Lễ mít tinh và trồng cây hưởng ứng 25 năm ngày Quốc tế chống Sa mạc hóa

Trong khuôn khổ chuỗi chương trình do Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc và 25 năm ngày Công ước chống sa mạc hóa. Sáng 14/6/2019, tại khuân viên Trường Đại học Lâm nghiệp đã diễn ra Lễ mít tinh và trồng cây hưởng ứng 25 năm ngày Quốc tế chống Sa mạc hóa.

Tham dự Lễ mít tinh có Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn; TS. Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; PGS.TS. Hà Thị Mừng – Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT; TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Các đại biểu đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Các Viện, trường đại học; các đại biểu đại diện một số Sở, Ban, Ngành địa phương và các nhà khoa học.

Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Cao Quốc An – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Sỹ Hà – Chủ tịch Công đoàn trường; Lãnh đạo các đơn vị trong trường; Đoàn thanh niên, Hội sinh viên; Cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.

Toàn cảnh Lễ mít tinh

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Sa mạc hóa hay hoang mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu… Trong đó ảnh hưởng lớn nhất của nạn sa mạc hóa là làm giảm và mất giá trị đa dạng sinh học đồng thời làm giảm năng suất đất đai.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sa mạc hóa là do những hoạt động của con người trước những áp lực của cuộc sống và sự gia tăng dân số, đồng thời càng trầm trọng hơn khi chúng ta đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu. Để phòng và chống hiện tượng sa mạc hóa hiện nay, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh điều kiện căn cơ và tiên quyết trước mắt cần khôi phục và bảo vệ rừng (diện tích rừng tăng từ 28% trong đầu những năm 1990 lên 41,65% năm 2018), cùng với đó là các giải pháp về thủy lợi, tái phủ xanh và triển khai từng bước canh tác nông nghiệp hữu cơ thích ứng chống sa mạc hóa…

Thứ Trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao chuỗi sự kiện của Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc và 25 năm ngày Công ước chống sa mạc hóa. Từ những hoạt động trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động thiết thực; đồng thời trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp hiệu quả giải quyết hiệu quả tình trạng sa mạc hóa ở Việt Nam.

NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng phát biểu

Trường Đại học Lâm nghiệp là trường đại học đầu ngành của cả nước có bề dày truyền thống trong lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn, với sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, là trung tâm khoa học công nghệ có uy tín trong nước về lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững, môi trường trên địa bàn nông thôn, trung du miền núi và cả nước.

Đại diện tuổi trẻ Nhà trường phát biểu

Thực hiện lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, trong những năm qua, Trường Đại học Lâm nghiệp luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của Nhà trường và các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường, cùng chung sức với sự phát triển của ngành lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung.

Hiện nay, toàn cầu có khoảng 19 triệu ha đất đã và đang bị ảnh hưởng của những nhân tố làm cho suy thoái đất và sa mạc hóa, làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 1,2 tỷ trên thế giới. Trong đó Việt Nam có khoảng khoảng 2,4 triệu ha diện tích có dấu hiệu suy thoái.

Các đại biểu và sinh viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm

Với chủ đề “Cùng nhau phát triển tương lai”, ngày Quốc tế chống sa mạc hóa 2019 được tổ chức ngoài ý nghĩa nâng cao nhận thức cộng đồng về mối nguy hiểm của tình trạng sa mạc hóa và suy thoái đất gây ra, còn đưa ra những giải pháp liên quan đến trồng, bảo vệ và quản lý rừng, tài nguyên đất bền vững. Từ đó, kêu gọi các cá nhân, tập thể có những hành động cụ thể, chung tay bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng và cũng là chống biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa.

Sau Lễ mít tinh, các đại biểu tham dự và sinh viên Nhà trường đã tham gia trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Một số hình ảnh trồng cây tại Lễ mít tinh

Các đại biểu trồng cây trong khuân viên Nhà trường

Thả cá tại hồ sinh thái Nhà trường