Hội nghị Định hướng hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025 – Trường Đại học Lâm nghiệp

Thực hiện chủ trương của Nhà trường trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động Khoa học và Công nghệ, nhân dịp Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, sáng 16/5/2017, Trường Đại học Lâm nghiệp đã long trọng tổ chức hội nghị Định hướng hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025.

Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu khách mời: Bộ NN&PTNT có TS. Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, TS. Nguyễn Phú Hùng – Vụ Trưởng vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, TS. Phạm Mạnh Cường – Văn phòng Chính phủ, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT và cùng đoàn công tác; Bộ Khoa học và công nghệ có GS.TS. Ngô Xuân Bình – Phó vụ trưởng Vụ KHCN Các ngành Kinh tế Kỹ thuật, TS. Lý Hoàng Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao và một số cán bộ trong đoàn; GS.TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; các đại biểu thuộc Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng; Chi cục Lâm nghiệp Hòa Bình; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện các công ty, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong ngành.

Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS.TS. Trần Văn Chứ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu; PGS.TS. Nguyễn Văn Quân – Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ tịch Công đoàn Trường; Hội đồng KH&ĐT các cấp; Trưởng phó các đơn vị, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Bộ môn và tương đương; đại biểu của Phân hiệu ĐHLN Đồng Nai, các nhà khoa học; chủ nhiệm và các thành viên đang tham gia các nhiệm vụ KH&CN các cấp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Nhà trường nêu rõ: Trường Đại học Lâm nghiệp có sứ mệnh là trường đại học đầu ngành đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng ưu cầu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, là trung tâm khoa học có uy tín về lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Thông qua hội nghị, Hiệu trưởng mong muốn nhận được sự chỉ đạo, đóng góp ý kiến của các Bộ, Sở, Ban, Ngành, các nhà khoa học trong việc nâng cao các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ đạt được những thành tựu cao hơn, xứng đáng là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Lâm nghiệp của cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS. Vũ Huy Đại – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ trình bày báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2012 – 2016, GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng trình bày Định hướng hoạt động KH&CN của Trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025.

Theo đó, trong 5 năm qua (2012 – 2016), Trường Đại học Lâm nghiệp đã được Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, các Sở KH&CN đặt hàng nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) và được Hội đồng Khoa học của cơ quan quản lý nghiệm thu: 07 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 49 nhiệm vụ cấp Bộ NN& PTNT, 13 nhiệm vụ cấp thành phố/tỉnh và 07 tiêu chuẩn quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN này đã góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế xã hội có liên quan đến ngành lâm nghiệp và đã được hội đồng đánh giá  đáp ứng tốt yêu cầu đề ra, nhiều kết quả đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp. Đã có 03 giải thưởng Sáng tạo khoa học Việt Nam Vifotec; 02 quy trình công nghệ của Nhà trường được công nhận tiến bộ kỹ thuật và 02 bằng sáng chế đã được cấp; 05 sản phẩm KH&CN đã đăng ký bản quyền tác giả. Các bài báo đã đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành là 1.180 trong đó có 190 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Hoạt động nghiên cứu KH&CN cấp cơ sở cũng được nhà trường quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan với 319 nhiệm vụ cấp cơ sở, 923 nhiệm vụ cấp khoa/bộ môn, 595 công trình NCKH của sinh viên được thực hiện thành công. Mặc dù hoạt động KH&CN giai đoạn 2012 – 2016 của Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: vấn đề thương mại hóa sản phẩm KH&CN, vấn đề bồi dưỡng năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên, hoạt động khai thông nhiệm vụ KH&CN các cấp…

Định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025 được xây dựng tập trung và cụ thể hóa cho từng lĩnh vực hoạt động KH&CN của Nhà trường bao gồm: Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Giống và Công nghệ sinh học, Công nghiệp rừng và Chế biến lâm sản, Kiến trúc cảnh quan và nội thất, Kinh tế và chính sách lâm nghiệp. Cùng với đó là những giải pháp thực hiện trước mắt và lâu dài. Trong đó các giải pháp quan trọng gồm: Tập trung phát triển nhân lực KHCN, Khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học; Đầu tư cho phát triển KHCN; Lập kế hoạch hoạt động KHCN hàng năm; Hoàn thiện cơ chế và quản lý về KHCN; Đổi mới cơ chế quản lý tài chính phù hợp với quy định hiện hành; Tăng cường hợp tác cho phát triển KHCN.

Đánh giá cao những kết quả hoạt động KHCN mà Trường Đại học Lâm nghiệp đã đạt được, GS.TS. Ngô Xuân Bình – Phó vụ trưởng Vụ KHCN Các ngành Kinh tế Kỹ thuật, Bộ Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh: Trường Đại học Lâm nghiệp đã có những đóng góp to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển KHCN cả về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.Nhà trường đã thể hiện vai trò hàng đầu trong hoạt động KHCN về các lĩnh vực lâm nghiệp với nhiều công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, tỉnh/thành phố trong cả nước góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong những năm tới, Nhà trường cần tập trung gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời tăng cường tiếp cận với các chương trình/quỹ nghiên cứu thuộc Bộ KH&CN, tăng cường hợp tác, phối hợp và với các cơ quan, doanh nghiệp… từ đó nâng cao được số lượng và chất lượng các công trình KHCN của Nhà trường.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Các hoạt động KH&CN của Trường Đại học Lâm nghiệp có vai trò đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo; tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong thời gian tới, Nhà trường cần bám sát hơn nữa vào chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp để đề xuất và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về tư vấn chính sách trong lâm nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, tư vấn đề xuất sáng kiến đối với các vấn đề mới như chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES), giảm phát thải từ nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+)…

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Mạnh Cường – Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, để thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan chuyên môn và các địa phương còn rất nhiều việc phải làm do đó định hướng hoạt động KHCN của Nhà trường cần căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhu cầu thực tiễn, nhế mạnh của Nhà trường. Nhà trường nên chú trọng đến nghiên cứu chế biến, bảo quản lâm sản, bảo tồn phát triển nguồn gen, phát triển LSNG… Đặc biệt cần đầu tư thỏa đáng hơn cho các nghiên cứu tiềm năng để làm cơ sở đề xuất nhiệm vụ KHCN ở cấp cao hơn.

Hội nghị cũng đã nghe nhiều tham luận khoa học của các đại biểu khách mời và các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường, cùng nhiều ý kiến trao đổi thảo luận rất thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và góp phần thực hiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã tham quan Triển lãm một số thành tựu KH&CN của giảng viên và sinh viên đạt được trong thời gian gần đây. Triển lãm thu hút sự tham gia của các đơn vị trong Trường với nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu mang tính khoa học và ứng dụng thực tiễn cao thuộc nhiều lĩnh vực.

Có thể nói, những thành tựu trong hoạt động KH&CN của Trường Đại học Lâm nghiệp trong thời gian qua là sự đoàn kết nhất trí cao của các nhà khoa học, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức, sinh viên Nhà trường dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, sự chỉ đạo có hiệu quả của các Bộ, Sở, Ban, Ngành và các cơ quan, doanh nghiệp. Nhiệm vụ Khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025 của Nhà trường còn rất nặng nề, nhưng với truyền thống đoàn kết, sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, Nhà trường sẽ triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động Khoa học và Công nghệ trong mọi lĩnh vực mà Nhà trường có thế mạnh trong giai đoạn tới.

Một số hình ảnh Hội nghị

GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

PGS.TS. Vũ Huy Đại – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ trình bày báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2012 – 2016

GS.TS. Phạm Văn Chương – Phó Hiệu trưởng trình bày Định hướng hoạt động KHCN của Trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025

GS.TS. Ngô Xuân Bình – Phó vụ trưởng Vụ KHCN Các ngành Kinh tế Kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ phát biểu

TS. Phạm Mạnh Cường – Phó vụ trưởng Vụ KHCN và MT, Bộ NN&PTNT phát biểu

TS. Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT phát biểu

Một số ý kiến tham luận

Trưng bày các sản phẩm KHCN của giảng viên và sinh viên Nhà trường

Toàn cảnh Hội nghị