Dù tăng trưởng mạnh, ngành chế biến gỗ vẫn nhiều nỗi lo phải ‘tư duy lại’

Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần sớm giải quyết các thách thức, đón đầu những thay đổi lớn nhưng vẫn phải tái đầu tư nhân lực, công nghệ để có thể đón nhận nhiều đơn hàng và đối tác.

Theo số liệu từ Tổng cục lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,03 tỉ USD, tăng 16% so với với cùng kì 2018, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm lên 7,08 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kì năm 2018 và chiếm khoảng 26,6% tỉ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. 

Trong đó, năm thị trường chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ kì vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỉ USD, tăng 1,7 tỉ USD so với năm 2018.

Không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lí do ngành đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. 

Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ.

Tuy nhiên, tại hội thảo Tư duy lại qui trình sản xuất do Hội thủ công và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) tổ chức ngày 10/9 tại TP HCM, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho biết làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam quá nhanh và nhiều đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động. 

“Tính cạnh tranh sản xuất tại Việt Nam tăng cao do các doanh nghiệp FDI tham gia thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào Việt Nam. 

Nhưng làn sóng FDI đã góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10 – 20% nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó để tuyển người”, ông Khanh cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội thủ công và chế biến gỗ TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Bên cạnh đó, năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam khá thấp, được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng. Con số này tương ứng với đánh giá từ Bộ Lao động và Thương binh Xã hội.

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.

So sánh, mức lương trả cho nhân công Đức, Italy cao gấp 10 lần, Trung Quốc cao gấp 3 lần Việt Nam nhưng vẫn sản xuất cạnh tranh hơn doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng… 

Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu lan vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất ra nó… cũng đã khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình rằng những thách thức này đang buộc các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải cùng lúc giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám… để có thể giữ và đón khách hàng mới.

Mặt khác phải linh hoạt, phải thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai. 

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Leslie Lye, Giám đốc kinh doanh Weinig, trong tương lai, thị trường đồ gỗ sẽ có những thay đổi đáng kể. 

Ví dụ, thay vì mua đồ nội thất được sản xuất với số lượng đại trà, hàng loạt, khách hàng ngày nay càng sẵn sàng cho việc chi tiền để mua những đồ nội thất được cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu của họ. 

Chi phí sản xuất của những đồ nội thất tùy biến này đương nhiên phải có giá cả tương đương với các sản phẩm sản xuất hàng loạt mới có thể cạnh tranh. 

“Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất đồ nội thất sẽ cần phát triển một hệ thống để phục vụ cho việc thiết kế và quản lí sản xuất được cho các đơn hàng với các lô cá nhân hóa khác nhau”, ông tư vấn.

Ngoài ra, ông Lye nói thêm, nhà sản xuất phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn với khả năng sản xuất đơn hàng nhỏ, lẻ một cách linh hoạt. 

Để có lợi nhuận, doanh nghiệp cần có một biểu đồ chính xác về qui trình sản xuất và các cách chuyển đổi sản xuất giữa các sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng

Còn theo Chủ tịch HAWA, bài toán mà doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt không đơn giản. 

“Doanh nghiệp trong ngành cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu. Chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận định.

Theo ông Khanh, với sự tiến bộ của kĩ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot… công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất… 

Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo Tư duy lại qui trình sản xuất do Hội thủ công và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) tổ chức ngày 10/9 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo ông Bernd Kahner, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, không chỉ là chuyện tăng trưởng, mà đầu tư vào các giải pháp sản xuất thông minh để đáp ứng yêu cầu kĩ thuật cũng như chất lượng ngày càng cao. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất, là yếu tố sống còn để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

“Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy. Đó là chưa kể, sự biến động đôi khi rất cao của nhân lực, gây rủi ro cho cả các công ty cũng như cho những đơn vị cung cấp máy móc”, ông Bernd Kahnert chia sẻ.

Trong tương lai, những người thợ lành nghề có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ ngày càng quan trọng. 

Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để nâng cao trình độ cho người lao động, đạt đến mức có thể vận hành, duy trì và đổi mới các qui trình sản xuất rất phức tạp. 

“Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà quên chuẩn bị nhân lực, công tác này cũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, đại diện Homag nhấn mạnh.

Thông tin từ HAWA cho biết, từ ngày 18-21/9 tại TP HCM, Triển lãm thiết bị công nghệ phục vụ chuyên ngành chế biến gỗ VietnamWood 2019 sẽ chính thức diễn ra với hơn 480 đơn vị và thương hiệu từ 30 quốc gia và khu vực tham gia triển lãm.

“Triển lãm sẽ là bức tranh toàn cảnh về khả năng tối ưu hóa sản xuất mà doanh nghiệp có thể tham khảo để từ đó có được những quyết sách đúng đắn nhất cho mình”, đại diện HAWA chia sẻ.

Nguồn: vietnambiz.vn