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Cử nhân ngành Kế toán được đào tạo kỹ năng kiến thức chuyên môn về:

– Kế toán: kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán ngân sách, kiểm toán, thuế…

– Tài chính: tài chính doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán, thanh toán quốc tế…

– Thống kê, phân tích: thống kê doanh nghiệp, thống kê kinh doanh, phân tích hoạt động kinh doanh…

– Nắm được các văn bản pháp quy về tài chính, kế toán của Việt Nam.

– Ngoại ngữ: Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

– Tin học: Sử dụng thành thạo tin học văn phòng, ứng dụng tin học trong kế toán và trong quản lý.

Vị trí việc làm: các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kinh doanh dịch vụ, ngân hàng, cơ quan tài chính, kiểm toán… các cơ quan nghiên cứu, đào tạo. Chuyên gia, tư vấn và các công việc độc lập về kế toán, kiểm toán, tài chính.

     22. NGÀNH KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (405)

Cử nhân ngành Kinh tế tài nguyên và môi trường (Natural Resource and Environmental economics) được đào tạo chuyên môn về kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, có khả năng phân tích, hoạch định chính sách, quản lý và giải quyết các vấn đề về kinh tế tài nguyên môi trường ở các cấp khác nhau của nền kinh tế. Cử nhân ngành KTTN&MT được đào tạo kỹ năng kiến thức chuyên môn về:

– Phân tích và đưa ra được chính kiến của mình về tính đúng đắn, khả thi của các chính sách vĩ mô của chính phủ về quản lý tài nguyên môi trường

– Tham gia được một cách độc lập vào quá trình xây dựng chương trình, dự án nhỏ về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên môi trường, từ xác định mục tiêu, phân tích nhu cầu và khả năng, các nhân tố ảnh hưởng, đề xuất giải pháp thực hiện.

– Lập được kế hoạch thực hiện các chương trình/dự án nhỏ về về quản lý, sử dụng tài nguyên môi trường.

– Thực hiện được các kỹ thuật giám sát, đánh giá quá trình thực thi chương trình, dự án về quản lý sử dụng tài nguyên môi trường.

– Thực hiện được các phương pháp chủ yếu để  định giá một khu tài nguyên cụ thể.

– Thực hiện được các nghiệp vụ quản trị sản xuất, quản trị tài chính, quản trị tiêu thụ sản phẩm.

– Thực hiện được các phần hành kế toán doanh nghiệp

– Sử dụng thành thạo Microsoft Word, Excel, Power Point và ít nhất một trong ba phần mềm thống kê thông dụng: STATA, EVIEW, SPSS

– Trình độ tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC.

.           Vị trí việc làm: Các cơ quản quản lý nhà nước về kinh tế, kinh tế lâm nghiệp và tài nguyên và môi trường. Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

………………………………………….