Máy chữa cháy rừng bằng sức gió

Các nhà khoa học trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội, vừa nghiên cứu thành công máy chữa cháy rừng hoạt động ở những nơi có địa hình phức tạp, chất chữa cháy rừng là không khí tại chỗ.(Vnexpress.net)

Mỗi năm ở Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ cháy thiêu hủy hàng ngàn ha rừng, trong đó các đám cháy rừng thường xảy ra ở những nơi có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, xa nguồn nước, giao thông khó khăn.

Từ thực tế trên, tiến sĩ Dương Văn Tài và các nhà khoa học trường Đại học Lâm nghiệp đã thiết kế nên loại máy chạy bằng sức gió được thiết kế gọn nhẹ và dễ sử dụng ngay cả ở địa hình phức tạp.

‘Tính năng của máy thổi gió này giống như một quạt gió cao áp, tích hợp với một động cơ xăng chuyên dùng trong lâm nghiệp với tốc độ 7.000 vòng/phút. Với một cái quạt gió với một động cơ chuyên dùng, nhóm đã chế tạo ra thiết bị có lưu lượng không khí rất lớn’, tiến sĩ Tài nói.

Chiếc máy hoạt động dựa trên trục động cơ được nối với trục cánh quạt gió bằng trục nối. Khi động cơ hoạt động dẫn đến chuyển động quay của cánh quạt gió.

Quạt gió được thiết kế đặc biệt để tạo ra lưu lượng, vận tốc và áp lực không khí lớn, khi thổi dòng khí có lưu lượng và áp lực lớn vào đám cháy thì không khí tác dụng làm loãng nồng độ khí cháy xuống dưới điểm cháy, đồng thời giảm nhiệt độ cháy, xuống dưới điểm cháy, từ đó đám cháy được dập tắt.

Video về máy chữa cháy rừng bằng sức gió

‘Trung Quốc từng áp dụng thiết bị chữa cháy bằng sức gió nhưng tọng lượng nặng, lưu lượng nhỏ và áp lực không đủ. Công suất của máy chữa cháy bằng sức gió do nhóm chế tạo lên đến 4,5 kW’, tiến sĩ Tài nói thêm.

Chiếc máy chữa cháy rừng bằng sức gió có thể dập tắt đám cháy ở mặt đất, chiều cao ngọn lửa 2,5m. Loại máy này chữa cháy rất tốt cho rừng bạch đàn, rừng keo, rừng cao su, rừng phòng hộ. Nếu không sử dụng chữa cháy rừng thì tháo hệ thống quạt gió ra, lắp hệ thống cắt cây vào là có thể sử dụng để chặt hạ gỗ và tre nứa.

Sản phẩm thuộc đề tài trọng điểm cấp nhà nước, đạt loại xuất sắc. Hiện, máy được ứng dụng tại các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và cho thấy hiệu quả chữa cháy rừng cao.