Xuất hiện đàn Cò nhạn quý hiếm tại Trường Đại học Lâm nghiệp

Các chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã thuộc Bộ môn Động vật rừng, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp đã ghi nhận, từ ngày 8 – 12 tháng 5 năm 2020 sự xuất hiện khoảng 100 – 110 cá thể Cò nhạn di chuyển, kiếm ăn và định cư ở Khu rừng thực nghiệm & Bảo tồn nguồn gen quốc gia tại Trường Đại học Lâm nghiệp.

Tên phổ thông: Cò nhạn/Cò ốc

Tên khoa học: Anastomus oscitans  Boddaert, 1783

Họ hạc: Ciconiidea

Bộ cò: Ciconiiformes

Lớp chim: Aves

Cò nhạn dừng chân ở rừng keo – Trường Đại học Lâm nghiệp (Nguồn: Lưu Quang Vinh, 2020)

Đặc điểm nhận biết: Cò nhạn có trọng lượng từ 1 – 1,2 kg. Đầu, cổ, lưng bụng lông chủ yếu màu trắng đến trắng nhạt. Mỏ trên bằng mỏ dưới, gốc mỏ màu đen nâu, chóp vỏ hơi hồng. Lông cánh cơ cấp, thứ cấp màu đen, lông bao cánh màu trắng, xám nhạt. Lông đuôi có đén ánh lục hay tía. Chân cao, da màu hồng, vàng nhạt hay nâu nhạt.

Sinh thái và tập tính: Đây là loài chim sống theo đàn. Cò nhạn thường sinh sống và kiếm ăn ở các sinh cảnh khác nhau thuộc vùng đất ngập nước như: rừng ngập mặn, cửa biển, đầm lầy, ao hồ, kênh mương, ruộng lúa. Thức ăn chủ yếu là các loại ốc; động vật thủy sinh và côn trùng. Cò nhạn ngủ và làm tổ trên cây, ghép đôi sinh sản vào mùa xuân, hè; thường đẻ 2 – 4 trứng.

Phân bố ở Việt Nam: Miền Tây Nam, Tây Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Điện Biên, Hải Dương

Phân bố thế giới:  Ấn ĐộSri Lanka, Burma và Thái Lan.

Hơn 100 cá thể Cò nhạn bay lượn ở rừng Thực nghiệm & Bảo tồn nguồn gen quốc gia, Trường Đại học Lâm nghiệp (Nguồn: Lưu Quang Vinh, 2020)

Các chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã thuộc Bộ môn Động vật rừng, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp đã ghi nhận, từ ngày 8 – 12 tháng 5 năm 2020 sự xuất hiện khoảng 100 – 110 cá thể Cò nhạn di chuyển, kiếm ăn và ngủ ở Khu rừng thực nghiệm & Bảo tồn nguồn gen quốc gia tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Đây là lần đầu tiên ghi nhận trong vùng xuất hiện Cò nhạn quý hiếm kiếm ăn tại vùng sinh thái Trường Đại học Lâm nghiệp. Theo quan điểm và các ý kiến của các nhà bảo tồn chim và động vật hoang dã Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, đây là hiện tượng rất hiếm gặp trong tự nhiên và chỉ có thể được giải thích như sau: Môi trường sinh thái của Trường Đại học Lâm nghiệp trong lành, yên tĩnh, chất lượng rừng tốt, không bị tác động, cảnh quan, môi trường sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều nguồn thức ăn, nơi nghỉ chân, trú ngụ an toàn,… Khu rừng thực nghiệm với vai trò bảo tồn nguồn gen quốc gia, sinh thái cho khu vực thị trấn Xuân Mai, nơi học tập lý tưởng cho sinh viên. Trong nhiều năm trở lại đây Khu rừng thực nghiệm & Bảo tồn nguồn gen quốc gia tại Trường Đại học Lâm nghiệp đã ghi nhận, bổ sung nhiều loài chim định cư và di cư đến kiếm ăn, sinh sống, làm tổ và sinh sản. Với ghi nhận đặc biệt này Nhà trường, Khoa quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, học sinh, sinh viên và người dân địa phương thông điệp là “Cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong đó có đàn Cò nhạn mới ghi nhận“. 

Cò nhạn đang bay lượn ở Khu thực nghiệm và Viện Công nghiệp gỗ và Nội thất (Nguồn: Lưu Quang Vinh, 2020)

Nhóm tác giả Bộ môn: Động vật rừng – Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

Nguồn tài liệu tham khảo: IUCN 2020; Sách Đỏ Việt Nam 2007, Chim Thái Lan, 2001.