HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH ĐÓ VỚI VIỆC GIẢNG DẠY KHOA HỌC MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Ngày 7.11.2006 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và tháng 2 năm 2007 Việt Nam mới ra nghị quyết thông báo về tiến trình hội nhập đó. Với những sự kiện đó, Việt Nam chúng ta đã chính thức hội nhập vào toàn cầu hoá.. Việt…

Ngày 7.11.2006 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và tháng 2 năm 2007 Việt Nam mới ra nghị quyết thông báo về tiến trình hội nhập đó. Với những sự kiện đó, Việt Nam chúng ta đã chính thức hội nhập vào toàn cầu hoá.. Việt Nam chúng ta được ví giống như một con thuyền nhỏ đang giăng buồm ra biển lớn. Tham gia lộ trình toàn cầu hoá được xác định là chúng ta sẽ có nhiều cơ hội và cũng gặp không ít khó khăn thử thách trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại, hội nhập chủ yếu được xác định là diễn ra trên lĩnh vực kinh tế, song quá trình đó sẽ không dừng lại ở đó, nó còn tuỳ thuộc vào diễn biến của quá trình toàn cầu hóa. Nếu như quá trình hội nhập chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, song như trên chúng ta đã đề cập, toàn cầu hoá là một quá trình hết sức mạnh mẽ mà không loại trừ các lĩnh vực khác. Vấn đề đặt ra làm sao tận dụng được cơ hội loại trừ được nguy cơ thách thức khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình đó.

          Trong lĩnh vực giáo dục, để đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường nhân lực mang tính quốc tế, thì đòi hỏi giáo dục phải có rất nhiều thay đổi. Bởi bản thân giáo dục đào tạo vừa là một kênh tham gia toàn cầu hoá, vừa là lĩnh vực đào tạo những con người để làm tốt công việc giao lưu hợp tác, đối ngoại quan hệ trên nhiều lĩnh vực ở bình diện quốc tế. Thành công trên hội nhập giáo dục là cơ sở để tiến hành một sự hội nhập sâu rộng và bền vững, chứng tỏ năng lực giao hoà và phát triển của con người Việt Nam. Nước ta thực hiện hội nhập sâu rộng vào thế giới thì giáo dục đào tạo càng đóng vai trò, trách nhiệm to lớn và sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức. Rồi đây việc giáo dục lý luận Mác – Lênin sẽ như thế nào, đó là một điều quan ngại chính đáng, bởi lẻ khi thực hiện giáo dục có tính hội nhập, đảm bảo năng lực hội nhập thì trong đó lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một khuôn viên đóng kín để có khả năng loại trừ những tác động ảnh hưởng từ bên ngoài. Việt Nam phải giải quyết bài toán là làm sao để đạt trình độ thế giới, tức là phải ‘chuẩn hoá’, ‘hiện đại hoá’, ‘chuyên môn hoá’, ‘quốc tế hoá’ vừa phải xây dựng được giữ được một nền giáo dục với dấu ấn Việt Nam với những nét truyền thống và hệ giá trị xã hội chủ nghĩa. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai những nhà giáo, mà trước hết theo chúng tôi những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị – tư tưởng đóng vai trò không nhỏ.

2. Những thuận lợi và khó khăn đối với việc giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

          Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Lẽ đương nhiên, các môn lý luận khoa học Mác – Lênin là môn học lý luận cơ bản và cần thiết trong các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

          Nếu trước đây, ‘ta với ta’ thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Nay chơi với thế giới, với ‘khác ta’, ta vấp phải không ít trở ngại buộc ta phải nhìn lại việc tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực sự hiệu quả chưa, trong khi đời sống xã hội đang đặt ra những vấn đề đáng quan ngại về tư tưởng đạo đức, lối sống. Chúng ta phải xem xét về cả phương diện thuận lợi và khó khăn thách thức mới có thể tìm ra các giải pháp hữu hiệu.

          Trước hết nói về mặt thuận lợi.

          – Ngày trước, chúng ta tuyên truyền giáo dục cho mình trong điều kiện khác, bây giờ cũng vẫn thế nhưng trong điều kiện khác. Trong điều kiện mới đó nếu làm tốt chúng ta sẽ có điều kiện tuyên truyền ra cả bên ngoài sâu rộng hơn với bạn bè thế giới. Qua các cuộc trao đổi khoa học ngày càng tăng, ta sẽ có dịp cho thế giới thấy được giá trị khoa học của hệ tư tưởng mà chúng ta đang theo đuổi, ta có dịp tuyên truyền quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định giá trị đó trên một tầm độ cao hơn.

          – Tham gia nền kinh tế quốc tế, chúng ta có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, song sự phát triển của chúng ta tiến bộ hơn là đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội bảo vệ mội trường, môi sinh, đó là thời cơ để ta khẳng định giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Rằng chúng ta đúng khi đứng trên nền tảng tư tưởng đó mà hành động.

          – Tham gia toàn cầu hoá, giao lưu về văn hoá, chuyển mình vào dòng chảy của tư duy và thực tiễn của nhân loại, những người làm công tác lý luận, giáo dục lý luận ở Việt Nam có dịp thâu nhận những tinh hoa của thế giới, có dịp mở rộng đối sánh , điều này rất quan trọng và cần thiết, như Lênin đã từng nói: Những người cộng sản cần làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ trí tuệ của nhân loại. Như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện bổ sung chủ nghĩa Mác bằng thực tiễn sinh động lên một tầm cao mới mà không lo lạc hậu hay lỗi thời.

          – Trong một bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập, sinh viên việt Nam ngày nay năng động hơn, thông minh hơn, những băn khoăn của các em buộc các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trăn trở tìm tòi đào sâu suy nghĩ nâng cao trình độ, hiểu biết phong phú. Trong điều kiện đó sẽ không cho phép các thầy cô giáo được phép chủ quan, áp đặt, nhồi nhét với sinh viên.

          Mặt khó khăn, thách thức.

          Cũng cần phải thấy rằng, không phải khi hội nhập Việt Nam mới nói đến những thách thức và lo đến những tác động ảnh hưởng. Và cũng không phải riêng Việt Nam mới lo chuyện tác động hay ảnh hưởng.

          Gần đây, trong Hội thảo Quốc tế ‘Giảng dạy Triết học trong bối cảnh Châu Á’ được tổ chức tại Manila 2, 2004, các học giả tiêu biểu của của Châu Á đã trình bày nhiều vấn đề quan tâm, trong các vấn đề đó có một số vấn đề liên quan đến yếu tố chính trị và bản sắc văn hoá như;

– Sự tấn công mạnh mẽ của hiện đại hoá, hoặc phương Tây hoá.

– Tác động thách thức của toàn cầu hoá đối với triết học.

– Làm thế nào để làm giàu tư duy triết học của chúng ta với triết học Phương Tây mà không bị trói buộc bởi các phạm trù của nó….

          Những vấn đề quan tâm trên đây trong hội thảo đó cũng sẽ là vấn đề chúng ta phải quan tâm khi chúng ta một nước truyền thống châu Á và thuộc hệ thống chủ nghĩa xã hội  hội nhập kinh tế quốc tế.

          Và theo nhà nghiên cứu Phạm Minh Hạc, không phải là mình là một nước xã hội chủ nghĩa mới lo đến tư tưởng chính trị mà cả thế giới đều lo vấn đề này. Nhiều nước còn buộc sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự trước lúc vào trường đại học.

          Đối với tình hình cụ thể Việt Nam, theo chúng tôi  sẽ có một số những khó khăn, thách thức như sau:

          Hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ có điều kiện tiếp cận với một nền giáo dục với những cơ sở triết lý đa dạng. và giáo dục quốc tế sẽ nhảy vào đầu tư, khai mở ‘thị trường’ giáo dục ở Việt Nam, tất yếu sẽ phát sinh sự va chạm giữa yếu tố nước ngoài với yếu tố Việt Nam. Những trường quốc tế, những trường do Việt kiều đầu tư có xu hướng đào tạo cái mà thị trường cần, chú trọng đào tạo kỹ thuật tay nghề phục vụ thì trường nhân lực mà ít chú trọng về giáo dục lý luận chính trị tư tưởng. Áp ực về giảm tải các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đây đang là một thách thức đối với giáo viên Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà quản lý giáo dục….

          Tham gia kinh tế quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh các quan hệ kinh tế lành mạnh, cùng có lợi thì có không ít hoạt động núp dưới danh nghĩa kinh tế để vì lợi ích chính trị, lợi ích giai cấp. Những hoạt động chống đối tuyên truyền của các thế lực thù địch phản động trong bối cảnh công nghệ truyền thông đa năng, đa chiều có chiều hướng tăng lên đã tác động không nhỏ vào tâm lý, tư tưởng hoc sinh, sinh viên, làm cho công tác giáo dục tư tưởng lý luận khó khăn hơn gấp bội, khó khăn nhất là khi đi vào chiều sâu. Các thế lực thù địch vẫn xác đinh, thanh niên sinh viên là những lực lượng chính là một trong những mũi nhọn để thực hiện các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều năm qua các thế lực thù địch đã dùng nhiều phương tiện, thủ đoạn để tác động vào đối tượng này. Do vậy, một số thanh niên đã phai nhạt lý tưởng mà một số người gọi là chứng ‘nhạt đảng, khô đoàn, chán chính trị’. Điều tra tư tưởng sinh viên thấy có một hiện tượng đáng lo ngại, một số đông sinh viên học để sẵn sàng sang nước ngoài làm việc.

          Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương về ‘Tác động của các quan điểm, hành động sai trái, thù địch tới tâm trạng, thái độ cán bộ, đảng viên và nhân dân’ thì có tới 33% đối tượng cán bộ, 45% đối tượng nhân dân được hỏi trả lời rằng, các thông tin xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo của các thế lực thù địch, các tổ chức người Việt phản động ở bên ngoài đã tác động lớn đến sự phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong xã hội ta hiện nay.

          Theo chúng tôi, đây là một khó khăn thách thức to lớn nhất, nó vừa tác động vào cả hệ thống chính trị và xã hội chứ không riêng gì giáo viên hay sinh viên, điều này đòi để giải quyết được thì phải tạo ra sức đề kháng của toàn xã hội.

          Khó khăn về khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy mới và công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin

          Một câu hỏi lớn hiên nay về phương pháp giảng dạy khoa học Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là làm sao để bài giảng đó sinh động, đi vào lòng người học. Giáo viên lý luận chính trị Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta từ trước tới nay vẫn nặng về phương pháp diễn giảng truyền thống. Nay trước bối cảnh hội nhập và đổi mới, đòi hỏi các giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại vào phục vụ giảng đường, có khả năng sử dụng ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu, trao đổi học thuật, trong thực tế, đa số các giảng viên của chúng ta còn yếu về ngoại ngữ , kỹ năng tin học nên còn lúng túng trong việc bắt kịp những đòi hỏi cao hơn về giảng dạy trong tình hình mới.

          Khó khăn về điều kiện vật chất trong việc nâng cao đời sống của đội ngũ làm công tác giảng dạy nghiên cứu lý luận chính trị Mác – Lênin. Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, đời sống của cán bộ giảng viên Mác – Lênin còn eo hẹp, bản thân công việc chuyên môn đặc thù làm cho đội ngũ này khó ứng xử trong một thị trường năng động. Trong khi kinh tế thị trường có không ít những cám dỗ và nhu cần cao về đời sống vật chất, tiêu dùng nên không ít người cảm thấy chưa thực sự yên tâm với công việc, nghề nghiệp, có tư tưởng bi quan dao động, thiếu say mê nghề nghiệp, thiếu điều kiện cho việc học tập nâng cao trình độ bản thân như học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, du học trao đổi học thuật, nâng cao trình độ ngoại ngữ tin học.

3. Một số kiến nghị và giải pháp.

Tiếp nhận thuận lợi, hạn chế thách thức là một nguyên lý chung trong ứng xử những vấn đề của ta trong quan hệ quốc tế. Giảng dạy, tuyên truyền lý luận chính trị Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng không nằm ngoài nguyên tắc chung đó. Vấn đề là làm thế nào để có những phương châm và giải pháp tốt nhất. Theo chúng tôi, sẽ phải xuất phát từ rất nhiều giác độ để tìm lời giải đáp: từ góc độ người thầy, từ góc độ người học; từ chủ thể lớn chỉ đạo là Đảng, Nhà nước, đến các chủ thể quản lý trực tiếp là trường đại học, khoa, bộ môn; từ phương diện cơ sở vật chất kỹ thuật cho đến phương pháp giảng dạy…xuất phát từ những giác độ đó, chúng tôi mạnh dạn đề ra mấy kiến nghị và giải pháp sau đây:

– Phải nêu bật được vai trò quan trọng của các môn khoa Mác lênin, tức là phải làm cho sinh viên thấy rõ tính cần thiết xác thực của các khoa học này trong cuộc sống, trong hoạt động lâu dài của bản thân mình. Chú trọng hơn nữa đến giáo dục đạo đức nhân cách cho sinh viên, phải ý thức được vai trò quan trọng của ‘tiên học lễ, hậu học văn’, phải giáo dục thấm sâu lòng yêu nước trong học sinh, sinh viên, tinh thần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, ý chí tự lực tự cường, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Làm cho sinh viên thấy được ý nghĩa thiết thực của môn học, họ mới tự giác học tập, đừng để các em có tâm lý đó là những môn điều kiện, những môn không thiết thực, lý thuyết suông.

– Thực hiện giảm tải khối lượng tri thức giảng dạy một cách khoa học vừa đảm bảo được nguyên lý vừa bám sát thực tiễn chính trị – xã hội, phải nêu bật được độc đáo sáng tạo của Việt Nam trong việc nghiên cứu giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin để sinh viên thấy được ý nghĩa thực tiễn cần thiết đối với việc học tập nghiên cứu các môn học này.

– Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị Mác – Lênin giỏ. Hiện tại đội ngũ giảng viên của chúng ta mới có thể chỉ đáp ứng 50 % yêu cầu về chất lượng. cần có cơ chế thu hút những người giỏi, những chuyên gia tham gia giảng dạy đào tạo cho sinh viên ở các trường, thu hút sinh viên có say mê, có năng lực về các môn khoa học này chuyển sang học tập nghiên cứu để trở thành những giảng viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời Đảng và Nhà nước nên có chính sách về lương thưởng đặc thù đối với các môn khoa học này để đội ngũ giảng viên yên tâm công tác.

– Các trường cần quan tâm chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về điều kiện vật chất lẫn tinh thần cho các giảng viên các môn khoa học Mác – Lênin theo tinh thần của Đảng, Ban Tư tưởng văn hoá trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo ra sự thống nhất đồng bộ giữa các cấp chỉ đạo và quản lý giáo dục…

– Không ngừng đổi mới các phương pháp giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác – Lênin sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người học hơn, hỗ trợ về tài chính để tạo ra nhiều hình thức học tập tiếp cận phong phú như nói chuyện chuyên đề, tham khảo thực tế, thực tiễn. Trong một công trình nghiên cứu gần đây của chúng tôi đối với việc giảng dạy nghiên cứu các môn khoa học Mác – Lênin ở khối các trường Nông – Lâm – Ngư vào năm 2006 thì phần đông sinh viên trả lời là do các môn khoa học này trừu tượng, khó hiểu, trong khi đó phương pháp chủ yếu là thuyết giảng, thiếu hoạt động tham quan, thực tế nên làm cho sinh viên thấy hạn chế trong việc tiếp nhận môn học

 

 

4. Kết luận:

Trong hai mươi năm lại đây, song trùng với khoảng thời gian nước ta tiến hành đổi mới, công tác giảng dạy lý luận chính trị Mác – Lênin chịu hai sang chấn có tính khách quan đó là: Thứ nhất, sự khủng hoảng dẫn tới sụp đỗ của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu  cũ vào cuối thế kỷ XX, hiện thực đó làm công tác nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị có phần rệu rã, thiếu chí khí, có phần chững lại do sự khó khăn từ việc dao động niềm tin trong nhân dân. Và lần thứ hai, trong thời gian gần đây nhất đó là vào những năm đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam chính thức hội nhập kinh tế quốc tế. Bước vào một thế giới đa dạng, thậm chí có không ít sự khác biệt và đối lập cả về hệ tư tưởng, văn hoá đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở, tìm tòi về nội dung và phương pháp giảng dạy.

Thuận lợi và thách thức của vấn đề giảng dạy Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rất đáng quan tâm trong một bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Theo chúng trong, mặt thách thức mới là vấn đề đáng quan ngại hơn cả. Chúng ta chỉ có thể làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền tư tưởng chính trị, tăng cường chuyên chính của giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tiên phong khi chúng ta đẩy lùi được những khó khăn thách thức này.

Chúng tôi tin tưởng rằng, sự trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin trên tinh thần đổi mới sáng tạo; sự đoàn kết thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗi lực hết mình của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn biến động của tình hình trong nước và thế giới, để ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh  tiếp tục thấm sâu, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo nền tảng, là kim chỉ nam dẫn dắt chỉ đạo thực tiễn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Ban Tư tưởng Văn hoá – Trung ương: Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch. Hà Nội, 1-2005

2.     Phạm Văn Đức: Hội thảo Quốc tế: ‘Giảng dạy triết học trong bối cảnh châu Á’, Manila, 16 -19 tháng 2 na2m 2004, tạp chí Triết học số 2 (2.2004), tr.58- 60.

3.     Phạm Minh Hạc: Bước vào thế kỷ XI: Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, tạp chí Nghiên cứu con người, số 1 – 2003, tr.3-7.