Tuyển sinh năm 2019: Nhiều ngành truyền thống vẫn đắt hàng

Năm 2019, bên cạnh việc mở các ngành học mới bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng tới phát triển bền vững, nhiều ngành nghề truyền thống, gắn với nhu cầu thực tiễn vẫn đắt hàng.

Chọn nghề, chọn trường cần sự cân nhắc kỹ lưỡng của mỗi thí sinh

Bên cạnh những ngành học mới, thì một số ngành học truyền thống cũng đang rất thuận lợi đầu ra. Theo  GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp, hiện cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó có 1.863 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 700 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.

Cả nước có 5 trường ĐH đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào tạo nghề khoảng 600 học viên. Nghiên cứu của ĐH Lâm nghiệp cũng chỉ ra nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới là rất lớn. Dự báo, năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ ĐH, trên ĐH và 266.860 công nhân; đến 2025 cần 106.800 người có trình độ ĐH, trên ĐH và 445.200 công nhân. 

Ngành Logistis cũng đã được các trường đưa vào đào tạo khoảng gần 10 năm nay. Tuy nhiên,  cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì nhu cầu nhân lực ngành này vẫn đang rất lớn. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam, giai đoạn 2017-2020, Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, có kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2025, con số này lên đến 300.000 lao động chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cả nước hiện có 15 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo về chuyên ngành logistis hoặc gần chuyên ngành logistis.  Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo đánh giá chung, nhân lực ngành logistis vẫn thiếu kiến thức toàn diện, trình độ công nghệ thông tin chưa tốt, trình độ tiếng Anh  nghiệp vụ còn hạn chế. Con số thống kê cho thấy chỉ khoảng 45% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Đây cũng là một thách thức đối với các cơ sở giáo dục đang đào tạo ngành này.

Cơ khí cũng không phải là một ngành học mới, là ngành học truyền thống của các trường kỹ thuật như ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông… Nhưng có một thời gian, do nhu cầu phát triển kinh tế nên nhóm ngành này bị “thất thế”. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đang đòi hỏi Việt Nam – một quốc gia thuần nông cũng như nhiều nước trong khu vực phải thúc đẩy phát triển công nghiệp, điện tử. Điện và cơ khí đang xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm của đời sống xã hội và ngày càng nhiều. Dự báo nhu cầu việc làm bình quân hàng năm của ngành cơ khí đến năm 2020 là khoảng 8.100. Bên cạnh đó, người học có cơ hội được đi làm việc tại các nước phát triển. Ngay từ giảng đường đại học, các nhà tuyển dụng đã tạo dựng sợi dây liên kết giữa nhà trường và công ty, mỗi khóa tốt nghiệp đều có những chỉ tiêu kí kết hợp đồng lao động.

Thừa giáo viên nhưng không phải nhóm ngành đào tạo giáo viên bị ế. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả nước thiếu 65.065 giáo viên mầm non. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT cũng vẫn đang thiếu những môn đặc thù chuyên biệt. Cùng với nhóm ngành giáo dục, thì nhóm ngành tư vấn tâm lý xã hội cũng đang cần rất nhiều nhân lực. Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tâm lý rất đa dạng. Sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể đảm trách nhiều công việc khác nhau: giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, viện nghiên cứu; chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, trung tâm, đài phát thanh, đài truyền hình; chuyên viên trị liệu tâm lý tại bệnh viện,… Mức lương và chế độ đãi ngộ trong ngành này được dự đoán là ngày càng tăng cao. 

Lần đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam. Nhưng từ trước đến nay, tất cả các trường ĐH mới chỉ đào tạo ngành du lịch, quản trị du lịch, quản trị khách sạn… còn du lịch sinh thái là một khái niệm hoàn toàn mới đối với các trường. Chính vì vậy, hướng dẫn viên trong các khu du lịch sinh thái hầu như không có kiến thức, kỹ năng về quần thể động thực vật bản địa.

Ông Trần Quang Bảo, Phó hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, năm nay trường này đã mở thêm ngành học mới mang tên Du lịch sinh thái. Đây là ngành học lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam hệ đại học chính quy với 70 chỉ tiêu. Du lịch sinh thái là một trong những hình thái phát triển nhanh nhất của ngành du lịch hiện nay, có ảnh hưởng lớn trong việc xanh hóa ngành du lịch. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng về sinh học bảo tồn, địa lý du lịch, quản lý cảnh quan, quản trị du lịch, quy họach phát triển du lịch sinh thái bền vững, có khả năng xây dựng, quản lý thực hiện các đề án về xây dựng tôn tạo các cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái hoặc hướng dẫn du lịch sinh thái và các dịch vụ có liên quan. Sở du lịch, công ty dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử,… là những nơi để sinh viên tốt nghiệp về công tác hoặc có điều kiện tự thành lập các công ty dịch vụ du lịch sinh thái. 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018 Việt Nam đón 15,5 triệu khách nước ngoài, trong nước đón 80 triệu lượt khách. Vì vậy, cần lực lượng lao động rất lớn để làm việc trong ngành công nghiệp không khói này, trong đó du lịch sinh thái là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất hiện nay.

Nguồn: Tienphong.vn