Tỉnh Nghệ An và Đại học Lâm nghiệp ký kết hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp

Sáng 5/12, UBND tỉnh có cuộc làm việc với Trường Đại học Lâm nghiệp.

Tham dự cuộc làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS. TS Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các nhà khoa học, giảng viên.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã thông tin đến đoàn công tác một số nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cũng như hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của Nghệ An hiện nay.

Theo đó, tổng diện tích hiện tại quy hoạch cho đất lâm nghiệp là hơn 1,160 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Ngành lâm nghiệp có bước tăng trưởng mạnh về trồng, khoanh nuôi rừng và bảo vệ rừng, độ che phủ rừng đến năm 2017 đạt 57,7%; năm 2018 dự kiến đạt 58%.

Tốc độ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 15.000 ha rừng tập trung, diện tích rừng trồng hàng năm tăng lên đã vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng và mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân địa phương, nâng tổng diện tích rừng trồng hiện có trên địa bàn tỉnh lên 165.918,7 ha. Bên cạnh đó, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên được quan tâm, chú trọng, đưa tổng số diện tích rừng tự nhiên hiện có lên 785.481,9 ha.

Nghề rừng đã có bước chuyển biến về tổ chức, cơ cấu sản xuất và nhận thức. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh tăng từ 30 triệu USD (năm 2010) lên 185 triệu USD (năm 2017), chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc.

Tuy nhiên, Nghệ An cũng nhận diện một số khó khăn, thách thức trong phát triển lâm nghiệp. Đó là diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, địa hình cao, dốc, chia cắt phức tạp; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa phát triển; khả năng tích tụ đất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do việc giao đất cho người dân còn manh mún; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn hạn chế, chính sách phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập…

Từ kết quả rà soát thực tế, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2020, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 60% và ổn định cho các năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định các nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng ngành, từng địa phương; đồng thời, cũng cần đến sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị chuyên ngành, trong đó có Trường Đại học Lâm nghiệp.

Rừng săng lẻ ở Tương Dương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, GS.TS Phạm Văn Chương cho biết, Trường Đại học Lâm nghiệp là cơ sở đào tạo đầu ngành của cả nước về lâm nghiệp. Với đội ngũ cán bộ khoa học về lâm nghiệp đông nhất cả nước, trường hoàn toàn có thể nghiên cứu độc lập, chuyển giao vào sản xuất.

Qua trao đổi, trường đã nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của tỉnh Nghệ An trong lĩnh vực lâm nghiệp; từ đó, sẽ đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất những giải pháp, hướng đi phù hợp, hiệu quả, cùng với tỉnh Nghệ An tháo gỡ, giải quyết những vấn đề khó khăn.

UBND tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Lâm nghiệp ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Lâm nghiệp đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2018 – 2022. Bản thỏa thuận nêu rõ các nội dung hợp tác như: đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cung cấp, trao đổi thông tin khoa học và công nghệ; huy động nguồn vốn cho khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ…/.

Nguồn: Phước Anh – baonghean.vn