Hội thảo “Mạng lưới các trường Đại học đào tạo về Biến đổi khí hậu và REDD+ tại Việt Nam” lần thứ II

Sau thành công của hội thảo lần thứ I, với sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD Việt Nam và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong 02 ngày 21 – 22/6/2018, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Mạng lưới các trường Đại học đào tạo về Biến đổi khí hậu và REDD+ tại Việt Nam” lần thứ II.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; bà Dechen Tsering – Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP); bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Chánh văn phòng REDD+ Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Phương – Chuyên gia UNEP; đại diện các trường: Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Nông lâm Thái Nguyên; các giảng viên tham gia xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về REDD+ và học viên cao học lớp QL25B1.1 và QL25B1.2 ngành Quản lý tài nguyên rừng.

Hội thảo nhằm mục đích tổng kết, đánh giá các hoạt động của Mạng lưới các trường đại học đào tạo về biến đổi khí hậu và REDD+ tại Việt Nam, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc lồng ghép kiến thức về Biến đổi khí hậu và REDD+ trong chương trình đào tạo và nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hoạt động của Mạng lưới trong thời gian tới và thực hiện sinh hoạt học thuật cho học viên cao học.

Trong 02 năm thực hiện chương trình, các giảng viên, chuyên gia Trường Đại học Lâm nghiệp và các trường trong mạng lưới đã tiếp tục xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu giảng dạy về REDD+; tiến hành giảng dạy seminar hoàn chỉnh tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tính tới nay đã có 116 giảng viên và 80 cán bộ, học viên được đào tạo các nội dung trong bộ tài liệu giảng dạy về REDD+.

GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã nêu tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về ứng phó với Biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết lồng ghép kiến thức về Biến đổi khí hậu và REDD+ trong mạng lưới các trường đại học có đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực lâm nghiệp.

Bà Dechen Tsering – Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát biểu

Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các chuyên gia và giảng viên của Trường Đại học Lâm nghiệp và các trường trong mạng lưới trong việc xây dựng và đưa chương trình lồng ghép kiến thức REDD+ vào chương trình đào tạo. Bà Dechen Tsering – Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: Đây là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh các nước Châu Á và thế giới đang nỗ lực tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, do vậy việc tổ chức những khóa học nhằm tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu là rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Bà cũng mong muốn thông qua Hội thảo các chuyên gia, các giảng viên tích cực đóng góp ý kiến, đưa ra những đề xuất xây dựng hoàn thiện để chương trình tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, chánh văn phòng REDD+ Việt Nam phát biểu

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Chánh văn phòng REDD+ Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình với sự tham gia tích cực của các trường đại học trong mạng lưới, đồng thời tin tưởng với những kết quả đã đạt được và sự tham gia tích cực của các trường đại học trong mạng lưới chương trình tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Đại diện các trường trong mạng lưới khẳng định sẽ tiếp tục tham gia xây dựng và hoàn thiện chương trình; đánh giá cao tính thực tiễn, hữu ích và ý nghĩa quan trọng của chương trình trong lồng ghép vào chương trình đào tạo tại các trường nhằm nâng cao nhận thức của người học về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đồng thời đưa ra các đề xuất xây dựng hoàn thiện chương trình trong thời gian tới.

Một số ý kiến phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bên cạnh việc tổng kết đánh giá các hoạt động đã thực hiện thời gian qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận góp ý trực tiếp cho Bộ tài liệu REED+ của các trường thành viên trong mạng lưới, xây dựng kế hoạch chương trình trong năm tiếp theo… Hội thảo cũng đã nghe giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp trình bày nội dung 12 chủ đề của bộ tài liệu REDD+ Academy. Trong nội dung chương trình Hội thảo, các đại biểu sẽ có buổi làm việc thực tế với Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai và tham quan mô hình PRAP, SiRAP.

PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng phát biểu

Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Lãnh đạo Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp Trung ương, đại diện các trường tham gia, các chuyên gia tham dự và góp ý cho Hội thảo. Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua; những ý kiến góp ý, đề xuất tại Hội thảo sẽ là cơ sở để các trường tham gia dự án nghiên cứu, đẩy nhanh tiến trình xây dựng hoàn chỉnh khung chương trình đào tạo về biến đổi khí hậu và REDD+ để đưa vào chương trình giảng dạy sau đại học tại các trường trong mạng lưới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Qua đây, Phó Hiệu trưởng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tư vấn giúp đỡ của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các chuyên gia và giảng viên các trường trong mạng lưới để hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu về biến đổi khí hậu và REDD+ tại Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực lâm nghiệp cho đất nước.