Ngành đào tạo lâm nghiệp nỗ lực vượt khó

Đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 cho thấy sự mất cân đối trong công tác tuyển sinh giữa các trường tốp trên và tốp dưới. Bên cạnh những ngành đào tạo “hot” nhiều thí sinh ứng tuyển, điểm cao thì năm nay có những ngành đào tạo dù đã hạ điểm chuẩn xét tuyển ngang bằng mức điểm sàn nhưng vẫn khó tuyển sinh. Trong số đó, ngành đào tạo lâm nghiệp là một trong số những ngành ít được thí sinh quan tâm.

Năm 2017, Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh 36 ngành học bậc đại học hệ chính quy tại hai cơ sở Hà Nội và Phân hiệu tỉnh Đồng Nai với điểm trúng tuyển các ngành là 15,5 điểm. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS, TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trong đợt 1, nhà trường xét tuyển vào bậc đại học theo cả hai hình thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia năm 2017 và theo kết quả học tập bậc THPT (điểm học bạ năm lớp 12). Tuy nhiên, số thí sinh nộp hồ sơ vào trường mới chỉ đạt 70% trên tổng số 2.500 chỉ tiêu theo quy định của bộ. Hiện tại, nhà trường đang thông báo tuyển sinh đợt 2.

Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Từ trước đến nay, lĩnh vực lâm nghiệp vốn không hấp dẫn nên thường ít sinh viên định hướng theo học. Theo lãnh đạo nhà trường, đa số sinh viên theo học tại trường đều xuất thân từ vùng núi, trung du và nông thôn, quen với việc “chân lấm tay bùn”, không ngại khó, ngại khổ. Một phần vì các em muốn sau này tốt nghiệp có thể làm việc tại quê hương, một phần vì điểm vào của trường vừa với sức học. Tuy nhiên, do đến từ những vùng có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn nên công tác đào tạo, học tập của cả thầy và trò đều gặp những hạn chế như: Khả năng tiếp nhận kiến thức, kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm…

GS, TS Trần Văn Chứ cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thực tế đáng buồn này là do tâm lý mặc cảm với ngành nghề. Không ít người nghĩ, học lâm nghiệp thì khi ra trường sẽ làm trong rừng hoặc làm những việc nặng nhọc mà quên rằng, Trường Đại học Lâm nghiệp là trường đào tạo đa ngành với 36 ngành ở bậc đại học, 10 ngành ở bậc cao học và 6 ngành bậc tiến sĩ. Theo khảo sát của nhà trường, có tới hơn 78% sinh viên khi ra trường làm đúng ngành, đúng nghề với mức thu nhập cao. Điều này minh chứng ở các phiên Ngày hội việc làm do Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức hay trên website của nhà trường liên tục đăng các thông tin tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.

Trường Đại học Lâm nghiệp đang tích cực thay đổi chiến lược đào tạo, lấy chất lượng sinh viên làm mục tiêu phấn đấu. Trường cũng đang đẩy mạnh đào tạo về lâm nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đào tạo thương mại lâm nghiệp trong nước và quốc tế, giúp sinh viên đủ tự tin khởi nghiệp, làm giàu từ những kiến thức mình học được.

Nguồn Nguyễn Hoài – Baomoi.com