“Sức ì” quá lớn khiến trường đại học chưa thoát khỏi cơ quan chủ quản?

Nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành sớm nhất từ năm 2005 là bỏ cơ chế chủ quản đối với các trường đại học học để thực hiện tự chủ. Nhưng sức ì của hệ thống quá lớn, đến nay chưa cơ quan chủ quản nào chịu thực hiện.

13 năm vẫn chưa thực hiện

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, ngày 2/11/2005, về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2005-2020, đã nêu rõ: “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập“.

Nghị quyết 89/NQ-CP, ngày 10/11/2016, cũng chỉ đạo: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản“.

Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, Điều 16 qui định: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của Chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan“.

Từ điều luật này, Hội đồng trường chính là Cơ quan chủ quản của trường đại học công lập (vừa đại diện chủ sở hữu vừa trực tiếp quản lý).  Đúng nghĩa là “cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học).

Tuy nhiên, từ Nghị quyết 19-NQ/TW cuối năm 2017 của Đảng, việc sửa đổi Luật giáo dục đại học thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã theo sự chỉ đạo của Đảng; và cụm từ “cơ quan chủ quản” đã không còn nữa.

Thay thế vào đó, Hội đồng trường được định nghĩa là cơ quan chủ quản. Nghĩa là cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần Luật mới và Chính sách của Đảng chỉ còn 2 cấp quản lý: Hội đồng trường và bộ quản lý ngành thay vì 3 cấp như khi chưa có Nghị quyết 19-NQ/TW: Hội đồng trường, bộ chủ quản, bộ quản lý ngành.

Như vậy từ khi có Nghị quyết 14/2005/NQ-CP việc xóa bỏ chế độ chủ quản vẫn chưa được thực hiện, sức ì của hệ thống quá lớn không cơ quan chủ quản nào chịu thực hiện.

Đến 8 năm sau, Nghị quyết 29 của Đảng năm 2013 phải chỉ đạo lần nữa việc “phát huy vai trò hội đồng trường” để “xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

3 năm sau, năm 2016, có Nghị quyết 05, chỉ đạo giao quyền tự chủ đầy đủ cho đơn vị sự nghiệp công lập. Rồi đến năm 2017, lại tiếp tục có Nghị quyết 19, mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, với các chỉ đạo quyết liệt hơn: “thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập… không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập“; “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học“.

Thời gian 13 năm (2005-2018) cả hệ thống chính trị phải ban hành nhiều văn bản pháp qui như vậy cho một vấn đề: “cải cách hoạt động và cơ chế quản lý để tăng cường hiệu quả cho đơn vị sự nghiệp công nói chung, cơ sở giáo dục công nói riêng“, và thực tế vẫn rất chậm chạp thực hiện.

Tự chủ vẫn chỉ là hình thức!

Trước đó, phát biểu tại một trường đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong những năm qua, giáo dục đại học ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh về qui mô, đa dạng các loại hình, cơ sở vật chất được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học vẫn còn rất nhiều bất cập, công tác quản lý, quản trị đại học cũng đặt ra đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản, toàn diện như Nghị quyết Trung ương 29 đã xác định.

“Do đó, cần xóa bỏ chủ quản đối với trường đại học để các trường đại học thực sự tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính. Tiến trình này cần được thực hiện với quyết tâm cao, vượt qua những rào cản ngay từ trong trường đại học tương tự như xóa bỏ chủ quản đối với DNNN những năm đầu đổi mới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, hiện nay tự chủ đại học chưa được tuyên truyền rộng rãi và xã hội hiểu chưa thấu đáo. Tự chủ của trường đại học là tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân lực. Như vậy, tự chủ đại học sẽ rất có lợi cho các trường trong xu thế tương lai.

Tuy nhiên hiện nay, cơ chế quản lý của Bộ chủ quản và các bộ, ban, ngành còn nặng về hành chính; trong trường đại học (đặc biệt các trường công lập) vai trò của Hội đồng trường chưa cao; chưa làm rõ vai trò Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu thì chưa thể tự chủ được; chưa bỏ cơ chế quản lý nặng về hành chính như hiện nay thì chưa tự chủ được.

“Trong trường đại học đội ngũ cán bộ đặc biệt giảng viên chưa thực sự tự chủ, chưa đạt chuẩn thì thực sự khó tự chủ ngay được. Với cơ chế như hiện nay thì dù có cố gắng đến mấy đi chăng nữa thì tự chủ đại học vẫn chỉ là hình thức” – GS Chứ nhấn mạnh.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp

GS Chứ  cho hay, ông hoàn toàn đồng ý là các trường đại học phải tự chủ và bỏ Bộ chủ quản. Nhưng nói nên bỏ ngay Bộ chủ quản để các trường tự chủ  tốt là hơi vội mà phải xem cơ chế phân cấp của Bộ chủ quản đến đâu?.

Trong tương lai gần, Nhà nước nên áp dụng mô hình của nước ngoài, đó là các trường đại học phải tự chủ, không còn bao cấp, không có bộ chủ quản. Để bỏ Bộ chủ quản đối với trường đại học, đây là xu thế tất yếu nhưng cần phải có sự đánh giá cụ thể về hiệu quả và có lộ trình thực hiện việc xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với các trường Đại học.

GS Chứ kiến nghị, cần rà soát, hoàn thiện lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tự chủ đại học, cụ thể là các quy định liên quan tổ chức, nhân sự, tài chính, đầu tư, chính sách đối với một số lĩnh vực, nghề nghiệp đặc thù, tính vùng miền.

Bởi vì trong thực tế là trong thời gian qua chúng ta mới thực hiện việc tự chủ đại học ở bước đầu và chủ yếu đối với một số trường đại học đa ngành, quy mô lớn, còn các trường đại học khác thuộc Bộ chủ quản chuyên ngành phải thực hiện nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của Bộ.

Chưa xóa bỏ được cơ chế chủ quản, chưa thực hiện được tự chủ

GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, chỉ vì sức ì của hệ thống quá lớn nên 1 văn bản chỉ đạo, pháp qui không đủ để làm thay đổi hệ thống văn bản liên quan của các bộ ngành chủ quản.

Đặc biệt, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước đều quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ sở giáo dục công lập.

“Hiện nay một số cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục công vẫn chưa chịu buông cho Hội đồng trường của cơ sở giáo dục thực thi quyền hạn: “là đại diện chủ sở hữu để quản lý Nhà trường” mà vẫn tiếp tục can thiệp sâu vào quyền quyết định của hội đồng, nghĩa là đã và đang vô hiệu hóa vai trò của Hội đồng trường” – GS.TS Lê Vinh Danh nhấn mạnh.

TS Lê Viết Khuyến

Theo TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, Nhà nước không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là Hội đồng trường/Hội đồng quản trị.

Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường đại học công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.

TS Khuyến cho rằng, Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng).

“Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng” – TS Khuyến đề nghị.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thí điểm chọn trong số 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77 để tiếp tục triển khai giai đoạn về tự chủ cao hơn là không còn bộ chủ quản.

Bộ đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường đại học (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT)) theo cơ chế bỏ chủ quản.

Nguồn: Hồng Hạnh – Dantri.com.vn